Dịch vụ cho thuê...tân lang, tân nương và tứ đại nhạc mẫu

Thứ Sáu, 07/08/2015 15:36  | Văn Cương

|

(CATP) Ngoài nhân vật chính là cô dâu, chú rể và song thân, các công ty kinh doanh còn mạnh miệng quảng cáo cho thuê người đóng giả bà con họ hàng cùng bạn bè thân hữu của cô dâu, chú rể để tổ chức một đám cưới linh đình với chi phí trọn gói từ vài chục lên đến hàng trăm triệu đồng...

QUẢNG CÁO “CÓ CÁNH”

Theo quảng cáo của Công ty Dịch vụ nhân sự Tuấn Việt, trụ sở tại Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội: Ở đâu có “cầu” thì ở đó có “cung”. Câu nói mang tính triết lý kinh doanh này tưởng chỉ tồn tại trên thương trường, ai dè còn len lỏi vào cả đời sống hôn nhân. Thuê áo cưới, thuê xe hoa là chuyện xưa như trái đất, ngày nay người ta còn cho thuê cả “chú rể” để làm đám cưới. Cho tới năm 2013, Tuấn Việt là đơn vị cung cấp chú rể, diễn viên đóng thế chuyên nghiệp nhất tại Việt Nam (?!).

Kèm theo quảng cáo là phần phát biểu của giám đốc Công ty Tuấn Việt: “Cuộc sống muôn hình, muôn vẻ cùng nhiều điều éo le mà con người không thể lường hết được. Vậy mọi người hãy giang rộng vòng tay đón nhận họ bằng con mắt gần gũi thay vì khinh bỉ coi thường (ở đây những người đáng khinh bỉ phải là những kẻ, những thằng đàn ông dám làm mà không dám nhận, dối vợ lừa con để ham của lạ...) hay đặt vấn đề phong tục, tập quán vượt quá sự sĩ diện của con người. Hay hành động phân biệt những người đồng tính, dân tộc... (có lẽ cái thứ đáng trách ở đây phải là ông trời vì ông trời đã sinh ra họ như vậy). Tôi nói thế này tôi vẫn tin những khách hàng của tôi đã mắc phải những cạm bẫy, tình cảnh như trên sẽ đồng tình ủng hộ tôi...” (?!).

Hình minh họa - Ảnh: NOP

“Họ” mà giám đốc Tuấn Việt đề cập chính là những phụ nữ “không chồng mà lại có con”; các cô gái bị “dính” bầu nhưng bị tác giả bào thai “quất ngựa truy phong” hay những “ô-môi” (đồng tính luyến ái) bị gia đình ép buộc lấy chồng... Những hoàn cảnh “éo le” này thuê “chú rể” tổ chức đám cưới để che mắt thiên hạ.

Công ty CP truyền thông và thương mại Hưng Thịnh, trụ sở tại Giáp Nhất, Thanh Xuân, Hà Nội: Thuê chú rể, bố mẹ, cô dì chú bác, là chuyện xưa nay hiếm nhưng trong thời đại tân tiến không còn phong kiến như xưa được xem là mốt mới, một trào lưu mới của các bạn trẻ. Nhiều cô gái trót dại bị sở khanh lừa mang bầu rồi cao chạy xa bay cần một người đàn ông đóng giả làm chồng, người yêu trong đám cưới giả để qua mắt gia đình và dị nghị xã hội.

Trong số hơn 300 khách hàng đã ký hợp đồng thuê chú rể với Công ty Hưng Thịnh trong 8 năm vừa qua, có đến 90% các cô gái đã mang bầu.

Cũng cho rằng đám cưới giả mang ý nghĩa “nhân văn”, Công ty Hoàng Gia trụ sở tại quận Đống Đa, Hà Nội, quảng cáo, từ năm 2011 đến nay doanh nghiệp này đã làm thành công hơn 200 đám cưới giả, mang tới cho những cô gái, bà mẹ sống đơn thân một tấm khiên để vượt qua định kiến, rào cản của xã hội. Theo Hoàng Gia, với kinh nghiệm của mình, công ty sẽ có một kịch bản hoàn hảo cho đám cưới giả giống 99% đám cưới thật từ khâu chụp ảnh cưới, lễ ăn hỏi, lễ cưới cho tới hậu hôn nhân...

Giống như Hưng Thịnh, Hoàng Gia cũng có chương trình “hậu mãi”, hỗ trợ khách hàng trong suốt 3 năm đầu giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan chuyện gia đình.

MUỐN TỔ CHỨC BAO NHIÊU ĐÁM CƯỚI CŨNG ĐƯỢC (?)

Ngoài dịch vụ cho thuê “chú rể”, Công ty Vinamost trụ sở tại đường Hoàng Minh Giám, Q.Cầu Giấy, Hà Nội (có chi nhánh tại TPHCM và Hải Phòng) còn có thêm dịch vụ cho thuê “cô dâu”. Theo Vinamost, đối với phái mạnh cũng có rất nhiều những trường hợp éo le khó nói.

Trước đây, khách hàng sử dụng nhiều là dịch vụ cho thuê “bố mẹ cô dâu” bởi đôi khi hôn lễ không đáp ứng tính “môn đăng hộ đối”, bố mẹ cô dâu cấm đoán, không chấp nhận chàng rể trong khi họ trót lỡ mang bầu. Để có một hôn lễ cùng sự công nhận của bạn bè, đồng nghiệp, họ thuê dịch vụ đóng thế.

Thuê người giả làm bố mẹ được thì việc mướn các cô gái đóng vai “cô dâu” cũng không khó, nhất là với các chàng không thích bó buộc, nhưng lại cứ bị gia đình giục ép cưới vợ. Và còn một lý do nữa, họ sử dụng dịch vụ cho thuê cô dâu có thể vì chữ “hiếu”. Ước nguyện của mẹ là được thấy con trai lập gia đình trước khi nhắm mắt xuôi tay, trong khi con trai thì chưa muốn hoặc có ai đó để thành thân.

Dịch vụ cung cấp "nhân sự cưới hỏi" của Công ty Hưng Thịnh

Công ty Vinamost lập luận: Pháp luật không có điều khoản nào cấm chuyện tổ chức cưới hỏi mà không đăng ký kết hôn. Pháp luật chỉ công nhận hôn ước khi đã có đăng ký, còn muốn tổ chức cưới hỏi với ai, bao nhiêu lần cũng được (?!). Vậy là, sau đám cưới “sắp đặt”, họ lại ai về nhà người nấy, như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Điều đó âu cũng là lý do có thể chấp nhận được khi mà tất cả người tham gia ai cũng có lợi và thỏa mãn phần nào mong muốn. Qua đây, cho thuê cô dâu hay cho thuê chú rể cũng có mặt tốt của nó cho xã hội (?!).

Theo Vinamost, từ năm 2009 đến nay, công ty đã tổ chức nhiều đám cưới rắc rối, mong muốn hướng đến một dịch vụ đáng tin cậy cho những người đối mặt với điều tiếng của dư luận, hoặc gặp chuyện khó xử trong gia đình. Đa số khách hàng biết đến Vinamost nhờ thông tin người thân, bạn bè hoặc được giới thiệu qua người khác chứ công ty không phải quảng cáo hay tự nói về mình (?).

Bên cạnh chú rể, cô dâu, các công ty còn quảng cáo cho thuê người đóng giả song thân của hai nhân vật chính; phụ dâu, phụ rể; bà con thân tộc hai họ (ông bà, cô bác, dì, chú, anh em...); cho thuê người bưng mâm; cho thuê bé gái, bé trai làm “thiên thần”... Tất cả phục vụ cho một đám cưới rình rang, vẻ vang dòng họ...

(Còn tiếp)

Bình luận (0)

Lên đầu trang