(CAO) Ngày 23-6-2016, ông Nguyễn Đình Tuấn - Phó Giám đốc Sở y tế Gia Lai cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.293 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 105/222 xã, phường, thị trấn của 16/17 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 1 trường hợp tử vong.
TP. Pleiku là địa phương có số người mắc sốt xuất huyết cao nhất với 340 ca; tiếp theo là huyện Ia Grai với 190 ca; Chư Prông có 147 ca… Các địa phương còn lại có số người mắc rải rác. So với cùng kỳ năm trước, tình hình sốt xuất huyết chưa có nhiều biến động nhưng diễn biến phức tạp và khó lường.
Theo ông Tuấn, bệnh sốt xuất huyết rất dễ bùng phát thành dịch và có thể bùng phát nhanh trên diện rất rộng. Trước đây, bệnh thường gặp ở trẻ em và bùng phát sau từ 3 đến 5 năm. Nhưng hiện nay, bệnh gặp cả ở người lớn với tỷ lệ ngang bằng trẻ em, có quanh năm, tăng mạnh vào mùa mưa.
Bệnh nhân nhập viện cấp cứu vì sốt xuất huyết
Trước những diễn biến khó lường này, Sở y tế đã có công văn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường các hoạt động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Theo đó, tiếp tục duy trì và tăng cường triển khai chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, loăng quăng phòng chống dịch bệnh do “vi rút zika và sốt xuất huyết” gây ra; triển khai các hoạt động thiết thực để huy động chính quyền các cấp, các ban ngành, đoàn thể và nhân dân tích cực tham gia phòng chống sốt xuất huyết, bệnh do vi rút zika trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là cao điểm tháng 6-2016.
Cách phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất là diệt muỗi, loăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Chính vì vậy, ngành y tế đã chủ động phối hợp tổ chức triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế thải nhằm làm giảm nơi sinh sản của véc-tơ truyền bệnh, tuyên truyền hướng dẫn cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh môi trường, tổ chức diệt loăng quăng/bọ gậy phòng chống bệnh.
(CAO) Mặc dù không ghi nhận có số ca tử vong, song tại các bệnh viện Nhi Đồng ghi nhận nhiều ca biến chứng rất nặng.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, giáo dục người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh cũng được đẩy mạnh, có trọng tâm, trọng điểm. Cũng theo bác sỹ Tuấn, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có thể tử vong nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời. Sau khi bị muỗi đốt và truyền virus vào cơ thể từ 6 - 7 ngày, bệnh nhân sốt cao đột ngột từ 2 - 7 ngày, kèm theo mệt mỏi, chán ăn, đau đầu, đau sau hốc mắt và dọc theo sống lưng, buồn nôn, nôn... khi phát hiện những triệu chứng trên cần đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị thích hợp.
Trường hợp nhẹ bệnh nhân có thể theo dõi và điều trị tại nhà theo hướng dẫn của các bác sĩ. “Bệnh sốt xuất huyết hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và không có thuốc điều trị đặc hiệu. Nếu bệnh diễn tiến nặng với các dấu hiệu như bệnh nhân sốt xuất huyết có dấu hiệu li bì, bứt rứt, vật vã, nôn, buồn nôn kèm theo chảy máu chân răng, chảy máu cam, phân đen hoặc nôn ra máu, tiểu tiện ra máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc thấy kinh bất thường. Các ban xuất huyết dày đặc, cơ thể mệt mỏi rã rời, đau tức hạ sườn phải, xét nghiệm men gan tăng rất cao, khám thấy gan to... thì cần nhanh chóng nhập viện để được điều trị thích hợp”, bác sỹ Tuấn khuyến cáo.