Hai nhà báo khác chiến tuyến "cụng ly" sau 43 năm

Chủ Nhật, 30/04/2023 16:13

|

(CATP) Sau Hiệp định Paris 1973, nhiều tổ chức nhân đạo Quốc tế lên tiếng phản đối chính quyền Sài Gòn không thực hiện trả tự do cho anh chị em sinh viên, học sinh bị giam giữ - đặc biệt là sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm - Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn.

Nhà đương cuộc Sài Gòn tìm đủ mọi cách trì hoãn việc trao trả tự do cho anh Huỳnh Tấn Mẫm, kéo dài cả năm trời. Do áp lực từ nhiều phía, chính phủ Việt Nam Cộng hòa (VNCH) mới thực hiện cuộc trao trả này. Đây là "chuyện" để hai nhà báo khác chiến tuyến trước năm 1975 trở thành bạn thân sau 43 năm!

KÝ GIẢ SÀI GÒN VÀ PHÓNG VIÊN QUÂN GIẢI PHÓNG TRÊN CÙNG CHIẾN TUYẾN

Đó là một ngày cuối tháng Giêng Xuân Giáp Dần - nhằm đúng ngày thứ tư 20/02/1974. Đây là lần thứ ba không như hai lần trước, Huỳnh Tấn Mẫm cũng bị "bốc" từ nhà lao Chí Hòa dẫn độ đến phi trường Biên Hòa, ngồi chờ mấy tiếng đồng hồ rồi sau đó họ chở anh trở lại Chí Hòa tiếp tục giam giữ. Nhưng lần này thì có khác và không kém phần gay go. Từ sáng sớm khi vừa tới sân bay Biên Hòa, Mẫm liền bị áp tải không nương tay, tống lên chiếc trực thăng Chinook trực chỉ sân bay dã chiến Lộc Ninh (thuộc thị xã Lộc Ninh) đã được Quân Giải phóng của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam - Việt Nam (CHMNVN) kiểm soát. Đây là vùng vừa giải phóng được coi như là "thủ phủ" của CHMNVN.

Thời điểm này, Ban Liên hợp Quân sự (BLHQS) bốn bên không còn hoạt động, nhường lại cho BLHQS hai bên: VNCH và CHMNVN tiếp tục thực thi các điều khoản của Hiệp định Paris mà thôi. Đoàn LHQS hai bên đi trên hai trực thăng sơn màu vàng (đúng hơn là màu cam). Còn Ủy hội Quốc tế đi trên trực thăng sơn trắng có dấu chữ thập đỏ. Chúng tôi nhóm ký giả Sài Gòn và nhóm phóng viên quân giải phóng tháp tùng Ban LHQS hai bên cùng Ủy hội Quốc tế có mặt tại phi trường vĩ sắt Lộc Ninh trước khi chiếc Chinook chở Huỳnh Tấn Mẫm hạ cánh.

Khu vực sân bay trơ trụi. Mới hơn 9 giờ sáng mà nắng đổ lửa chói chang. Và cứ thế nhiệt độ càng lúc càng tăng lên đến 35 - 37 độ C cho đến khi trời sẩm tối mới dịu xuống. Mỗi bận trực thăng hạ cánh hay cất lên bụi tung mù trời, đến nỗi chúng tôi không tài nào mở mắt được. Phía xa kia cuối đường băng là ven bìa rừng cao su có cây cao bóng mát mà cỏ lau lút đầu. Chẳng ai dám héo lánh đến đó vì còn nhiều bom bi, mìn, M79 cùng những xác tăng, máy bay đầy rẫy ngửa nghiêng chỏng chơ. Những lán bạt, tăng dù được dựng lên tươm tất, khang trang nhưng chẳng nhằm nhò gì với cái nắng nung người ở đây.

Nhà thơ Thiên Hà (đội nón) và nhà thơ Trần Ninh Hồ trong một lần gặp nhau

ÔN HÒA MÀ QUYẾT LIỆT

Nắng càng cao thì độ nóng càng gắt. Trước Tổ Liên hợp hai bên Quốc gia VNCH và CHMNVN cùng đại diện Ủy hội Quốc tế, sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm đã yêu cầu chính quyền Sài Gòn trả anh về với gia đình ở Sài Gòn để anh tiếp tục học tập. Tôi còn nhớ lời tuyên bố dõng dạc của Huỳnh Tấn Mẫm tại nơi trao trả ở Lộc Ninh hôm đó: "Là sinh viên học sinh tại Sài Gòn và cư trú tại Sài Gòn, tôi yêu cầu chính quyền Sài Gòn trả tự do cho tôi trở về đoàn tụ với gia đình và học đường theo điều 8C và điều 21 của Hiệp định Paris".

Trong khi đó chính quyền Sài Gòn rất sợ phải trả tự do cho Huỳnh Tấn Mẫm về với học đường và gia đình ở Sài Gòn. Như vậy, chẳng khác nào thả con hổ đầu đàn về rừng thanh niên sinh viên, nên cố ra sức bằng mọi biện pháp thủ đoạn với quyết tâm cao, ép buộc phía Cách mạng tiếp nhận "tên" tù chính trị này. Nhưng đại diện chính phủ CHMNVN kiên quyết không chấp nhận và viện dẫn rằng "Huỳnh Tấn Mẫm là sinh viên Sài Gòn của các ông - là tù nhân chính trị không thuộc tổ chức của chúng tôi - nên không nằm trong danh sách trao trả và tiếp nhận. Mong các ông hiểu cho!".

Nắng mỗi lúc thêm gay gắt càng tăng độ nóng quyết liệt trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa hai bên. Càng gay go càng bế tắc xung quanh vấn đề trao trả tự do cho Huỳnh Tấn Mẫm. Dự kiến tình huống phức tạp, đại diện Ban Liên hợp Quân sự hai bên từ trại David - Tân Sơn Nhất - Sài Gòn, tờ mờ sáng đã bay lên Lộc Ninh đàm luận tìm giải pháp thích nghi cho ổn thỏa. Vậy mà suốt mấy tiếng đồng hồ vẫn dậm chân tại chỗ chưa bên nào nhượng bộ. Mãi đến gần chiều tối, coi như cuộc đấu trí mất một ngày ròng rã, cuối cùng phía chính quyền Sài Gòn đuối lý đành ngậm đắng, nuốt cay chấp nhận trả tự do cho sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm về Sài Gòn đoàn tụ với gia đình. Sự thỏa thuận này được đại diện hai bên ký vào biên bản có sự giám sát của Ủy hội Quốc tế.

Sự nhượng bộ của chính quyền Sài Gòn là một thắng lợi đối với Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN. Mọi người đều thở phào nhẹ nhõm sau một ngày nóng bức căng thẳng ngột ngạt. Chờ mấy Quân cảnh, cảnh sát chìm áp tải tù nhân chính trị sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm lên phi cơ cất cánh, tất cả những thành viên trong Tổ Liên hợp Quân sự hai bên cùng nhóm phóng viên giải phóng và ký giả Sài Gòn vội vã lên hai trực thăng vàng khởi động rời phi trường Lộc Ninh thì trời đã chập choạng...

Trên đường bay về Tân Sơn Nhất, tôi ngồi cạnh một "đồng nghiệp" phóng viên quân Giải phóng nên có dịp chuyện trò. Anh tỏ ra thân thiện: "Thả anh Mẫm về Sài Gòn, anh thấy có phù hợp không?". "Đó là nguyện vọng của Mẫm, còn gì bằng. Nhưng theo anh, thả Mẫm về phía các anh nên chăng?". Người bạn "đồng nghiệp" tôi có phần dè dặt: "Chuyện đó của cấp trên, tôi không có ý kiến. Mà anh có quen biết với anh Mẫm chứ?". "Có, tôi biết anh là một trong số sinh viên học sinh trong phong trào Đô thị miền Nam. Anh luôn dành thế hợp pháp giữa Sài Gòn để đấu tranh trực diện với bộ máy cầm quyền VNCH. Vì vậy anh nhất quyết đòi thả anh về Sài Gòn cũng là điều dễ hiểu". "Chẳng biết mai này anh em mình còn gặp lại nhau chăng. Dù sao thì cuộc gặp gỡ hôm nay chúng ta ghi nhớ mãi!". (*)

Trực thăng đã đáp xuống nơi quy định cách trại David không xa, thành phố đã rực đèn. Trước khi chia tay mỗi người một hướng đi, tôi kịp nhận ra người phóng viên này là bạn không là thù. Tất cả chúng tôi đều tin tưởng rằng tối nay Huỳnh Tấn Mẫm sẽ được đoàn tụ cùng gia đình với mẹ già và những bạn bè thân thiết của anh. Vui biết mấy!

TƯỞNG VẬY MÀ KHÔNG PHẢI VẬY!

Đâu ai có thể ngờ rằng chỉ hơn một tiếng đồng hồ sau khi rời khỏi Lộc Ninh trở lại Sài Gòn thì bộ mặt nham hiểm thâm độc của Chính quyền Sài Gòn đã lộ rõ. Chữ ký trong biên bản thỏa thuận giữa hai bên chưa ráo mực thì phía VNCH đã tráo trở lật lọng. Thay vì trả tự do ngay cho Huỳnh Tấn Mẫm thì Cảnh sát, Quân cảnh tống giam anh vào nhà lao Chí Hòa như chưa hề có thỏa thuận gì!

Sau một ngày tác nghiệp mệt nhọc cam go, cánh báo chí Sài Gòn chúng tôi coi như bị phá sản. Không một mẩu tin, bình luận, ghi nhanh nào hay tường trình ghi âm tại chỗ của anh em ký giả chúng tôi được các báo, đài phát thanh sử dụng đăng tải. Tất cả coi như bị vứt vào sọt rác!

Bởi lẽ sự thật đang bị bưng bít. Sự thật sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm không hề được trả tự do giữa Đô thành Sài Gòn như đã thỏa thuận giữa hai bên. Trái lại chính quyền Sài Gòn không những nhốt anh vào Chí Hòa mà còn dối trá công bố với báo chí rằng: "Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn Huỳnh Tấn Mẫm xin chiêu hồi và đang được hưởng quy chế Hồi chánh viên".

Dã tâm thâm độc của nhà đương cuộc Sài Gòn là dứt khoát không "thả hổ về rừng" nên tiếp tục giam giữ Huỳnh Tấn Mẫm, mặc dù anh cố đấu tranh quyết liệt. Thậm chí anh đã tuyệt thực bốn ngày và viết thư phản kháng gửi ra ngoài cho các nhân sĩ, trí thức tôn giáo hỗ trợ, lên án sự tráo trở, bịa đặt của chính quyền Sài Gòn và đòi hỏi trả tự do vô điều kiện đối với sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm nhưng mọi diễn biến tích cực đều vô hiệu.

Cho tới thời điểm này (1974), ít ra tôi cũng đã lăn lóc trên mảnh đất Sài Gòn hành nghề tự do bằng ngòi viết những mười bốn năm. Ít nhiều tôi cũng hiểu được phần nào cái gọi là tự do ngôn luận của chế độ hiện hành. Cho nên không lạ gì đối với các cơ quan thông tấn báo chí phớt lờ không đề cập tới sự kiện nóng bỏng này. Vì thế, không ai có thể biết được số phận Huỳnh Tấn Mẫm đi về đâu và sống chết ra sao?!...

RỒI HƠN MỘT NĂM SAU...

Mãi tới tối 29/4/1975 - tức sau hơn một năm kể từ ngày rời khỏi Lộc Ninh về lại Sài Gòn 20/2/1974, Huỳnh Tấn Mẫm vẫn còn bị giam cầm biệt tăm. Để trấn an dư luận, ông Lý Quý Chung vừa được Đại tướng Dương Văn Minh - tân Tổng thống VNCH bổ nhiệm chức vụ Tân Tổng trưởng Thông tin - xuất hiện trên Đài truyền hình Sài Gòn ngỏ lời cùng quý khán giả: "... Anh Huỳnh Tấn Mẫm - nguyên Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn vẫn còn sống và tôi xin giới thiệu con người Huỳnh Tấn Mẫm nói chuyện với đồng bào và các bạn sinh viên học sinh...".

Tôi rất mừng khi nhận ra Mẫm với vẻ mặt hiền từ, tuy có phần tiều tụy hốc hác, vẫn giọng quen thuộc ngày nào nhưng hơi xúc động, anh nói: "Tôi là Huỳnh Tấn Mẫm đại diện cho sinh viên học sinh Sài Gòn. Tôi đã bị bắt giam nhiều năm và nay được trả tự do... Trước hết, tôi chân thành cảm ơn sự ủng hộ của đồng bào, của các đoàn thể trí thức, tôn giáo, của các bạn sinh viên học sinh. Cấp thiết tôi yêu cầu chính quyền hiện tại tiếp tục trả tự do cho sinh viên học sinh và tù chính trị còn bị giam giữ. Tôi đề nghị đồng bào hãy hết sức bình tĩnh, không nghe lời xuyên tạc của kẻ xấu mà di tản ra nước ngoài...".

Chính quyền Tổng thống Dương Văn Minh chưa kịp thực hiện lời yêu cầu của Huỳnh Tấn Mẫm thì đã phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trước sự tấn công ồ ạt như vũ bão của quân Cách mạng. Chiến xa quân giải phóng đã húc đổ sập cánh cổng Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975. Kết thúc cuộc chiến tranh hai mươi năm!

Rồi chỉ sau mấy ngày hòa bình lập lại, tôi có dịp gặp gỡ Huỳnh Tấn Mẫm - người bạn thân thương, cùng một số gương mặt quen thuộc thời sinh viên "Dậy mà đi" tại trụ sở Thành đoàn trên đường Duy Tân (nay là Phạm Ngọc Thạch) cho mãi tới hôm nay. Mỗi người một số phận, một khúc quanh, một lối rẽ... Lâu lâu gặp lại vẫn chân tình. Không kêu ca, không than van, không sợ hãi là thế sống từ thời trẻ trai của chúng tôi.

(*)

(Mãi 43 năm sau, giữa Thủ đô Hà Nội, hai chàng phóng viên ở hai chiến tuyến năm 1974 là hai nhà thơ đương đại Thiên Hà và Trần Ninh Hồ nhận ra nhau sau vài chén rượu vỉa hè phố Kim Mã vào mùa Hè năm 2017. Từ đó đến nay, thỉnh thoảng họ "Alô" và "cụng ly" với nhau dù khoảng cách Sài Gòn - Hà Nội là 2 giờ bay. Nhà thơ Trần Ninh Hồ năm 1974 là phóng viên báo Văn nghệ quân Giải phóng Đông Nam bộ; còn nhà thơ Thiên Hà (Dương Cao Thâm) nguyên là phóng viên Báo Công an TPHCM đã nghỉ hưu hơn 15 năm. Cả hai nhà thơ năm nay đều đã ngoài 80 tuổi, nhưng vẫn hào sảng, yêu đời, sống chan hòa tình cảm và được bạn bè văn nghệ sĩ rất yêu mến...).

Bình luận (0)

Lên đầu trang