Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28-6:

Hy sinh cái tôi để gìn giữ hạnh phúc gia đình

Thứ Ba, 28/06/2016 11:03  | Ngô Đồng

|

(CAO) "31 năm chung sống dưới một mái nhà, đó là khoảng thời gian không dám nói là dài nhưng không phải là ngắn; chúng tôi đã trãi qua nhiều khó khăn những vẫn chắc tay nhau đến ngày hôm nay...", cô giáo Dương Thị Ngọc Lan chia sẻ.

Hy sinh cái tôi để gìn giữ hạnh phúc gia đình

Cô Dương Thị Ngọc Lan hiện đang giảng dạy tại Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến.

Cô Ngọc Lan chia sẻ, cô và chồng cô là anh Trần Quốc Bảo (hiện đang công tác tại BV Trưng Vương) quen biết nhau từ thuở học cấp 3 của trường Lê Hồng Phong từ năm 1975. Trãi qua 10 năm tìn bạn, tình yêu, đến tháng 4-1985 anh chị xây dựng gia đình.

Ngày hội gia đình báo chí Việt Nam: Tự hào khi ba mẹ là nhà báo

Đến nay, cô Lan cùng chồng đã 31 năm cùng nhau đi qua những khó khăn, buồn vui trong cuộc sống. Cô Lan tình thiệt chia sẻ: "Gia đình nào cũng có những lúc sóng gió, nhưng quan trọng là chúng ta biết vượt qua, chỉ khi biết hi sinh cái tôi thì mới gìn giữ được hạnh phúc gia đình".

Cô Lan (ngồi giữa) chia sẻ về bí quyết giữ hạnh phúc gia đình

Cô Lan nói: "Dù đã 31 năm sống chung, nhưng chúng tôi luôn tuân thủ 3 quy tắc để sống. Thứ nhất, tương kính như tân, đối đãi với nhau đúng với vị trí ưu tiên mà người này đã cam kết dành cho người kia, từ đầu đến cuối không thay đổi. Thứ 2, những lúc sóng gió thì luôn nhớ về khoảnh khắc tốt đẹp. Thứ 3, không đưa ra bất kì quyết định nào trong lúc nổi giận".

Anh Bảo cũng dí dỏm chia sẻ bí quyết giữ hạnh phúc gia đình: "Người ta nói 'chỉ có yêu mới làm cho chúng ta sống' nên phải yêu hết mình thôi".

Tuy đối mặt với không ít khó khăn của cuộc sống gia đình, nhưng vợ chồng cô Lan đã cùng chung tay đi qua sóng gió, nuôi dạy con cái trưởng thành. Cháu lớn đã thực hiện được ước mơ theo nghề dạy học và đã tốt nghiệp thạc sĩ môn Tiếng Anh. Cháu nhỏ tốt nghiệp thạc sĩ về Môi trường tại ĐH Bách khoa và được học bổng nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Hàn Quốc.

"Đồng vợ, đồng chồng, tát biển Đông cũng cạn"

Câu chuyện về gia đình nhỏ của thầy Nguyễn Vũ Đình Kiệt, giáo viên trường THPT Trung Lập và chị Nguyễn Thị Cúc cũng khiến chúng ta thêm trân trọng. 

Thầy Kiệt chia sẻ, thầy đi bộ đội những năm 1978, trãi qua mấy bận sống chết rồi chỉ với tiền lương ít ỏi của một giáo viên phải trang trải cho một gia đình gồm vợ là chị Nguyễn Thị Cúc không có việc làm ổn định cùng 2 con đang học phổ thông thì không thể tránh khỏi những khó khăn trong cuộc sống.

Thầy Kiệt (cầm hoa, bìa trái) đến tham gia buổi giao lưu Ngày gia đình Việt Nam sáng 28-6

Nhưng nhờ được trui rèn trong quân ngũ, thừa hưởng bản chất người lính dám nghĩ dám làm, thầy Kiệt mạnh dạn từ bỏ thành thị chuyển về nông thôn (huyện Củ Chi) vừa dạy học vừa làm trang trại làm kinh tế phụ nuôi gia đình.

"Từ hai bàn tay trắng, chúng tôi cùng nhau gầy dựng, nay trang trại nuôi heo của gia đình có hơn 100 con heo nái, kinh tế ổn định", thầy Kiệt phấn khởi khoe.

Câu nói "Đồng vợ, đồng chồng, tát biển Đông cũng cạn" rất đúng trong trường hợp gia đình của thầy Kiệt. Ngày được mời đi giao lưu chia sẻ hạnh phúc gia đình, chỉ có thầy Kiệt đến dự, không thấy chị Cúc, thầy Kiệt dí dỏm nói: "Vợ nói để chồng đi, vợ ở nhà phải chăm đàn heo, đi rồi không ai coi".

Vượt qua bao khó khăn, vợ chồng thầy nuôi dạy 2 con thành đạt, một trong hai hiện đang được học bổng du học tại Đức.

Thầy Kiệt lại dí dỏm nói: "Nuôi dạy 2 con thành đạt là công của vợ nhiều nhất, tôi chỉ phụ họa thôi".

Bà Nguyễn Thị Gái, Phó chủ tịch, Trưởng ban nữ công Công đoàn Giáo dục TP.HCM chia sẻ:

Gia đình Việt Nam xuất phát từ truyền thống đạo lý mấy ngàn năm văn hiến cho đến nay. Tên tuổi các vị anh hùng, các danh nhân, bậc kỳ tài, các nhà cách mạng lỗi lạc đều xuất phát từ những gia đình có tính chất đặc biệt, tiềm ẩn trong những gia đình đó là sự giáo dục, chăm sóc của những người cha, người mẹ đã tảo tần nuôi con ăn học thành tài để ra giúp dân, giúp nước.

Gia đình có ai trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển của xã hội, góp phần xây dựng, tô thắm, làm rạng rỡ thêm bản sắc văn hóa dân tộc, là nơi gìn giữ, vun đắp, phát huy những giá trị truyền thống quý báu của con người Việt Nam...

Gia đình, đó chính là những viên gạch xây nên tòa nhà chung cho xã hội

Gia đình, đó chính là những viên gạch xây nên tòa nhà chung cho xã hội, là chỗ dựa về tinh thần và vật chất cho mỗi thành viên; gia đình là tổ ấm, nơi các em bé được chăm sóc, nuôi dưỡng và lớn lên,... Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình". 

Hạt nhân của xã hội là gia đình

Ngày Gia đình Việt Nam là một sự kiện văn hóa lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đây cũng là ngà mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và những người không có bố mẹ; những cặp vợ chồng phải hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang