(CAO) Thành phố mới Thủ Đức được thành lập với kỳ vọng trở thành thành phố thông minh, với các trung tâm đổi mới, sáng tạo và sản xuất dịch vụ 4.0, đóng góp 30% GRDP của Thành phố Hồ Chí Minh. Muốn vậy, trước tiên Thành phố Thủ Đức phải có một hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại, bao gồm hạ tầng điện lực. Vậy ngành điện thành phố đã chuẩn bị gì cho Thành phố mới Thủ Đức?
Thành phố Thủ Đức nhìn từ trên cao
Tập trung đầu tư nâng cao năng lực và chất lượng cung cấp điện
Trong phát biểu mới đây, ông Phạm Quốc Bảo, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC), ứng cử viên đại biểu HĐND TPHCM nhiệm kỳ 2021-2026, cho biết: Tính đến hết năm 2020, quy mô lưới điện tại TP Thủ Đức bao gồm 3.136 trạm biến thế, 13 trạm ngắt và hơn 3.300 km đường dây trung - hạ thế với sản lượng điện tiêu thụ khoảng hơn 4,3 triệu kWh (bình quân 4.300 kWh/người/năm).
Năm 2020, 100% các tuyến dây trung thế trên địa bàn TP Thủ Đức đã điều khiển xa (CTĐL Thủ Đức: 38 tuyến dây; CTĐL Thủ Thiêm: 48 tuyến dây). Tỷ lệ thao tác từ xa thành công trên 99%. Khi xảy ra sự cố, 81% số khách hàng bị ảnh hưởng được chuyển tải, tái lập điện dưới 5 phút.
Kết quả của quá trình đầu tư phát triển và hiện đại hóa hệ thống điện trên địa bàn Thành phố Thủ Đức trong những năm qua thể hiện rõ qua chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện. Số lần mất điện bình quân 1 khách hàng (SAIFI) là 1 lần/năm và thời gian mất điện bình quân 1 khách hàng (SAIDI) khoảng 60 phút/năm – giảm đáng kể so với năm 2015 với các chỉ số tương ứng là 6 lần và 700 phút/năm.
Với phương châm “Điện đi trước một bước”, Tổng công ty Điện lực TPHCM đã có kế hoạch ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống điện cho Thành phố Thủ Đức, với trọng tâm là phát triển lưới điện thông minh song song với triển khai các công trình ngầm hóa. Mục tiêu đến năm 2025, sản lượng điện cung cấp cho người dân Thành phố Thủ Đức đạt từ 5.500 – 6.500 kWh/người/năm với tỷ lệ tổn thất điện năng dưới 2,5%, số lần mất điện bình quân nhỏ hơn 0,3 lần/khách hàng/năm và thời gian mất điện bình quân thấp hơn 30 phút/khách hàng/năm.
Trong giai đoạn 2021-2025, Tổng công ty Điện lực TPHCM sẽ đầu tư khoảng 3.200 – 3.500 tỷ đồng để xây dựng mới 01 trạm 220kV và 06 trạm 110kV (tổng công suất tăng thêm là 1.382 MVA), phát triển mới 245 km lưới điện trung thế; 585 km lưới điện hạ thế, cải tạo và gắn mới 447 trạm biến áp phân phối với tổng công suất 363 MVA trên địa bàn TP Thủ Đức. Ngay trong năm 2021 sẽ hoàn thành trạm 110kV Phước Long, khởi công xây dựng mới trạm 110kV Linh Đông, trạm 220/110kV Thủ Thiêm và trạm 110kV Thủ Thiêm 1. Tổng công ty sẽ thực hiện 27 công trình ngầm hóa lưới điện kết hợp dây thông tin trên địa bàn TP Thủ Đức, nhằm nâng tỷ lệ ngầm hóa lưới điện trung thế từ dưới 50% hiện nay lên 75 – 80% vào năm 2025.
Chuyển đổi số để nâng cao chất lượng điện năng và dịch vụ khách hàng
Với phương châm “Khách hàng là trung tâm”, ngành điện đang đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng cung cấp điện và dịch vụ khách hàng cho toàn thành phố Hồ Chí Minh nói chung, Thành phố Thủ Đức nói riêng, trong đó trọng tâm là đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý vận hành hệ thống điện và dịch vụ khách hàng trên địa bàn toàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Tổng công ty đang đẩy mạnh phát triển lưới điện thông minh trên địa bàn Thành phố Thủ Đức với việc đầu tư hệ thống đo đếm từ xa, tăng các cấu phần tự động trên lưới điện. Ngay trong năm 2021, 100% các tuyến dây trung thế trên địa bàn TP Thủ Đức sẽ vận hành tự động hoàn toàn (DAS/DMS). Giai đoạn 2021-2025, Tổng công ty tiếp tục đầu tư nâng cấp từ 3 phân đoạn lên 5 phân đoạn cho các tuyến dây trung thế, cùng các giải pháp đóng kết mạch vòng, thi công không cắt điện, nhằm nâng cao khả năng chuyển tải linh hoạt, giảm thiểu phạm vi và số khách hàng bị ảnh hưởng do sự cố mất điện.
Mặt khác, Tổng công ty đã phát triển ứng dụng chăm sóc khách hàng EVNHCMC_CSKH trên điện thoại thông minh. Nhờ ứng dụng này, Khu vực quận Thủ Đức (cũ) đã hoàn thành việc lắp đặt công tơ đo xa từ năm 2020 (đến nay toàn TPHCM đạt tỷ lệ 85%) nên khách hàng quận Thủ Đức (cũ) có thể theo dõi lượng điện tiêu thụ hàng ngày khi cài ứng dụng.
Các dịch vụ điện đã được Tổng công ty cung cấp trực tuyến. Khách hàng không phải đến các trụ sở điện lực để đăng ký dịch vụ điện. Thay vào đó, khách hàng có thể từ bất cứ đâu, bất kỳ thời gian nào cũng có thể đăng ký dịch vụ điện trên trang web Chăm sóc khách hàng hoặc ứng dụng EVNHCMC CSKH của Tổng công ty.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 vào việc khảo sát, thiết kế và cải tiến thủ tục nhằm tiếp tục cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng, đảm bảo 100% các công trình đầu tư qua lưới trung áp 22kV cấp điện cho khách hàng được ngành Điện thực hiện không quá 05 ngày, qua đó góp phần thu hút các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn Thành phố.
“EVNHCMC sẽ ưu tiên tập trung nguồn lực, phát triển nhanh hệ thống điện hiện đại trên địa bàn TP Thủ Đức, nhằm đảm bảo năng lực cung cấp điện đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố, không ngừng nâng cao chất lượng chất lượng điện năng và dịch vụ khách hàng, góp phần chung tay xây dựng TP Thủ Đức, xứng đáng với tiềm năng và đáp ứng kỳ vọng của lãnh đạo, người dân TP Thủ Đức nói riêng, TPHCM nói chung” - ông Phạm Quốc Bảo - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Điện lực TPHCM cam kết sẽ ưu tiên phát triển nhanh hệ thống điện hiện đại trên địa bàn TP Thủ Đức.