Bất lực với những đứa con hư
Sự việc đang làm xôn xao cộng đồng mạng trong mấy ngày qua. Theo đó, vụ việc xảy ra vào khoảng 13 giờ ngày 11-4, tại đường tàu thuộc phường Cát Dài (Quận Lê Chân, Hải Phòng). Nạn nhân là cháu bé H.Q.V (12 tuổi), mẹ nạn nhân là H.T.N.
Cụ thể, người mẹ liên tục cầm roi đánh và nhiếc móc con. Không những thế, chị N. còn bắt cháu bé trần truồng, không một mảnh vải che thân, mếu máo đi lại trên đoạn đường trước sự chứng kiến của nhiều người.
Nhiều người cho rằng dạy con như vậy là sai lầm trong cách giáo dục
Mặc dù nhiều người dân xuống đường khuyên can, song người phụ nữ này nhất quyết không đồng ý và cho rằng mình đang dạy con không muốn ai can thiệp. Vụ việc chỉ dừng lại sau khi công an địa phương có mặt tại hiện trường. Lúc này chị N. mới chịu thả con vào nhà mặc quần áo.
Lý giải về nguyên nhân có những hành động đó với con, chị N. cho biết cháu V. đã lấy trộm 500.000 đồng của cụ ngoại để chơi điện tử nên bị mẹ đánh. Theo chị N. đây không phải lần đầu con trai có hành động như thế vì vậy chị đã rất tức giận. "Tôi bắt cháu cởi chuồng để cháu cảm thấy xấu hổ mà chừa cái thói ăn cắp đi", chị N. trần tình.
Trước việc làm này của chị N., công an phường đến nhắc nhở, cảnh cáo chị về hành vi dạy bảo con cái không phù hợp.
Trường hợp người mẹ bất lực vì đứa con hư trước đó cũng xảy ra ở Hưng Yên. Vào chiều ngày 19-8-2015, các game thủ trên mạng xã hội Facebook đã bất ngờ truyền tay nhau hình ảnh hi hữu ghi lại việc một game thủ đã bị mẹ bắt đeo trên người một tấm biển in công phu, ghi rõ tội danh "mải chơi điện tử" của mình.
Cụ thể, hình ảnh được chụp tại khu vực Kim Động, Hưng Yên. Game thủ này bị mẹ phạt vì tội mải chơi game, bỏ học nên bắt phải cầm tấm bảng có dòng chữ: "Tôi tên là Đức. Vì tôi mải chơi game, lười học, lười lao động nên tôi bị phạt như thế này".
Cũng vào năm 2015, hai anh em ruột Đỗ Văn C. và em ruột là Đỗ Văn T. bị cha bắt bò lê gần 1km trên đường Hai Bà Trưng, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông do trốn nhà đi chơi game. Người cha vì quá tức giận đã phạt bằng hình thức bò trên đường để con “ghi nhớ”.
Một trường hợp khác, vào năm 2014, một cậu bé mới chỉ học lớp 3 bị cha phạt trần truồng đứng ngoài đường vì lười học. Sự việc xảy ra tại căn nhà trọ nằm trong khu dân cư của KP.2, P.Long Bình Tân, TP Biên Hòa, Đồng Nai.
Không chỉ vậy, người cha còn bắt em đứng trước cửa phòng trọ tay giương cao tấm bìa cạc tông ghi dòng chữ: “Không học bài, lười học bị phạt”.
Dạy con hay hại con?
Ông bà mình có bảo: “Thương cho roi cho vọt”. Ai chẳng thương con cháu, gặp trường hợp như vậy cũng bực, nhưng dạy như vậy là sai lầm trong cách giáo dục.
Trẻ em thường ham chơi, hiếu động, trong quá trình làm việc để xảy ra sai sót là chuyện bình thường. Tuy nhiên, người lớn đã không biết cách uốn nắn mà đã vội sử dụng đòn roi, bạo lực là phản giáo dục. Hành vi đánh, xé quần áo hay lột truồng, đánh con giữa phố,... thường bắt nguồn từ sự bất lực của người lớn.
Cách dạy con hà khắc của nhiều cha mẹ gây nên một nỗi sự hãi, ám ảnh về mặt tinh thần cho trẻ và đôi khi càng làm con “hỏng”, đẩy mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái ra xa.
Đánh con hà khác là cách dạy con sai lầm. Ảnh minh họa
Xét trên phương diện xã hội, việc đánh đập, làm nhục con là khó chấp nhận. Về khía cạnh tâm lý và sự phát triển của đứa bé, những phương pháp giáo dục này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển về tâm lý của người con. Còn trên bình diện pháp luật, việc đánh đập, làm nhục con để phạt vì con cái phạm lỗi là vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, quyền con người. Người làm cha, làm mẹ phải đối mặt với xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, xử phạt một người cha, người mẹ về hành vi đối với con, dù bảo vệ được quyền cho đứa bé, nhưng cũng là việc nhiều cơ quan nhà nước chức năng còn né tránh và thường chỉ dừng ở nhắc nhở hành chính, tránh tái phạm trong tương lai.
Cha mẹ hãy dạy con bằng tình thương. Có thể con không nghe lời do chính bố mẹ cũng đưa ra các yêu cầu bất khả thi với hoàn cảnh và năng lực của con. Có thể trẻ trốn học vì môi trường không mang lại được sự chia sẻ và an toàn. Vì vậy, trẻ chuyển sự quan tâm vào những thứ khác như nhóm bạn bè xấu nhưng chấp nhận trẻ.
Nếu ông bà, bố mẹ muốn con cháu có quyết tâm thay đổi và làm những điều mình muốn (như đi học, vâng lời) thì hãy quan tâm, lắng nghe, nhận ra sự tiến bộ và tưởng thưởng xứng đáng (bằng cả những phần thưởng vật chất và tinh thần như thời gian cho nhau, đi chơi cùng nhau...).
Khi thực hiện phạt con về điều gì cần phải giải thích cụ thể, rõ ràng nguyên nhân con bị phạt và nếu con tiếp tục phạm lỗi đó thì sẽ có hậu quả gì.
Những hành vi gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, xao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em được quy định tại Điều 8 Nghị định 71/2011/NĐ-CP.
Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP cũng quy định, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em;
b) Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;
c) Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;
d) Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em làm trẻ em tổn qthương, đau đớn về thể xác, tinh thần;
đ) Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn thương tinh thần.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 151, Luật Hình sự năm 1999, người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
Điều 58 Luật bảo vệ chăm sóc trẻ em cũng giải thích: Trẻ em vi phạm pháp luật được gia đình, nhà trường và xã hội giáo dục, giúp đỡ để sửa chữa sai lầm, có ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng quy tắc của đời sống xã hội và sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.