Đường dây cưỡng bức lao động bằng tờ rơi: Kiểu kinh doanh phi đạo đức, siêu lợi nhuận

Thứ Bảy, 30/07/2016 09:13

|

(CAO) Đến nay, lộ rõ dấu hiệu hành vi lừa đảo của những kẻ mang danh nghĩa tuyển dụng, môi giới lao động. Đồng thời là lời cảnh tỉnh với các lao động tại các địa phương đang có nhu cầu việc làm.

Điều tra đường dây lừa người lao động bằng tờ rơi ở Lâm Đồng

Vụ việc 4 thanh niên trú xã Hải Lệ, TX.Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị bị lừa đến Lâm Đồng lao động rồi bị bắt chẹt phải đi làm thuê trả món nợ “trên trời rơi xuống” khiến nhiều người bức xúc. Ngành chức năng đang khẩn trương tiến hành làm rõ dấu hiệu tội phạm để xử lý những kẻ liên quan. Cả 4 thanh niên đã được đưa trở về nhà an toàn.

Lấy trụ sở UBND tỉnh Lâm Đồng để lừa đảo

Trước đó, làm việc với cơ quan điều tra, cả 4 em Hồ Quang Đạt, Võ Thanh Tú (cùng SN 1996), Hồ Xuân Cường (SN 1987), Phạm Bá Hợp (SN 1999) đều khai nhận, các em đọc được tờ rơi tuyển lao động dán ở cột điện đường liên xã. Ngoài ra, ở chợ, bến xe và các địa điểm công cộng của xã Hải Lệ, người thân và bạn bè các em cũng đều nhặt được tờ rơi, “quảng cáo” giới thiệu việc làm này. Nội dung tờ rơi ghi rõ: Công ty Cổ phần Hoa Việt (số 4, đường Trần Hưng Đạo, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) cần tuyển 30 nam-nữ làm vườn, chăm sóc hoa, tạp vụ văn phòng, lương 5-6 triệu đồng/tháng, bao ăn ở.

Tờ rơi của đối tượng tên Tuấn

Trên tờ rơi có số điện thoại 0987193884 của người tên Tuấn để liên hệ. Do muốn được đến TP.Đà Lạt sinh sống, công việc không mấy vất vả, mức lương cao, 4 thanh niên đang cần việc làm vội gọi đến số điện thoại trên. Đối tượng tên Tuấn hướng dẫn họ ra quốc lộ 1A, đón xe khách Dũng Yến (chạy tuyến Bắc – Nam) để đến “Công ty ở Đà Lạt”.

Thực tế không như vậy. 4 thanh niên được chở thẳng đến nhà xe Dũng Yến ở thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, sau đó có xe ô tô 12 chỗ chở đến Công ty TNHH giới thiệu việc làm và cung ứng lao động Tâm Đức Lộc, cách nhà xe Dũng Yến khoảng 100m. Tại đây, ông Mai Văn Quang – Giám đốc công ty Tâm Đức Lộc và nhân viên của mình sắp xếp cho 4 lao động đi làm các công việc khác, như làm vườn cà phê, hái dâu nuôi tằm… với mức lương 2,4 triệu đến 3 triệu đồng/tháng. Thấy công việc, mức lương không như quảng cáo, 4 thanh niên từ chối. Công ty Tâm Đức Lộc lúc này thông báo 4 thanh niên đang nợ số tiền 1,7 triệu đồng, gồm 500.000 tiền xe (bao ăn 1 bữa), 1,2 triệu tiền môi giới. Phải trả số tiền này thì thả cho về.

