(CATP) Trong thời đại Internet, trẻ em đang dần bị tách biệt với thế giới thực mà ngày càng sa lầy vào thế giới ảo. Chính vì thế, nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu tính đến chuyện “ngắt kết nối”, nhằm hạn chế trẻ em sử dụng các thiết bị điện tử, đưa trẻ em trở lại và gắn kết với cộng đồng và thế giới thực.
LÀN SÓNG… “NGẮT KẾT NỐI”
Tháng 7/2023, UNESCO kêu gọi toàn cầu cấm học sinh dùng điện thoại ở trường, khi nhiều minh chứng cho thấy có mối liên hệ tiêu cực giữa việc lạm dụng thiết bị điện tử và kết quả học tập của học sinh. Ngay sau đó vào năm 2024, thế giới ghi nhận làn sóng mạnh mẽ từ các quốc gia tiến bộ về chủ trương và hành động “ngắt kết nối” đối với trẻ em - cụ thể là việc cấm cha mẹ cho trẻ nhỏ dưới bậc tiểu học sử dụng điện thoại thông minh; cấm học sinh sử dụng điện thoại trong toàn bộ thời gian ở trường. Theo nhiều chuyên gia thì đây chính là sự “tuyên chiến” nhằm bảo vệ lợi ích và sự phát triển của trẻ nhỏ.
Tại Hà Lan vào đầu năm 2024, quốc gia này đã áp dụng lệnh cấm điện thoại di động áp dụng đối với các trường trung học. Sau thời gian ngắn, hệ thống giáo dục quốc gia này ghi nhận chất lượng học tập của học sinh cải thiện rõ rệt; chính vì thế mà đến tháng 9/2024, lệnh cấm điện thoại di động đã được mở rộng sang các trường tiểu học và sau đó là toàn bộ hệ thống trường học. Trường hợp giáo viên và học sinh được sử dụng điện thoại di động là khi thiết bị này cần thiết cho nội dung bài học, cụ thể là khi học tập về kỹ năng truyền thông hoặc liên quan đến kiến thức mạng xã hội.
Còn tại Anh quốc và Hy Lạp, các nhà hoạt động giáo dục của cả Anh đều cho rằng: Cấm học sinh sử dụng điện thoại di động không chỉ giúp học sinh học tập tốt hơn; mà còn tạo ra môi trường học tập an toàn hơn và giảm thiểu tình trạng bắt nạt qua mạng. Các quốc gia như Trung Quốc, Đan Mạch, Bỉ, Hàn Quốc… cũng đã gia nhập làn sóng “ngắt kết nối” đối với trẻ em và học sinh. Như một dạng bổ sung các lý do cho hành động này, các nhà hoạt động giáo dục của các quốc gia trên cho rằng: Biện pháp này nhằm bảo vệ thị lực, bảo đảm học sinh tập trung vào học tập và ngăn trẻ em nghiện Internet cũng như các trò chơi điện tử.
Trên thực tế, Việt Nam đã khởi động khá sớm hoạt động quản lý việc sử dụng điện thoại di động đối với học sinh ở các trường; thế nhưng có thể thẳng thắn nhìn nhận rằng phản ứng còn khá yếu ớt. Cụ thể, Thông tư số 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam ban hành năm 2020 đã quy định: Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép. Tuy nhiên các nhà hoạt động giáo dục cho rằng, đây mới chỉ là “quy định mở” và “quả bóng quản lý” lúc này lại được ban chuyền quyền hạn về cho giáo viên. Chính vì thế, bản thân các trường và từng giáo viên cũng áp dụng mỗi nơi mỗi khác và kiểu… tùy hứng.
Mặc dù vậy vào đầu năm học 2024 - 2025, một số trường tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một vài địa phương bắt đầu quy định chặt hơn, đó là: Không cho học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong lớp học (ngoài những tiết được giáo viên cho phép) hoặc giờ ra chơi. Cũng trong năm 2024, làn sóng tranh luận và phản biện về việc: Nên hay không nên cấm học sinh sử dụng điện thoại trong khuôn viên nhà trường? đã thực sự trở nên sôi nổi. Tính đến nay, tổng kết từ các trường học và điều tra xã hội thì tỉ lệ nhà trường, phụ huynh và học sinh ủng hộ biện pháp “cấm học sinh sử dụng điện thoại trong khuôn viên nhà trường” đã thể hiện rõ sự thắng thế.
SAU “NGẮT KẾT NỐI” LÀ GÌ?
Năm 2024, có một bức vẽ trở thành “hot trend” trên mạng xã hội. Bức vẽ đó thể hiện nội dung: Nếu như từ năm 2000 trở về trước, cha mẹ sẽ kéo con từ sân bóng đá về nhà; thì từ năm 2000 đến nay, cha mẹ lại phải kéo con khỏi điện thoại di động bắt ra sân bóng đá. Có thể nói: Bức vẽ đã thể hiện rất sinh động hai điều: Một là tác hại của điện thoại di động đối với trẻ em; hai là trẻ em cần được kéo trở lại và tương tác với thế giới thực. Cùng với hành động quyết liệt “ngắt kết nối” đối với trẻ em, các nhà hoạt động giáo dục và tâm lý cũng chứng minh hoạt động tương tác nhóm đối với trẻ là cực kỳ cần thiết - thậm chí, đây là một trong những kỹ năng quan trọng giúp phát triển thể lực và hình thành nhân cách.
Do đó có thể nói: Một phần của giải pháp giúp “ngắt kết nối” hiệu quả là… dung dăng dung dẻ cho trẻ tương tác nhóm với các thành viên trong gia đình và tương tác với cộng đồng, bạn bè. Trong nhiều năm, qua quan sát và trao đổi với các nhóm du khách quốc tế có trẻ em đi cùng đến Việt Nam, tôi nhận thấy rằng rất hiếm du khách quốc tế đến Việt Nam cho trẻ em đi cùng sử dụng điện thoại di động; thay vào đó, họ để trẻ trải nghiệm hoạt động thể chất với mục tiêu phát triển thể lực, các giác quan và kỹ năng cá nhân trong môi trường mới.
Theo các nghiên cứu khoa học và kết quả ghi nhận được từ các nghiên cứu này thì hoạt động tương tác nhóm mang lại rất nhiều lợi ích cho trẻ nhỏ. Có thể chia thành hai nhóm lợi ích cơ bản đó là lợi ích về phát triển thể lực và lợi ích về phát triển trí lực. Theo đó, đối với nhóm phát triển trí lực thì lợi ích dễ nhận thấy nhất đó là năng lực phát triển về ngôn ngữ và tư duy. Chia nhỏ hơn nữa các lợi ích trong nhóm này thì đó là sự phát triển về năng lực tranh luận, phản biện thông qua giao tiếp; bên cạnh đó là khả năng tự tin về bản thân cũng như sự biết cách lắng nghe và quan sát khi tương tác…
Có thể nhận thấy trong cả hai vấn đề bao gồm “ngắt kết nối” và dung dăng dung dẻ cho trẻ tương tác nhóm thì vai trò đồng hành của người lớn là cực kỳ quan trọng. Trong đó, hoạt động “ngắt kết nối” mang tính chế tài “cứng” thì hoạt động tương tác nhóm lại thuộc nhóm cơ chế “mềm”. Song, điều quan trọng nhất đó là cần kiến tạo và phát triển không gian để trẻ không bị hụt hẫng khi “ngắt kết nối”; đồng thời có môi trường đủ hấp dẫn để trẻ tham gia tương tác.