(CAO) Cơ quan Ứng phó Thảm họa và Tình huống khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) đã ghi nhận hàng ngàn dư chấn xuất hiện liên tục phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày qua và vẫn còn đang tiếp diễn. Điều này đã khiến lực lượng CNCH phải đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm.
Theo AFAD, năng lượng từ hai trận động đất dài 65 giây và 45 giây (7,7 và 7,6 độ richter) ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có sức công phá tương đương 500 quả bom hạt nhân. Sau động đất, hơn 2.000 dư chấn xuất hiện liên tục phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày qua và vẫn còn đang tiếp diễn. Điều này đã khiến công tác CNCH phải đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm.
Theo sự sắp xếp của AFAD, lực lượng cứu hộ của Bộ Công an Việt Nam được giao tìm kiếm tại khu vực toà nhà trên đường 531, Adiyaman Merkez, Adıyaman, nơi được cho là đã vùi lấp 15 người sau trận động đất. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn (mệt mỏi do di chuyển quảng đường rất dài đến 2 ngày, thời tiết khắc nghiệt với nhiệt độ khoảng -6 đến -12 độ C, cách biệt ngôn ngữ, khan hiếm lương thực,…) nhưng lực lượng CNCH Bộ Công an vẫn luôn giữ vững tinh thần cao độ, khẩn trương tìm kiếm nạn nhân trong đống đổ nát.
“Cảm xúc rất khó nói khi thấy một thành phố bị sụp đổ xuống như từng trải qua một trận chiến tranh rất là khốc liệt. Đội CNCH phải di chuyển một quảng đường rất xa, mất đến 02 ngày trên nhiều phương tiện giao thông và phải mang theo hơn 10 tấn vật tư, hàng hoá, trang thiết bị để làm công tác CNCH. Thêm vào đó, thời tiết rất khắc nghiệt, chênh lệch nhiệt độ rất lớn với Việt Nam đã ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ”, Thiếu tá Nguyễn Văn Cần – Phó trưởng khoa CNCH, Trường ĐH PCCC chia sẻ tại hiện trường CNCH.
Được biết, ngay ngày đầu tiên tiếp cận hiện trường, Đội CNCH Bộ Công an đã làm việc xuyên đêm để tìm người bị nạn.
Tuy nhiên đến khoảng 1 giờ sáng 12/2 (giờ địa phương) thì lực lượng phải tạm dừng do xuất hiện dư chấn tại khu vực CNCH. Đến sáng sớm, ngay sau khi đảm bảo an toàn, công tác CNCH được tiếp tục triển khai khẩn cấp.
Được biết, ngoài việc hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn, đoàn công tác của Bộ Công an và Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ còn tổ chức trao viện trợ thuốc men cho Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ để phân phát cho người dân.
Nhiều dư chấn sau động đất xuất hiện liên tục khiến công tác CNCH thêm khó khăn, nguy hiểm
Theo thống kê mới nhất, động đất đã khiến hơn 28.000 người chết (trong đó có khoảng 24.600 nạn nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ và 3.600 nạn nhân ở Syria), con số này hiện vẫn đang tiếp tục tăng theo từng giờ. Động đất cũng khiến hàng ngàn ngôi nhà, công trình xây dựng bị sụp đổ. Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria còn được ghi nhận là sự kiện tồi tệ nhất trong 100 năm qua tại khu vực này.
Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh cho các quan chức ở 10 tỉnh bị ảnh hưởng bởi trận động đất thành lập “Đơn vị điều tra tội phạm động đất”. Qua đó, hiện các cơ quan đã bắt giam hơn 100 người được cho là có liên quan. Đồng thời, các công tố viên cũng được chỉ định đưa ra cáo buộc hình sự đối với “nhà thầu xây dựng và những người chịu trách nhiệm” về các toà nhà không đáp ứng quy tắc xây dựng đã gây nên sụp đổ trong trận động đất.
Bên cạnh lực lượng thuộc CAND Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam cũng đã cử 76 quân nhân tham gia khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, đã lên đường vào chiều 10-2. Trong đó gồm: Đội Quân y thuộc Tổng cục Hậu cần có quân số 30 người; Đội Công binh cứu sập thuộc Binh chủng Công binh gồm 30 người; Đội Chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn thuộc Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng có 9 người và 6 chó nghiệp vụ; Bộ phận chỉ huy và cơ quan gồm 7 người. Tổng chỉ huy lực lượng là Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ - Phó chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn.
Đồng thời, Tổng cục Hậu cần được giao chuẩn bị 10 tấn lương khô, mỳ tôm giúp nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ và chuẩn bị tốt phương tiện vận chuyển hàng hóa, trang bị (khoảng 30 tấn).