Nguy cơ tử vong vì cảm nắng khi đi du lịch hè

Thứ Hai, 27/06/2016 08:27  | Ngô Đồng

|

(CAO) Vừa qua, tại khoa cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã tiếp nhận một số trường hợp người bệnh ngất xỉu do nhiệt hay kiệt sức do nhiệt.

Hè về cũng là thời điểm các gia đình thường đi du lịch, tổ chức các hoạt động vui chơi ngoài trời như tắm biển, dã ngoại... Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm chuyển mùa, nắng nóng, nhiệt độ tăng cao.

Tại TP.HCM, thời tiết trước khi chuyển mưa thường oi bức, nóng nực cũng dễ gây ra các bệnh liên quan đến thời tiết nắng nóng (dân gian thường gọi là cảm nắng).

Người Sài Gòn lo sợ ung thư da vì nắng quá kinh

BS Nguyễn Viết Hậu, Phòng khám tổng quát Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết: "Vừa qua, tại khoa cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cũng tiếp nhận một số trường hợp người bệnh ngất xỉu do nhiệt hay kiệt sức do nhiệt. Người bệnh thường trong tình trạng lo lắng, mệt mỏi do mất nước, nhiệt độ cơ thể tăng cao. Người bệnh được theo dõi vài giờ tại khoa, khi các xét nghiệm trở về bình thường sẽ xuất viện".

Theo bác sĩ Hậu, những người đi du lịch trong mùa hè, phải đi ngoài nắng, leo núi, di chuyển nhiều, tập quân sự… từ đó gây ra tình trạng mất muối và nước. Đến một giai đoạn nào đó việc mất muối và nước quá nhiều nếu không bổ sung kịp sẽ làm nước trong lòng mạch máu giảm đi, làm giảm huyết áp, đặc biệt ở tư thế đứng làm giảm lưu lượng máu lên não gây triệu chứng ngất xỉu.

Cần đưa nạn nhân bị say nắng vào chỗ mát và bổ sung nước kịp thời. Ảnh minh họa

Bất cứ ai cũng có thể bị cảm nắng với các triệu chứng khác nhau như: ngất xỉu, kiệt sức, phù do nhiệt (phù ở phần thấp cơ thể như ở mắt cá, bàn chân; nguyên nhân là do mạch máu giãn ra để thải nhiệt, gây ra phù), phát ban do nhiệt (nổi mẩn ngứa, mề đay)...

Đặc biệt nguy hiểm là triệu chứng chuột rút do nhiệt. Bệnh thường xuất hiện ở những người lao động nặng hay những vận động viên phải tập luyện với cường độ cao. Trong khi cơ thể đang vận động và sinh nhiệt, gặp nhiệt độ môi trường cao sẽ dễ gây ra chuột rút do nhiệt.

BS Nguyễn Viết Hậu, Phòng khám tổng quát Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tư vấn cho người bệnh cách phòng tránh bệnh do thời tiết nắng nóng

Đáng lưu ý là tình trạng sốc nhiệt (đột quỵ do nhiệt), đây là loại bệnh có tỷ lệ tử vong tương đương với đột quỵ do tim hay đột quỵ do não. Nguyên nhân là do bị mất muối và nước kéo dài đi kèm sự quá tải khả năng hoạt động của trung tâm điều nhiệt. Tăng thân nhiệt kéo dài sẽ làm tổn thương hệ tim mạch, hô hấp, gan, thận đặc biệt là hệ thần kinh. Nhiệt độ cơ thể nạn nhân có thể lên đến trên 400C, có kèm các triệu chứng thần kinh (đau đầu, chóng mặt, buồn ói, lơ mơ, rối loạn tri giác, co giật thậm chí hôn mê …).

Để phòng ngừa các bệnh do thời tiết nắng nóng hay thời điểm giao mùa gây ra, khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài hay môi trường có nhiệt độ cao, BS Nguyễn Viết Hậu, Phòng khám tổng quát Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM khuyến cáo: Mặc quần áo dài tay, thoáng mát, đội nón rộng vành, hạn chế thời gian tiếp xúc ánh nắng từ 10 giờ đến 16 giờ, nếu bắt buộc phải làm việc hay hoạt động trong môi trường nhiệt độ cao thì nên di chuyển đến nơi có không khí mát mẻ 1 lần /giờ, nghỉ ngơi khoảng 15 phút, sau đó trở lại công việc.

Ngoài ra, cần chủ động uống nước, không nên đợi đến lúc khát nước mới uống. Chúng ta nên uống các loại nước vừa cung cấp nước và muối khoáng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang