Trẻ hóa bệnh lý tim mạch: Gánh nặng cho toàn xã hội

Thứ Sáu, 29/07/2016 10:13  | Minh Thư

|

(CAO) Tăng huyết áp là một bệnh lý phổ biến và là gánh nặng trên toàn cầu hiện nay. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến năm 2014, tỷ lệ tăng huyết áp trên toàn cầu đã đạt 39% (tương đương hơn 2,9 tỷ người), riêng tại châu Phi, có đến 45% dân số bị tăng huyết áp.

Còn tại khu vực Tây Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam), con số này là khoảng 38%. Tăng huyết áp là nguyên nhân gây ra 45% số ca tử vong liên quan đến tim mạch trên toàn cầu.

GS-TS-BS Đỗ Doãn Lợi – Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, điều tra dịch tễ học về bệnh lý tăng huyết áp trên toàn quốc vào năm 2009 do Viện Tim mạch Việt Nam thực hiện cho thấy, 25,1% người Việt Nam trưởng thành bị tăng huyết áp, tương đương gần 10 triệu người dân cần được quan tâm, chăm sóc đặc biệt. Đáng lưu ý, có đến 51,6% trường hợp tăng huyết áp bị bỏ qua và 63,7% số ca tăng huyết áp chưa kiểm soát được.

Đến năm 2015, tỷ lệ người Việt Nam từ 25 tuổi trở lên bị tăng huyết áp đã tăng chóng mặt, lên 47,6% với 69% số ca chưa kiểm soát được. Trong các yếu tố nguy cơ tim mạch chuyển hóa, rối loạn lipid máu chiếm một tỷ lệ đáng kể, trong khi hút thuốc và căng thẳng là hai yếu tố hàng đầu trong nhóm các yếu tố nguy cơ tim mạch liên quan đến lối sống. Cũng theo thống kê tại Viện Tim mạch Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân dưới 40 tuổi nhập viện vì nhồi máu cơ tim năm 2010 đã tăng so với năm 2005. Thừa cân béo phì, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, lối sống không lành mạnh, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, ít vận động là những nguyên nhân dẫn đến gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.

GS.TS.BS Đỗ Doãn Lợi trình bày báo cáo 

Tại hội thảo koa học “Dinh dưỡng đậu nành và sức khỏe tim mạch” được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 20 -7, Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết, đến năm 2017, 1/4 số người trẻ Việt Nam từ 25 tuổi trở lên đối diện với nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch. Đây là con số đáng báo động về tình trạng trẻ hóa bệnh lý tim mạch tại Việt Nam và có khả năng gây ra gánh nặng cho quốc gia khi Việt Nam đang già hóa dân số nhưng người trẻ lại phải đương đầu với các bệnh lý tim mạch.

Trung bình mỗi năm, bệnh tim mạch cướp đi sinh mạng của 200.000 người, chiếm khoảng 1/4 tổng số trường hợp tử vong ở nước ta. Và theo như những thông tin được cung cấp mới đây, con số này đang có dấu hiệu gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là trong giới trẻ Việt.

Theo PGS.TS.BS Lê Danh Tuyên – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, các nghiên cứu thực nghiệm đã chứng minh tác dụng của các chất chống oxy hóa đến quá trình vữa xơ động mạch và nhiều công trình dịch tễ học cho thấy, chế độ ăn có nhiều chất chống oxy hóa có thể giảm tới 20-40% nguy cơ bệnh mạch vành. Các thành phần đặc biệt quan trọng trong thức ăn có tác dụng chống oxy hóa như flavonoid, isoflavone (có nhiều trong đậu nành).

Các nghiên cứu cho thấy: đậu nành giàu protein, có hàm lượng PUFA cao, SFA thấp, đồng thời cung cấp các acid béo thiết yếu như omega-3, omega-6. Protein đậu nành giúp giảm ảnh hưởng cholesterol, từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh mạch vành bằng cách ảnh hưởng tích cực tới nhiều yếu tố ngăn ngừa rủi ro bệnh mạch vành. Dựa trên các nghiên cứu về lâm sàng và dịch tễ học và dựa trên các nguyên tắc dinh dưỡng hợp lí, Viện dinh dưỡng quốc gia khuyến nghị người trưởng thành nên tiêu thụ lượng đạm đậu nành từ 15g-25g/ngày vì dinh dưỡng đậu nành tốt cho sức khỏe tim mạch.

TS Chisato Nagata (Đại học Gifu, Nhật Bản) cho biết, hiện nay, tỷ lệ các ca tử vong do mắc các bệnh lý tim mạch và đột quỵ tại Nhật Bản ở mức thấp có xu hướng giảm. Điều này có thể một phần là do thói quen thường xuyên sử dụng đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành của người Nhật.

GS.TS Nguyễ Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu 

Người Nhật sử dụng rất nhiều đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành (như đậu phụ, súp miso, sữa đậu nành...) trong bữa ăn hằng ngày với bình quân lượng tiêu thụ ở người trưởng thành là 10g đạm đậu nành/người/ngày, và càng lớn tuổi thì càng có xu hướng tiêu thụ đạm đậu nành nhiều hơn. Các nghiên cứu tại Nhật Bản cho thấy đạm đậu nành có hiệu quả rõ rệt, giúp giảm lượng cholesterol, giảm tình trạng tăng huyết áp, giảm xơ vữa động mạch, tăng chức năng nội mô và giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ hay mắc các bệnh lí mạch vành.

Sử dụng nhiều đạm đậu nành giúp giảm đáng kể tình trạng đột quỵ và nguy cơ mắc các bệnh mạch vành. Được biết, Hiệp hội Xơ vữa động mạch học Nhật Bản cũng khuyến khích sử dụng đậu nành để ngăn ngừa bệnh tim mạch.

Bình luận (0)

Lên đầu trang