(CAO) Chỉ trong thời gian hơn 1 tháng, Doanh nghiệp ảnh màu Chung Minh (TPHCM) đã mời gọi, chèo kéo hàng ngàn gia đình ở 6 huyện, thị xã của tỉnh An Giang làm bảng kỷ niệm tự chế với giá “cắt cổ”.
Có tiền là có… văn hóa?
Ngày 25-4-2016 đại diện bên A là doanh nghiệp ảnh màu Chung Minh (P.7, quận 3, TPHCM) do bà Nguyễn Thị Lan làm giám đốc có ký hợp đồng tài trợ với bên B là Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TD&DL) tỉnh An Giang do Nguyễn Hoàng Sơn (đã mất), Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình thuộc sở này làm đại diện. Trong hợp đồng thể hiện rất rõ là bên A tài trợ miễn phí 100% kinh phí cho chương trình chụp ảnh, làm sổ truyền thống gia đình văn hóa ở khóm, ấp, tổ dân phố.
Trang phục các nhân vật giống nhau nhờ photoshop
Ngoài ra trong hợp đồng còn cho thấy sự “ưu ái” đối với doanh nghiệp này là họ được phép chụp ảnh cưới, phóng ảnh chân dung, in băng rôn trong quá trình thực hiện. Từ đó, nhân viên của doanh nghiệp này vận động nhiều gia đình làm bảng “Phát huy truyền thống nét đẹp văn hóa Việt Nam” với mức giá cao, khiến nhiều người dân bức xúc.
Theo thông tin phản ánh của người dân, các gia đình văn hóa trên địa bàn được thư mời từ UBND xã đến trụ sở ấp để chụp ảnh làm sổ truyền thống gia đình văn hóa miễn phí. Những ai đồng ý làm bảng kỷ niệm thì ghi vào danh sách chứ không hề kiểm tra thông tin là gia đình có được công nhận gia đình văn hóa hay không.
Ông T. (ngụ ấp Hà Bao I, xã Đa Phước, H.An Phú) bức xúc: “Không chỉ đến đây chụp hình làm sổ truyền thống mà nhân viên công ty còn kêu gọi người dân chúng tôi làm bảng văn hóa để treo kỷ niệm vì 15 năm mới có một lần. Dù biết giá 230 ngàn đồng là rất cao nhưng ai cũng làm nên mình đành chấp nhận hưởng ứng theo. Ai chụp ảnh và đóng tiền thì đều được công nhận là gia đình có văn hóa…”.
Người dân phải trả 230 ngàn để được tấm bảng thế này
Theo quan sát của chúng tôi, tấm bảng có thu tiền được đơn vị Chung Minh in phía bên phải là ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên là dòng chữ “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh An Giang”, phía dưới là họ tên chủ hộ, năm sinh, địa chỉ và dòng chữ “phát huy truyền thống nét đẹp văn hóa Việt Nam”, có giá là từ 230 và 350 ngàn đồng (tùy cỡ). Tuy nhiên, không hề có con dấu chứng nhận, chữ ký của cơ quan chức năng hay người đại diện nào.
Bà N. (ngụ ấp Mỹ Phó, xã Mỹ Đức, H.Châu Phú) - cho biết: “Sau khi đăng ký họ đưa mình biên nhận và hẹn 3 ngày là có tấm bảng. Đối với những ai bận việc thì được họ đem ảnh đến tận nhà giao”.
Nhiều người dân cho rằng, một số gia đình được mời lên bằng thư mời có nơi chỉ… bằng miệng, thậm chí gia đình chưa được công nhận là gia đình văn hóa.
Nội dung và hình thức chưa được kiểm duyệt
Theo một thợ chụp ảnh tên N., giá mỗi bảng kỷ niệm như thế chỉ vài chục ngàn đồng hoặc cao lắm là trăm ngàn. Vậy mà đơn vị này lại thu với giá… trên trời. Điều họ lấy làm lạ là khi việc làm dịch vụ tính phí này diễn ra rầm rộ như thế mà cơ quan chức năng vẫn không hay.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Toàn, Trưởng phòng giao dịch doanh nghiệp tư nhân Chung Minh cho biết, đến thời điểm hiện tại doanh nghiệp đã triển khai thực hiện ở các huyện, thị xã như: Tịnh Biên, Tri Tôn, Tân Châu, Phú Tân, Châu Phú và đang làm ở An Phú. Mục đích của việc này là để vinh danh các gia đình văn hóa và ban ấp.
“Việc làm khung ảnh, bảng kỷ niệm là doanh nghiệp không làm từ thiện mà thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Đối tượng là các gia đình được công nhận gia đình văn hóa năm 2015. Đơn vị làm 2 khổ là 25 x 38cm, 30 x 45cm khung bảng 5 phân, với giá 230 và 350 ngàn đồng. Sau khi làm xong mang đến tận nhà và ai đồng ý mới trả tiền”, ông Toàn cho hay.
Biên nhận thu tiền từ việc làm bảng kỷ niệm
Không chỉ vậy, ông Toàn còn thừa nhận: “Việc làm bảng kỷ niệm có thu phí thì doanh nghiệp không có xin phép Sở Văn hóa mà tự thỏa thuận với người dân, bởi việc này chẳng vi phạm pháp luật. Thực ra việc làm này không có lợi nhuận gì, mức giá như trên do bên này làm khung ảnh dày, chất liệu giấy Nhật Bản chứ không phải nhập của Trung Quốc,…”.
Ông Nguyễn Phước Hiền, Phó phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình thuộc Sở VHTD&DL An Giang - cho biết: “Việc làm sổ truyền thống được doanh nghiệp thực hiện vào tháng 5-2016. Từ trước đến nay, 888 khóm, ấp của toàn tỉnh chưa được làm sổ như trên, nếu bỏ kinh phí thực hiện chương trình là trên 500 triệu đồng. Việc chụp ảnh được doanh nghiệp thực hiện ở văn phòng ấp, với tổng nhân sự khoảng 30 – 40 người. Mẫu sổ và bảng do doanh nghiệp tự thiết kế sẵn. Việc làm bảng kỷ niệm là do công ty tự thương lượng với dân”.
Được biết, năm 2015, toàn tỉnh An Giang có 493.000 gia đình được công nhận đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Việc chụp ảnh làm bảng kỷ niệm đã được doanh nghiệp Chung Minh thực hiện ở 6 huyện, thị xã của An Giang khiến hàng ngàn gia đình mất tiền. Ngoài ra, nội dung bên trong lẫn hình thức không được Sở VH-TD&DL An Giang kiểm duyệt, thông qua.