Hai lao động Hồ Quang Đạt, Võ Thanh Tú vui mừng khi bỏ trốn thành công

“Tụi em làm gì có tiền, khi đi, ông Tuấn nói không cần mang theo nhiều tiền, chỉ vài chục ngàn đến 100.000 đồng chi phí ăn uống dọc đường, chi phí cá nhân là đủ, còn lại, công ty sẽ lo hết, tiền xe thì làm có lương trả họ. Nghe vậy, tụi em mới chấp nhận. Giờ gặp ông Quang đòi 1,7 triệu, tụi em không có trả nên bị giữ lại ở công ty, bị giữ giấy tờ tùy thân và buộc điện về yêu cầu người nhà mang tiền nộp mới cho về. Tụi em muốn đi làm có tiền giúp đỡ cha mẹ, giờ kêu người nhà gửi số tiền lớn vô lý này, sao đành, đành tự xoay sở”, các em cho biết.

Lúc này Công ty Tâm Đức Lộc lấy danh nghĩa “tư vấn” cho 4 thanh niên này, đi làm kiếm tiền trả xong số nợ rồi về. Lỡ vào đây rồi nên đi làm đỡ, lương tháng đầu chủ trả như vậy, làm tốt, lại được tăng thêm. Nếu chấp nhận, các lao động phải nợ thêm số tiền 700.000 đồng gọi là tiền “tư vấn”.

Đất lạ quê người, ở vào “thế” đó, 4 thanh niên này đành chấp nhận đi ở thuê, trả nợ hoặc chờ dịp bỏ trốn. Số tiền 2,4 triệu đồng (thậm chí trường hợp em Phạm Bá Hợp là 2,6 triệu đồng) sẽ do Công ty Tâm Đức Lộc và chủ nhà nhận các lao động này giải quyết với nhau. Chủ nhà sẽ trừ lương tháng đầu tiên của các lao động để trả nợ cho công ty Tâm Đức Lộc. Dì của em Hợp đã phải trả cho chủ quán phở - nơi em này được đưa đến, số tiền 2,6 triệu đồng để chuộc em về.

Trước việc các đối tượng dám lấy trụ sở UBND tỉnh Lâm Đồng để lừa đảo, lãnh đạo UBND tỉnh này đã chỉ đạo các sở ngành chức năng điều tra, phát hiện tội phạm, xử lý nghiêm các đối tượng liên quan.

Siêu lợi nhuận

Đạt với Tú kể: “Lúc bọn em ở Công ty Tâm Đức Lộc, thấy có xe đưa 3 phụ nữ tới. Ông Quang đưa 3 người này ra phía sau nhà nói chuyện, một lúc sau 2 phụ nữ lên nhà ký vào hợp đồng lao động như tụi em. Chắc họ không có 1,7 triệu đồng để nộp nên chấp nhận đi làm thuê trả nợ. Ông Quang lúc đầu nói ngon ngọt với tụi em, sau đó thì quát tháo, dọa nạt. Tụi em được đưa ra 1 phòng trọ phía sau công ty ở, bên ngoài có người canh gác. Họ dọa sẽ đưa tụi em lên Công an vì quỵt tiền của họ nên bọn em rất sợ”. Tính ra, chẳng mất vốn liếng gì, chỉ bằng các “chiêu”: giả mạo công ty, rải tờ rơi, dọa nạt, Công ty Tâm Đức Lộc thu từ 1,7 triệu đến 2,4 triệu đồng/đầu người “ngon ơ”. Trừ tiền vé xe 500.000 đồng, họ “béo” chán (!).

Trụ sở Công ty Tâm Đức Lộc

Đạt cho biết thêm: “Ông chủ mà cả hai bị đưa đến làm thuê (ở xã Tà Nung, TP.Đà Lạt), giao hẹn, lương tháng đầu tiên 2,4 triệu đồng, để trừ vào tiền ông đã phải trả cho công ty môi giới. Ở quê, tụi em đi phụ hồ, làm cát ngày công cũng được 170.000 đồng. Đất lạ quê người, không quen biết ai, lo sợ sẽ gặp những bất trắc, nửa đêm 26-7, tụi em bỏ trốn. May mắn sau đó được các chú Công an cho tiền, bắt xe đưa về quê. Chúng em đã khai báo hết với cơ quan công an, mong rằng sẽ không còn ai bị lừa khốn khổ giống như tụi em nữa”. Ngày 28-7, ba lao động Hồ Quang Đạt, Võ Thanh Tú, Hồ Xuân Cường đã được cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ đưa về quê.

Không chỉ với số lao động trên, sau khi đọc báo, nhiều bạn đọc ở tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam đã gọi điện cho PV CAO phản ánh, họ cũng bị “đường dây” này lừa và vừa được gia đình đưa tiền vào chuộc về. Số tiền họ phải nộp cho Công ty Tâm Đức Lộc là 2,5 triệu đồng.

Vào các ngày 25,26,27-7-2016, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Lâm Đồng làm chủ công, dưới sự chỉ đạo của Ban giám đốc Công an tỉnh, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, như Phòng CSĐT tội phạm kinh tế, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh, Sở LĐTB&XH đã tiến hành đi tìm 4 thanh niên trên. Xác định ra nơi ở của các em, lấy lời khai về vụ việc, ngành chức năng tiến hành làm việc với Công ty Tâm Đức Lộc và những nơi 4 lao động được đưa đến làm việc. Việc quan trọng nhất lúc này là truy tìm đối tượng tên Tuấn. Tuấn chính là “mắt xích” quan trọng của vụ việc. Đối tượng này có thật không hay chính là người của Công ty Tâm Đức Lộc giả mạo tên? Giữa Tuấn và Công ty Tâm Đức Lộc có mối liên hệ như thế nào? Chính việc Công ty Tâm Đức Lộc thu số tiền 1,7 triệu đồng thay cho “Tuấn” đã nói lên mối quan hệ này.

Qua kiểm tra báo cáo 6 tháng đầu năm 2016, Công ty Tâm Đức Lộc đã “tuyển dụng” được 250 lao động. Riêng trong tháng 7-2016 (tính đến ngày 26-7), công ty này dẫn dụ, môi giới 83 trường hợp lao động. Số tiền họ thu được từ người lao động là siêu lợi nhuận.

Được biết, giám đốc Mai Văn Quang không hề đơn giản. Người này tỏ ra am hiểu luật pháp, công khai các chứng từ thu, chi; cử Dương Huy Vũ ký hợp đồng với người lao động. Thậm chí, ông Quang còn cẩn thận cho ghi âm lại buổi “tư vấn” với các lao động, nhằm thể hiện việc các lao động tự nguyện chứ không bị ép buộc.

Đây không phải lần đầu tiên ở Lâm Đồng xảy ra tình trạng cưỡng bức lao động. Trước đó, vào các năm 2009, 2012, Công ty Tâm Đức Lộc và một công ty khác tại huyện Lâm Hà cũng xảy ra tình trạng tương tự. Việc lặp đi lặp lại tình trạng này làm ảnh hưởng đến địa phương. Sở LĐTB&XH tỉnh Lâm Đồng - cơ quan trực tiếp cấp phép và quản lý các công ty giới thiệu việc làm và cơ quan điều tra đã nỗ lực ngăn chặn, nhưng có vẻ như việc xử lý còn chồng chéo, chưa nghiêm; các đối tượng khá tinh vi, lách luật nên sự việc tái diễn. Với kiểu làm ăn chụp giựt, Công ty Tâm Đức Lộc khiến nhiều người bất bình, phẫn nộ.

Cần nói thêm rằng, để xảy ra tình trạng này, lỗi một phần cũng do người lao động. Do nhận thức kém, mất cảnh giác, họ trở thành nạn nhân của một trò lừa đảo, “đem con bỏ chợ”. Người lao động cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ về các công ty tuyển dụng lao động. Họ làm ăn uy tín, thông tin đúng hãy đưa ra quyết định.

Vụ việc vẫn đang được các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang