Thời gian gần đây, cư dân mạng liên tục được “chứng kiến” những hành động quái gở của giới trẻ “sống ảo" trên mạng xã hội.
Hành động điên rồ để câu like (thích)
Sự việc một nam thanh niên tự tưới xăng lên người, châm lửa đốt rồi nhảy xuống kênh tàu hủ (Q.6, TP.HCM) tối 20-9 chưa kịp lắng thì nay lại có thêm cảnh tượng nữ sinh lớp 8 mua xăng đốt trường.
Nam thanh niên tưới xăng lên người, châm lửa đốt rồi nhảy xuống kênh Tàu Hủ được xác định là N.T., sống ở Q.Tân Phú. Theo tìm hiểu, N.T. không có ý định quyên sinh, mà chỉ đơn giản vì một lời thách thức trên mạng xã hội: nếu tấm ảnh anh đăng nhận được 40.000 lượt like, N.T. sẽ tự tẩm xăng đốt mình.
T. đã toại nguyện khi anh nhận được hơn 100.000 lượt like từ cộng đồng để “đi chết”. Nhờ lớp áo dày và nhanh chóng nhảy xuống dòng kênh ngay khi lửa bén nên T. chỉ bị bỏng nhẹ.
Theo phong trào "nói là làm" của thanh niên trên, mới đây, nên sau khi đăng ảnh lên facebook và nhận đủ 1.000 like, nữ sinh lớp 8 mua xăng mang đến trường khác đốt phòng y tế.
Sự việc được ghi clip và chia sẻ trên mạng và nhanh chóng thu hút sự chú ý của cư dân mạng.
Nữ sinh mang xăng đốt trường được cho là H. (SN 2003, hiện là học sinh lớp 8 trường THCS Nguyễn Tri Phương, Khánh Hòa). Trường bị đốt là THCS Phạm Ngũ Lão (Khánh Hoà).
Bạn của H. cho biết, trước đó, nữ sinh này hùa theo phong trào “nói là làm” nên đăng ảnh lên Facebook và khẳng định rằng nếu đủ 1.000 like sẽ mang xăng tới đốt trường Phạm Ngũ Lão.
Sau khi nhận đủ lượt like, nữ sinh này không dám thực hiện nên bị các bạn khác đe doạ, ép thực hiện tuyên bố.
Khoảng 8 giờ sáng 9-10, H. cùng nhóm bạn đến trường Phạm Ngũ Lão. H. đến phòng y tế rồi tưới xăng và châm lửa khiến 2 chân em bị bỏng nặng, đang điều trị tại bệnh viện Ninh Hòa. Do đứng quá gần, nữ sinh này cũng bị lửa “liếm” cháy người.
Ảnh cắt từ clip
Điều đáng nói, hành động dại dột của nữ sinh này được rất đông học sinh có mặt tại thời điểm đó biết. Tuy nhiên, không ai vào can ngăn mà chỉ đứng hò hét, cổ vũ và quay clip. Chỉ đến khi ngọn lửa bùng lên, các em học sinh mới tá hỏa chạy và kêu tìm nước để dập đám cháy.
Trước đó không lâu, một nam thanh niên (tài khoản H.C.C) cũng thực hiện lời hứa đổ phân lên đầu nếu ảnh được 30 ngàn like và 20 ngàn lượt chia sẻ. Lời nói tưởng chừng chỉ có thể phát ngôn ở một người có vấn đề về thần kinh nhưng ấy vậy mà anh chàng này lại là một người hết sức bình thường về đầu óc, thậm chí ngoại hình còn vô cùng khả ái.
Sau 20 giờ đăng, dòng trạng thái của nam thanh niên trẻ đã được 33.000 like và hơn 6 nghìn lượt chia sẻ. Và đúng như lời đã hứa, chàng trai này đã làm một việc mà chưa ai dám làm, bốc toàn bộ "chất xú uế" và nước bồn cầu bôi lên đầu để chứng minh hành động đã nói là làm.
Dòng trạng thái nam thanh niên. Ảnh: Facebook
Sau hành động này, H.C.C lại tiếp tục tung chiêu trò lố bịch hơn khi thông báo ảnh đủ 60 ngàn like anh ta sẽ không mặc quần áo, uống nước tiểu và phân đi hết phố Nguyễn Huệ.
Chuyện chửi bới, đánh nhau thật ngoài đời từ những xích mích ảo trên mạng dường như trở thành bình thường, ngày nay, giới trẻ sẵn sàng làm thêm những hành động thật điên rồ.
Ngày nay, trên các mạng xã hội, chúng ta dễ dàng đọc thấy những status (trạng thái) thách thức kiểu như đạt được số lượt like nhất định thì nhân vật chính sẽ cởi đồ nhảy nhót, sẽ uống nước mắm, sẽ tự rạch tay... Điều kinh khủng là lời thách thức càng quái, càng nguy hiểm thì càng nhanh chóng đạt chỉ tiêu like và càng được nhiều người chia sẻ để biến nó thành hiện thực.
Chẳng hạn khi cô người mẫu ảnh tự do Nguyễn M. tuyên bố “chơi lớn” - nếu tấm ảnh bikini của mình đạt 10.000 lượt like, cô sẽ khỏa thân chụp ảnh chiêu đãi cộng đồng. Chưa đầy một ngày, ảnh của cô nhận được hơn 70.000 lượt like.
