(CAO) Tiền bạc là nguyên nhân chính gây tranh cãi giữa các cặp đôi Việt Nam, tiếp theo là rượu bia và thuốc lá; dành quá nhiều thời gian cho máy tính hoặc điện thoại; thờ ơ với đối phương và công việc nhà.
Quan hệ vợ chồng tại Việt Nam đáp ứng 83% kỳ vọng
Để hiểu được tình trạng các mối quan hệ cá nhân ở Việt Nam và trên toàn châu Á tạo nên một cuộc sống hạnh phúc, khỏe mạnh và trường thọ, Prudential tiến hành 5.000 cuộc trò chuyện với người dân 10 nước là: Campuchia, Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam.
Tại Việt Nam, Prudential tiến hành trò chuyện trực tiếp với 500 người từ 25-55 tuổi ở TP.HCM và Hà Nội xoay quanh các mối quan hệ giữa những người được hỏi với vợ/chồng/người cùng chung sống, con cái, cha mẹ, bạn bè và họ hàng thân thuộc.
Thứ hạng 10 quốc gia được khảo sát về các mối quan hệ cá nhân
Kết quả khảo sát, người Việt Nam đánh giá mối quan hệ với vợ/chồng/người cùng chung sống ở mức 83/100. Nghĩa là mối quan hệ thực tế với vợ/chồng/người cùng chung sống đáp ứng 83% kỳ vọng của họ. Hay nói một cách khác, ở Việt Nam tồn tại chỉ số “khoảng cách trong mối quan hệ” là 17%. Chỉ số mối quan hệ ở Việt Nam thể hiện sự khắng khít và tính bền vững của mối quan hệ.
Theo Báo cáo này, Việt Nam xếp hạng nhất trong số 10 quốc gia châu Á về việc đáp ứng các mối quan hệ cá nhân. Philippines xếp thứ hai với 79/100 điểm, đứng thứ ba với 73/100 điểm là Indonesia. Trung Quốc xếp cuối danh sách 10 nước được khảo sát với 54/100. Chỉ số mối quan hệ trung bình ở các quốc gia châu Á là 68/100.
Tiền bạc dẫn đến tranh cãi giữa các cặp đôi
Chỉ số Mối quan hệ Prudential (PRI) 2016 là cuộc nghiên cứu thăm dò nhằm tìm ra những vấn đề quan trọng trong các mối quan hệ cá nhân ở Châu Á. PRI năm 2016 thể hiện mức độ đáp ứng của mối quan hệ hiện tại so với với sự kỳ vọng được đặt ra cho một mối quan hệ lý tưởng. Đó là dấu hiệu thể hiện mức độ khăng khít và tính bền vững của mối quan hệ. |
Theo Chỉ số Mối quan hệ Prudential (PRI) năm 2016 vừa được công bố, người Việt ít tranh cãi nhất châu Á. Chỉ 7% người được khảo sát thừa nhận rằng họ tranh cãi với vợ/chồng/người cùng chung sống của mình một lần mỗi tuần hoặc thường xuyên hơn, so với mức trung bình 24% ở châu Á.
Lý do là người Việt thường ưu tiên xây dựng mối quan hệ với những người dễ hòa hợp, họ thường ít có bất đồng với vợ/chồng/người cùng chung sống.
Công bố Chỉ số các mối quan hệ 2016
Mặc dù cặp đôi người Việt thường ít tranh cãi hơn các cặp đôi ở quốc gia khác nhưng vẫn có 42% trong số họ tranh cãi ít nhất một lần mỗi tháng. Tiền bạc là nguyên nhân gây tranh cãi được nhiều người nhắc đến nhất (theo chia sẻ của 45% người).
Tuy nhiên, hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong khu vực, các cặp vợ chồng ở Việt Nam thường cùng nhau giải quyết vấn đề tài chính. Họ cũng là những người có xu hướng mở tài khoản ngân hàng đồng sở hữu cao nhất với tỉ lệ 79%.
Các nguyên nhân dẫn đến tranh cãi tiếp theo giữa các cặp đôi Việt Nam là rượu bia và thuốc lá (35%), dành quá nhiều thời gian cho máy tính hoặc điện thoại (32%), thờ ơ với đối phương và công việc nhà (30%).
Mặc dù 72% phụ nữ có việc làm, nhưng có đến 77% phụ nữ nói rằng họ là người chịu trách nhiệm chính trong việc trông nom con cái. Trong khi chỉ 7% nam giới cho rằng họ dành nhiều thời gian hơn cho con cái. Tương tự, 83% phụ nữ nói rằng họ đảm nhận phần lớn việc nhà, 7% nam giới làm nhiều việc nhà hơn vợ hoặc người cùng chung sống.
Người Việt thường ít khi tặng quà cho vợ/chồng/người cùng chung sống. Chỉ 5% thực hiện điều này ít nhất một lần mỗi tuần – tỷ lệ thấp nhất so với bất kỳ nước nào trong cuộc khảo sát.
Công nghệ chi phối các mối quan hệ
Người Việt đặc biệt thích giao tiếp với bạn bè qua điện thoại
Theo Chỉ số Mối quan hệ Prudential (PRI) 2016, người Việt đặc biệt thích giao tiếp với bạn bè qua điện thoại. Có 65% nói rằng họ cảm thấy thích thú khi bạn bè gọi điện hoặc nhắn tin. Một phần ba số người được khảo sát (34%) người thậm chí còn trở nên khó chịu nếu không nhận được cuộc gọi hoặc tin nhắn nào. 61% thừa nhận rằng họ luôn duy trì trạng thái hoạt động trên các trang mạng xã hội.
Trung bình mỗi người có 167 kết nối bạn bè trên các trang mạng xã hội và khẳng định một phần ba (33%) trong số đó là những người bạn “tốt”.
Khoảng 16% người nghiện công nghệ đến mức họ sẽ không cân nhắc từ bỏ chiếc điện thoại của mình (dù chỉ một ngày) để dành nhiều thời gian hơn cho người xung quanh.
Việc nghiện công nghệ này cũng có khả năng ảnh hưởng đến các mối quan hệ thân thiết nhất của họ - hơn một phần tư (28%) người nói rằng họ thích sử dụng điện thoại hơn là dành thời gian quan tâm đến vợ/chồng hay người cùng chung sống.
Có 32% các cặp vợ chồng thường xảy ra xung đột thừa nhận việc dành quá nhiều thời gian cho việc sử dụng điện thoại hoặc máy tính là một trong những nguyên nhân gây xung đột.