Những chia sẻ thú vị về Pokémon Go của bác sĩ tâm lý

Thứ Năm, 08/09/2016 00:13

|

(CAO) Trước làn sóng giới trẻ quay cuồng với Pokemon Go, Ths Bs Nguyễn Minh Mẫn, Đơn vị Tâm lý Lâm sàng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã có bài viết chia sẻ cũng như lý giải vì sao Pokemon Go gây "sốt" cho giới trẻ trên toàn cầu và Việt Nam nói riêng.

Báo Công an Điện tử TP.HCM xin giới thiệu đến bạn đọc những góc nhìn của Ths Bs Nguyễn Minh Mẫn, Đơn vị Tâm lý Lâm sàng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM về Pokémon Go: Pokémon Go – chơi vui nhưng đừng để nghiện!

Lý do tại sao trò chơi thực tế ảo “Pokémon” lại đang gây sốt giới trẻ trên toàn cầu?

Pokémon Go là tên một trò chơi (game) vừa được Nitendo tung ra thị trường tại Mỹ không lâu và vào Việt Nam ngày 06/8/2016. Trò chơi này đã gây "sốt" cho giới trẻ trên toàn cầu và Việt Nam nói riêng.

“Pokémon” đang gây sốt giới trẻ trên toàn cầu. Ảnh: BS Minh Mẫn

Nó "sốt" vì chỉ sau hai tuần xuất hiện, đã có số lượng người chơi tăng vọt, đem lại khoảng thu khủng trên 14 triệu USD, đã nâng 24% giá trị giao dịch của cổ phiếu công ty Nitendo. Bài hát trong game này (Pokemon Gotta Catch ‘Em All!) cũng được nghe trực tuyến trên dịch vụ Spotify tăng lên 362% và những bài hát "ăn theo" có tên Pokemon cũng tăng lên (Pokémon Theme, Pokerap, Pokémon Johto, Go Pokémon Go, I Want To Be A Hero).

Nó sốt còn vì những hậu quả không mong muốn mà người chơi gây ra cho bản thân và xã hội, nhiều khi thiệt hại cả tính mạng, tài sản, nên cần phải có những cảnh báo đúng mức cho cộng đồng.

Những thể loại game thực tế ảo này tác động đến tâm lý và gây ra “nghiện”như thế nào?

Pokémon Go là game khá thú vị của sự tương tác giữa thế giới ảo và thực. Trong trò chơi này, Pokémon ảo đi vào thế giới thực, lẫn trốn ở những ngõ ngách, những vị trí của đời thực, tùy vào chủng loại, ngày đêm, trên rừng dưới biển, nước sạch, nước bẩn, nơi công viên, bến nước, cảnh ngoài đời cũng là cảnh trong game; tùy độ “tinh tướng” của các Pokémon kích thích khả năng chinh phục của người chơi.

Người chơi hóa thân như là một nhân vật trong truyện, tham gia “trò chơi vận động”, cầm điện thoại di động hoặc ipad, đi săn lùng, tìm bắt các loại Pokémon, với nhiều chủng loại, nhiều cấp độ khác nhau.

Người chơi không ngồi lì một chỗ như chơi những trò khác trước đây mà phải ra ngoài môi trường, có thể phải đi bộ nhiều cây số, đôi khi phải chạy tìm, rượt đuổi, toát mồ hôi để xâm nhập vào chỗ có Pokémon.

Càng khó khăn càng có cơ hội tìm được những Pokémon “cao cấp” để nâng cấp độ (level) của người chơi; càng bắt được nhiều thì thành tích của người chơi mau chóng được “lấp đầy”.

Người chơi hóa thân như là một nhân vật trong truyện, tham gia “trò chơi vận động”, cầm điện thoại di động hoặc ipad, đi săn lùng, tìm bắt các loại Pokémon. Ảnh: BS Minh Mẫn

Dùng từ “nghiện” game Pokémon Go ở thời điểm này thì có thể “hơi quá” vì chỉ mới khoảng 2 tuần tiếp cận ở tại Việt Nam, có lẽ chỉ nên nói vì sao người chơi “mê” game này thì hợp lý hơn.

Khi chơi game, kể cả các game khác, không riêng gì Pokémon Go, người chơi tập trung chơi, được “thỏa lòng” vì giúp giảm căng thẳng; “tiêu” được thời gian rảnh; cảm thấy an toàn, vì mình đóng vai là “người đi săn”, cảm thấy thích thú, sung sướng khi được “lập thành tích”, bắt được nhiều dạng Pokemon, nâng đẳng cấp của mình, được “chứng tỏ”, “thể hiện” mình, thấy được thành quả của mình ngay tức khắc; được “tưởng thưởng xứng đáng”, họ có thể tự hào với bạn bè về khả năng của mình…có nghĩa là, người chơi có thể làm tất cả những gì họ muốn.

Bên cạnh đó, người chơi có thể giao tiếp, chia sẻ kinh nghiệm với bạn bè cùng chơi trong một không khí “tập thể” giống như nhiều người cùng xem trận bóng đá sẽ hấp dẫn hơn chỉ xem một mình. Tiếng nhạc, màu sắc, hình thù… phát ra từ game cũng hấp dẫn người chơi rất nhiều.

