(CAO) Ea Krông Bông là con suối cung cấp nước chính chảy qua địa bàn xã Yang Mao của huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. Thời gian qua, ở đây đã xảy ra chuyện một doanh nghiệp tự ý xây đập chặn dòng suối để dẫn nước vào khu ao hồ nuôi cá của mình. Còn chính quyền và các cơ quan chức năng tại địa phương thì phản ứng chậm chạp trước hành vi này.
Từ những tháng cuối năm 2016, ông Nguyễn Văn Toản, một doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản ở TP. Hồ Chí Minh đã đến xã Yang Mao của huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk để xin phép xây cơ sở hồ, đắp đập nuôi cá tầm. Trong lúc đang nộp đơn cùng hồ sơ lên UBND xã, chưa được cấp có thẩm quyền kiểm tra phê duyệt cho phép, thấy chờ lâu, nên ông Toản đã tự ý xây một con đập chắn ngang qua đầu con suối Ea Krông Bông.
Bên cạnh con đập ngăn suối dài khoảng 20m, cao hơn 2m, ông Toản còn xây thêm 1 hệ thống kênh mương kiên cố dài 240 m, cao 1,5m, rộng 2m với mục đích là để dẫn nước từ suối vào cung cấp cho gần 50 hồ nuôi cá tầm trên tổng diện tích khoảng 1,3 héc ta của mình…
Lí giải cho việc xây dựng con đập kiên cố trái phép này, ông Nguyễn Văn Toản cho biết: “Tôi nộp hồ sơ lên xã từ tháng 10 năm ngoái nhưng xã không chuyển lên chỉ tới khi đoàn của huyện xuống kiểm tra vừa rồi thì xã mới trình lên. Nếu về các quy định, thủ tục hành chính thì chúng tôi sai vì chưa được cấp phép mà vẫn tiến hành. Tôi đã đình chỉ và chờ các cấp thẩm quyền cho phép thì tôi sẽ tiếp tục còn không thì tôi giữ nguyên như vậy”.
Con đập trái phép được xây kiên cố bằng đá hộc với chiều cao trên 2m
Từ tháng 11 năm 2016, khi biết những công trình của ông Toản đang triển khai xây dựng, UBND huyện Krông Bông đã có chỉ đạo dừng lại để xem xét. Nhưng không hiểu vì những lí do gì mà những tháng sau đó ông Toản vẫn tiếp tục xây xong con đập ngăn suối kiên cố cùng hệ thống kênh mương dẫn nước và nhiều ao hồ, làm biến đổi dòng chảy ảnh hưởng đến môi trường sinh thái ở khu vực này.
Còn chính quyền các đơn vị chức năng ở xã thì lúng túng, chậm có đề xuất tham mưu để có giải pháp xử lý chuyện này. Ông Văn Phú Hồng, Trưởng phòng tài nguyên môi trường huyện Krông Bông, cho biết: “Sau khi chúng tôi kiểm tra hồ sơ thì phát hiện xã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính nhưng không đúng thẩm quyền nên chúng tôi đình chỉ những quyết định này. Chúng tôi sẽ tiến hành xuống lập biên bản vi phạm hành chính theo thẩm quyền và tham mưu cho ủy ban huyện xử lý theo đúng quy định như luật đất đai, tài nguyên nước rồi luật bảo vệ môi trường.
Còn về lĩnh vực của kinh tế hạ tầng thì họ sẽ xử lý theo luật xây dựng… Vào tháng 11-2016 thì huyện đã có văn bản đình chỉ, yêu cầu ngừng để hoàn chỉnh các thủ tục rồi mới được làm. Nhưng do sơ suất của phòng chức năng chúng tôi, sau chỉ đạo như thế không đi sâu sát mà chủ quan, nên mới xảy ra như thế này?!”
Khu hồ nuôi cá tầm mới được xây của hộ ông Nguyễn Văn Toản
Theo ông Nguyễn Văn Toản thì tổng mức đầu tư cho dự án này khoảng 10 tỷ đồng. Và đến nay, ông đã xây dựng xong hơn một nửa, với kinh phí đã bỏ ra khoảng 6 tỷ đồng. Như vậy, nếu đập nước trái phép này bị phá dở để trả lại theo hiện trạng môi trường, dòng chảy của con suối như ban đầu thì gia đình ông Toản sẽ thiệt hại lớn.
Trong câu chuyện này, không chỉ do Ông Toản vội vàng đầu tư xây dựng, khi hồ sơ xin phép chưa được cấp có thẩm quyền ở huyện xem xét phê duyệt, mà những cán bộ có trách nhiệm ở xã Yang Mao và huyện Krông Bông cũng cần xem xét lại quá trình khi tiếp nhận hồ sơ xin xây dựng khu nuôi cá tầm của ông Toản đã không khẩn trương nghiên cứu hồ sơ và đi kiểm tra ngay thực địa, chậm chạp trong việc hướng dẫn nhắc nhở cho ông Toản làm đúng quy định nên mới dẫn đến những hậu quả như trên.
Một hệ thống kênh mương dẫn nước kiên cố ông Toản cho xây trái phép