Mùa vú sữa tím báo xuân về

Thứ Ba, 28/01/2025 10:43

|

(CATP) Giáp Tết và đầu năm, ngoài những loại hoa trái đặc trưng báo Tết, dọn ngõ đón xuân về còn có một loại trái cây chính hiệu báo năm hết Tết đến là... vú sữa.

Người ta hái vú sữa rộ lên vào những ngày giáp Tết để ăn vì nếu không hái, chim chóc, dơi và những họ nhà sóc sẽ tới xơi. Ngoài hái vú sữa đón Tết, người ta sẽ lựa ra những trái to, đẹp, còn cả cuống lá để chưng bàn thờ ông bà. Nhưng với trẻ con, để ăn là chính, ăn từ trên cây ăn xuống. Ngày thơ ấu, hái vú sữa lúc cuối năm, cận Tết đối với tôi hay trẻ con chúng tôi là vui nhất, náo động nhất. Dù là hái vú sữa trong vườn, trong sân nhà mình hay hái... trộm vú sữa nhà người khác.

Mấy ngày giáp Tết về quê, trong lúc ngồi uống trà một mình sáng sớm mai mà nhìn qua cử sổ màu trời như còn lẫn hơi sương chưa tan hết, tôi bỗng ngậm ngùi nhớ tới những mùa vú sữa năm xưa và ký ức tuyệt đẹp một thời tuổi nhỏ đã trôi qua hơn nửa đời người. Thời gian đi rất nhanh, âm thầm và lặng lẽ với những biến chuyển không ngừng và không ngờ. Chỉ khi đến tuổi nào đó, cột mốc nào đó của đời người, ta chợt nhìn lại phía sau cái khoảng trống thời gian có cả không gian trộn lẫn, hòa quyện ấy mới nhận ra được sự đổi thay kỳ diệu.

Khu đất, ngôi nhà mà tôi đang ở từ lúc tôi còn nhỏ của một người khác, là bà con xa cũng là hàng xóm bên quê ngoại tôi. Lúc đó, ngoại tôi ở với cậu Tư, em của má tôi trên mảnh đất nghe đâu của đình làng Phú Vang, cách nhà tôi bây giờ khoảng 300m, phía trước có một cái ao tự nhiên rất lớn. Nhà má tôi sát nhà cậu Tư. Về thổ nhưỡng, đây là loại đất giồng pha cát. Sát với rìa giồng phía bên kia con lộ làng là dãy rọc cát trồng lúa, xa hơn nữa có một khu đất giồng, sát rìa giồng lại là đất lầy trồng lúa.

Phía sau nhà cậu Tư và nhà má tôi là khu vườn dừa của những nhà giàu có thời đó. Vườn dừa phải tính bằng mẫu, gọi là những thớt vườn, có nhiều nhà giàu thớt vườn mênh mông rộng cả chục mẫu. Và ở đó là kỷ niệm, chập chùng những ngày thơ ấu của tôi với những thú vui bắt cua, câu cá, bắn chim, tìm ổ chim trẻo trẹt bắt chim con về nuôi, bè dừa, tìm nấm mối, leo cây bắt tổ ong ruồi... Sau những vườn dừa là vùng ruộng rẫy, đi soi ếch nhái, cá kèo, cắm câu, vớt cá lia thia...

Những buổi sớm mai ở quê ngày giáp Tết, ngồi uống trà một mình trong căn nhà vắng tôi đã nhớ gì? Nhớ khu đất hiện tại mà tôi đã mua lại để cất nhà cho má tôi ở khi bà nghỉ hưu ở Bưu Điện Sài Gòn về làm hợp đồng cho Khu huấn luyện nghĩa vụ quân sự Đồng Tâm (Tiền Giang) mà trong chiến tranh, ngôi nhà bên nội để lại trên mảnh đất quê nội, trong một vườn cây đã bị người bà con lấn chiếm khiến khi trở về má tôi không có một mảnh đất để cất cái nhà nương thân lúc tuổi già.

Và chính ngôi nhà má tôi đang ở hiện tại, phía trước cổng có một con đường chạy ngang để vào xóm vườn, chính là con đường hai bên trồng nhiều cây vú sữa tím của một người bà con giàu có nổi tiếng ở quê, một trong “Tứ đại phú hào” của làng Phú Vang ngày tôi còn nhỏ. Con đường này ngày xưa tôi nhớ rất rộng, san sát những bóng cây vú sữa râm mát để bọn trẻ con chúng tôi chơi đánh bông vụ, đánh trổng, bắn cu li, tạt lon, nhảy dây với đám con gái và... leo hái trộm vú sữa chín rộ những ngày giáp Tết.

Không biết những cây vú sữa (hầu hết là vú sữa tím) hai bên con ngõ này được chủ trồng lúc nào (chủ là một trong Tứ đại phú hào mà tôi vừa kể). Nhưng khi tôi lớn lên (năm đó khoảng 8-9 tuổi) thì những cây vú sữa tím đã thành cổ thụ, thân rất to, sù sì lớp vỏ cứng gân guốc của thời gian, cành nhánh xòe rộng và trái rất to. Tôi còn nhớ như in những mùa hoa vú sữa rụng trắng trên mặt đường cát ướt sau cơn mưa rất thơm. Hoa vú sữa thơm nồng nàn, ngây ngất. Khi mùa hoa vú sữa đã thành mùa trái chín giáp Tết với màu tím đẹp, thì đó là mùa hái trái rất vui của trẻ con chúng tôi.

Thời gian trôi nhanh. Những đứa trẻ một thời chơi tạt lon, nhảy dây dưới bóng mát những cây vú sữa tím đã hơn nửa đời người, tứ tán các phương trời. Có đứa đã mất trong chiến tranh, có đứa bị bạo bệnh mất sau năm 1975, có đứa định cư ở nước ngoài... Tôi thường về quê khi má tôi đau yếu, những buổi sáng sớm ngồi uống trà hay tưới cây, đứng nhìn con ngõ chạy ngang trước cổng nhà mà ngày xưa có hai hàng cây vú sữa cổ thụ tỏa đầy bóng mát nay hoàn toàn không còn dấu tích qua thời gian mấy chục năm, tôi không khỏi bồi hồi.

Bình luận (0)

Lên đầu trang