Về mặt sinh học, khi tham gia chơi game này, người chơi đang hòa vào tiến trình vượt qua thử thách, hay vượt qua stress, càng căng thẳng, khó khăn, đòi hỏi cơ thể vận dụng nhiều cách để thích ứng tiến trình đó. Cơ thể sẽ đáp ứng với stress bằng cách tiết ra Glucocorticoids, Adrenaline, Noradrenaline; khi đau mỏi cơ, có thể cơ thể tiết ra Endorphine (morphine nội sinh) để tự làm giảm đau…nhưng cũng làm cho cơ thể có cảm giác khoan khoái, hưng phấn tất nhiên không đến nỗi như hút thuốc phiện.

Về mặt sinh học, khi tham gia chơi game này, người chơi đang hòa vào tiến trình vượt qua thử thách. Ảnh: BS Minh Mẫn

Nếu đắm mình vào game, mỗi ngày trên 2 giờ, ngày qua ngày, người chơi sẽ lệ thuộc nó, không hoặc rất khó rứt ra khỏi cuộc chơi, hoặc nếu dừng chơi một lúc, có thể gây ra những cảm giác thiếu thốn, bứt rứt, cáu kỉnh, bất an, đứng ngồi không yên, lúc nào cũng nghĩ về game… bỏ bê học tập, công việc, gia đình, không để ý đến chuyện ăn, ngủ, vệ sinh cá nhân… thì có thể nói người chơi đã “nghiện game”. Tùy vào thời gian nghiện, mức độ nghiện, môi trường tác động quanh người chơi…mà họ có thể có những hành vi khác nhau biểu hiện ra bên ngoài.

Việc “nghiện” trò chơi Pokémon sẽ gây ra những tác hại đối với sức khỏe như thế nào (tâm lý, thời gian nghi ngơi, quan hệ xã hội,…)?

Mê chơi Pokémon Go đến nỗi “nghiện” game này sẽ gây ra nhiều tác hại cho người chơi.

Trước hết, tốn tiền của người chơi. Trước đây, chơi game online, có thể ngồi một chỗ trong quán cà phê, hoặc nơi có sóng WIFI thì có thể chơi miễn phí tùy thích, ngồi bao lâu cũng được. Nay chơi Pokémon Go, người chơi phải đi nhiều, cần kết nối internet qua 3G, 4G, phải bỏ ra không ít tiền.

Bên cạnh đó, người chơi phải tốn nhiều thời gian, tốn nhiều năng lượng (do phải đi nhiều), thiếu thời gian nghỉ ngơi lấy lại sức lực, thiếu thời gian tự chăm sóc và làm đẹp cho bản thân và ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả công việc. Giảm tập trung chú ý (vì game đã chiếm toàn bộ suy nghĩ rồi!), hay quên, thiếu sáng tạo trong công việc, ảnh hưởng đến năng suất chung của gia đình, cơ quan.

Mê chơi Pokemon Go đến nỗi “nghiện” game này sẽ gây ra nhiều tác hại cho người chơi. Ảnh: BS Minh Mẫn

Người chơi nếu đi vào con đường “nghiện” game sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Thời gian ăn uống ngủ nghỉ không phù hợp, có khi nhịn cả ăn uống; một số người chơi trong đêm khuya (ban ngày không rảnh), sáng ra mệt mỏi, bơ phờ; một số người khác lại bị rối loạn giấc ngủ, khó ngủ, vì hễ nhắm mắt lại thì thấy con Pokémon nó nhảy nhót trước mặt như thách thức, thôi thúc người chơi kiếm tìm, chinh phục.

Nếu trong đầu chỉ luôn nghĩ đến game, đôi mắt lúc nào cũng dán vào màn hình điện thoại di động, thì sẽ không còn thời gian để chăm sóc người thân trong gia đình. Cuộc sống ảo sẽ dần thay thế cho thế giới thực, làm cho mối quan hệ với gia đình, bè bạn, cộng đồng trở nên nhạt nhẽo, dễ bất hòa, rạn nứt.

Không ít người chơi đã bị tai nạn, chấn thương, ảnh hưởng đến tính mạng; gây tai nạn cho người khác, do không tuân thủ luật giao thông, vừa lái xe, vừa chơi game. Chắc nhiều người không lạ khi nhìn thấy những người chơi Pokemon Go, một tay lái xe máy, tay kia cầm điện thoại, ipad, mắt thì chăm chăm nhìn vào màn hình, thỉnh thoảng ngước lên xem đường. Đôi khi va quẹt vào người khác mới giật mình nhìn lên. Thật là nguy hiểm!

