(CAO) Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ra quyết định phê duyệt phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng”. Phần mềm sẽ giúp các trường xây dựng được những bữa ăn đa dạng cho học sinh, giúp các em ngon miệng và hấp thu tốt hơn.
Liền sau quyết định này, các sở Giáo dục và Đào tạo đã đồng loạt tổ chức hội nghị, lên kế hoạch triển khai nhanh chóng như Lạng Sơn, Hồ Chí Minh, Cao Bằng, Tiền Giang ….
Theo đó, phần mềm sẽ được áp dụng đối với các trường có tổ chức bữa ăn bán trú trên toàn quốc nhằm đảm bảo thực đơn cân bằng dinh dưỡng trong các bữa ăn trong nhà trường, và Sở GD-ĐT các tỉnh, thành có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các trường triển khai áp dụng phần mềm phù hợp với điều kiện địa phương mình.
Chuẩn hoá bữa ăn học đường
Việt Nam đang phải đối đầu với gánh nặng kép về suy dinh dưỡng. Đó là tình trạng suy dinh dưỡng, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi còn phổ biến ở trẻ em khu vực nông thôn và tình trạng thừa cân béo phì ngày càng gia tăng ở khu vực thành thị.
Với việc cung cấp thực đơn cân bằng về dinh dưỡng, xây dựng phần mềm tính toán thực đơn, hỗ trợ công cụ giáo dục học sinh về kiến thức dinh dưỡng, dự án sẽ góp phần cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng và sức khỏe cho học sinh.
Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng được nghiên cứu phát triển sẽ cung cấp miễn phí cho các trường tiểu học có bếp ăn bán trú trên toàn quốc thông qua website của dự án bữa ăn học đường www.buaanhocduong.com.vn từ tháng 1/2017 với 120 thực đơn có sẵn và trên 360 món ăn không trùng lắp có trong ngân hàng thực đơn.
Giao diện website Dự án Bữa ăn học đường
Với việc triển khai phần mềm thực đơn cân bằng dinh dưỡng này trên toàn quốc, các trường tiểu học sẽ có điều kiện chuẩn hóa quy trình chế biến bữa ăn bán trú, đủ dinh dưỡng, góp phần hoàn thành mục tiêu chiến lược quốc gia về dinh dưỡng và đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030.
Nỗ lực không mệt mỏi của một doanh nghiệp
Các thực đơn trong phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng được phát triển kéo dài hơn 1 năm, trải qua nhiều quá trình từ khảo sát, phân tích, phát triển công thức, thực nghiệm đến điều chỉnh kỹ lượng, sau đó thông qua bởi Hội đồng thẩm định của Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) và Hội đồng đánh giá của Bộ GD-ĐT.
Nắm bắt được những thực trạng của xã hội và tình hình khó khăn hiện nay của các trường, cùng với thế mạnh là một công ty hàng đầu trong lĩnh vực dinh dưỡng và sức khỏe có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng thực đơn, Ajinomoto Việt Nam đã nghiên cứu và khởi xướng Dự án bữa ăn học đường vào năm 2012.
Trong suốt nhiều năm qua, Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã đồng hành cùng Ajinomoto Việt Nam tiến hành nhiều nghiên cứu, khảo sát thực tế về tình hình dinh dưỡng và thói quen ăn uống của học sinh, cụ thể là ở lứa tuổi tiểu học, từ đó đưa ra những cố vấn chuyên môn sâu sát, hiệu quả để phát triển các thực đơn phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam, cụ thể là trẻ em lứa tuổi tiểu học.
Với những ý nghĩa thiết thực cùng kết quả thành công bước đầu, Ajinomoto Việt Nam đề xuất với Bộ GD-ĐT kế hoạch nhân rộng Dự án thông qua phần mềm, với kỳ vọng phát triển dự án ra quy mô toàn quốc. Sau những bước tìm hiểu, đánh giá thực tế hiệu quả thực hiện dự án, Bộ GD-ĐT đã triển khai, lấy ý kiến của nhiều sở GD-ĐT địa phương, cũng như các sở ban ngành có liên quan, đồng thời thành lập Hội đồng thẩm định phần mềm.
Từ những cơ sở đó, Bộ GD-ĐT quyết định đồng hành cùng Ajinomoto Việt Nam và Viện dinh dưỡng Quốc gia để triển khai Dự án Bữa ăn học đường thông qua Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng nói trên trên quy mô toàn quốc.
Theo quyết định trên, để triển khai phần mềm đạt hiệu quả cao nhất, Bộ GD-ĐT đề nghị sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố chỉ đạo các trường tiểu học có tổ chức bữa ăn bán trú tại địa phương nghiên cứu, rà soát, đánh giá tình hình công tác dinh dưỡng học đường, tổ chức bữa ăn học đường, phối hợp chặt chẽ với Ajinomoto Việt Nam triển khai áp dụng phần mềm hiệu quả, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, gia đình và nhà trường.
Lên kế hoạch triển khai, có nội dung và hướng dẫn triển khai phần mềm tại các nhà trường được thực hiện. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục về dinh dưỡng cho trẻ em, học sinh lồng ghép vào các hoạt động ngoại khóa của nhà trường. Thực phẩm đưa vào trong trường học phải đảm bảo các quy định về vệ sinh – an toàn thực phẩm của Bộ Y tế.