Dấu hiệu bất ổn tâm lý
Trào lưu sống ảo hiện đã trở thành một dịch bệnh lây lan từ người bình thường đến người nổi tiếng. Không ít bạn trẻ coi cuộc sống ảo với hàng ngàn lượt like, hàng triệu người follow chính là thước đo giá trị con người họ. Tất cả mọi cảm xúc, hoạt động, diễn biến tâm trạng, vui buồn, tức giận, phẫn nộ… đều được phơi bày một cách hiện hữu trên trang facebook cá nhân của họ, bất chấp cả những rào cản về thuần phong mỹ tục.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, tuy mạng xã hội là thế giới ảo, nhưng để lại hậu quả thực nếu người dùng không biết chọn cách chơi đúng và mất kiểm soát.
(CAO) Theo phong trào "nói là làm" nên sau khi đăng ảnh lên facebook và nhận đủ like, nữ sinh lớp 8 mua xăng mang đến trường khác đốt phòng y tế.
Theo Thạc sĩ tâm lý Trần Thị Thu Vân, Phòng khám tâm lý Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, việc có những hành động “khác người” là dấu hiệu đầu tiên thể hiện sự bất ổn về tâm lý, hay nặng hơn là rối loạn hành vi (có những hành vi bất thường chống lại nguyên tắc chung, trái với luân thường đạo lý chung trong xã hội). Tuy nhiên, sự bất ổn tâm lý còn dựa vào nhiều yếu tố khác, không nên khẳng định khi chưa tiếp xúc với từng người cụ thể.
Tuy nhiên, ThS Vân khẳng định, chọn cách nổi tiếng bằng những hành vi bất thường, quái dị sẽ có những ảnh hưởng tới tâm lý của bạn trẻ đó khi trưởng thành.
Ngoài ra, sau khi đưa ra thách thức bằng những “status”, giai đoạn chờ đợi được bao nhiêu “like” cũng tạo nên sự hưng phấn, kèm theo là những “comment” ủng hộ kiểu kích động, cổ vũ… như tác động vào “máu anh hùng” của các bạn trẻ, từ đó dẫn tới những hành động bất chấp tất cả.
"Mới đầu, những ảnh hưởng, tác động tới tâm lý của bạn trẻ đó có vẻ tích cực, nhưng về lâu dài “có thể gây nghiện”. Nghiên cứu khoa học cho thấy, nghiện facebook có tác hại không khác gì thuốc lá hay các chất gây nghiện khác", Ths Vân phân tích.
Việc các bạn trẻ mải mê với những cái “like, comment” cũng khiến tương tác với người xung quanh bị giảm. Có thể là mất ngủ, kém học, sao nhãng hoạt động đời thực, nguy cơ trầm cảm rất cao.
Còn theo TS xã hội học Phạm Thị Thúy, tình trạng câu like, sống ảo, gây ra những hậu quả đáng sợ khá phổ biến trong một bộ phận giới trẻ. Có thể đây còn là biểu hiện của một dạng bệnh tự làm đau bản thân để thỏa mãn nhu cầu tâm lý nào đó đang bị đè nén. Vấn đề này cần bác sĩ tâm thần xác nhận.
Nữ thạc sĩ tâm lý Trần Thị Thu Vân nhận định rằng các bạn trẻ cần sự định hướng, dìu dắt, hỗ trợ của người lớn, người có trách nhiệm (gia đình, nhà trường, xã hội) nên khi họ có bất kỳ hành vi bất thường, cần xem xét đến bối cảnh sống và các yếu tố liên quan. Chứ không nên cứ nhắm vào hành vi đó để lên án.
Điều cần nhấn mạnh ở đây là đám đông hồ hởi chứng kiến mà không một ai can ngăn. Cũng có thể do bất ngờ quá không kịp phản ứng, nhưng không ít cư dân mạng khi thấy chủ nhân facebook “biến mất” thì săn lùng, thách đố và còn tìm đến nơi để xem chủ tài khoản “sẽ thực hiện lời hứa”. Một đám đông cũng vô cảm, thiếu trách nhiệm không kém.
Biết được thời gian, địa điểm nam thanh niên tự thiêu, nhiều người kéo đến khu vực kênh Tân Hóa để xem. Ảnh Facebook.
"Các bạn trẻ đang sống trong giai đoạn thanh xuân, tràn trề nhựa sống của cuộc đời, có những việc hấp dẫn, có ý nghĩa, hơn hẳn sự chờ đợi những cái “like, comment” trên mạng xã hội. Không nhất thiết là rời xa mạng xã hội nhưng đừng để nó ảnh hưởng tới cuộc sống của bạn", Thạc sĩ Vân chia sẻ.
Còn đối với cộng đồng mạng, mọi người cần xem xét kỹ trước khi ủng hộ cho việc làm nào đó thông qua sự thách thức số like, comment. Bởi những suy nghĩ tưởng chừng như vô hại đấy, lại dẫn tới những hành động dại dột, có thể ảnh hưởng tới đời sống, thậm chí là tính mạng của người thực hiện.