Những người nghiện game, nếu bị ngưng chơi đột ngột do một lý do nào đó, họ sẽ có thể có một số biểu hiện khó chịu, cáu gắt, phản ứng thái quá với người khác. Đôi khi, họ có những hành vi tấn công người ngăn cản họ chơi. Một số trẻ lớn có thể trộm tiền của gia đình để chơi game, nói dối, trốn học… Một số quá mê bắt Pokemon Go khó, level cao, có thể vi phạm đi vào vùng cấm, gây tác hại khó lường…

Ngoài ra, một số người vì quá mải mê chơi, đi vào các điểm vắng vẻ, thiếu cảnh giác, đã tạo điều kiện để xảy ra cướp giật, mất trật tự an ninh, đôi khi gây ra tai nạn chết người. Trên địa bàn TP.HCM, ở Công viên Tao Đàn, bến Bạch Đằng, Thảo Cầm Viên…cũng đã có nhiều người chơi bị giật mất iPhone, iPad.

Đối tượng nào thường dễ bị thu hút bởi những thể loại game thực tế ảo như Pokémon?

Những bạn trẻ đã từng chơi game, thích chơi game thì khá “thuận lợi” trong việc tiếp cận trò chơi mới trong đó có Pokémon Go game.

Những người có nhiều thời gian rảnh rỗi, biết chơi game, có điều kiện (điện thoại có 3G, Ipad) thì Pokemon Go game là một chọn lựa mới mẻ và lý thú;

Những người có “máu thắng, thua”: “thắng thì thích”, “thua thì tức” thì dễ “dấn sâu” vào game đến nghiện.

Những người đang có nhiều stress, căng thẳng, muốn “trốn chạy” vào game để được cảm giác an toàn, để được “rượt đuổi”, “bắt bớ”, thể hiện “quyền lực” của mình…không bị người khác “o ép”, đè nén…

Những người muốn “học đòi”, “ham hố”: “ai có gì, mình cũng…ráng có nấy”, theo “mốt”.

Lời khuyên về phương pháp “cai nghiện” trò chơi Pokémon cũng như một số loại game hiện nay? Hoặc chơi với tần suất như thế nào là hợp lý để không ảnh hưởng đế sức khỏe và cuộc sống?

Đầu tiên phải “ngừa”nghiện game, nhất là khi Pokémon Go game mới vào Việt Nam, chưa đủ thời gian để gây nghiện.

Một số gợi ý tham khảo:

- Chơi không quá 2 giờ trong ngày;

- Đặt báo động (Alarm) báo giờ khi chơi;

- Ngắt mạng (từ nhà cung cấp mạng) khi người chơi quá 2 giờ liên tục;

- Quy định số lượng Pokémon được bắt tối đa trong ngày, quá số đó, có thể ngắt mạng bắt buộc;

- Xếp lịch làm việc bắt buộc sau 2 giờ chơi game (VD: đến giờ vào lớp học thêm, rước em tan học, rước vợ, con tan ca…);

- Đừng để thời gian rảnh nhiều quáCác thành viên trong gia đình, thầy cô giáo, bạn bè, các tổ chức xã hội, tôn giáo…cần quan tâm, giúp đỡ, cố gắng “lôi kéo” người mê game ra khỏi tình trạng “chúi đầu” vào con đường dẫn đến nghiện game;

- Tạo công ăn việc làm thích hợp cho các bạn trẻ, giúp họ xây dựng niềm đam mê công việc, có các thói quen giải trí đúng mực, chơi để giảm stress nhưng đừng tạo thêm stress mới do hậu quả của việc mê game;

- Tập ăn uống đúng giờ, đầy đủ chất, nâng cao sức khỏe chung;

- Tập thể dục mỗi ngày, có thể tập võ, aerobic, khiêu vũ;

- Lao động trị liệu;

- Tập thở thiền…

Trò chơi này đã đem đến doanh thu khủng cho công ty sáng tạo ra nó, kéo người chơi ra ngoài đường. Ảnh: BS Minh Mẫn

Tóm lại, Pokémon Go là một trò chơi online lý thú, đưa thế giới ảo hòa nhập với đời sống thực. Dù chỉ mới ra đời vài tuần đã gây “sốt” cho giới trẻ trên toàn cầu trong đó có Việt Nam. Trò chơi này đã đem đến doanh thu khủng cho công ty sáng tạo ra nó, kéo người chơi ra ngoài đường, cầm điện thoại, ipad đi bộ 5 – 10 cây số, hoặc ngồi trên xe máy, săn lùng trong công viên, góc phố, bờ sông…

Trò chơi này dễ làm cho giới trẻ mê mệt, đi đến nghiện game lúc nào không hay, ảnh hưởng tới thể chất, tinh thần, tâm lý bất ổn, công việc, học hành sa sút, tốn tiền, mất nhiều thời gian; tình cảm và các mối quan hệ gia đình, người thân, cộng đồng có thể trở nên nhạt nhẽo, bất ổn; có thể tạo điều kiện cho cướp giật, tai nạn giao thông, có thể gây chết người.

Do vậy, chơi vui nhưng cần đề phòng nghiện game Pokémon Go, nếu nghiện, người chơi cần phải cố gắng vượt qua bằng nhiều hình thức trong sự hỗ trợ của gia đình, thầy cô giáo, bạn bè, người thân, các tổ chức xã hội, tôn giáo… đôi khi cần đến sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý trị liệu.

Bình luận (0)

Lên đầu trang