(CATP) Mới đây, ở tỉnh Đồng Tháp lộ chuyện "động trời" bởi có đến gần 120 trường hợp “xuất ngoại” về không báo cáo theo quy định.
Việc “xuất ngoại” như… đi chợ không chỉ diễn ra ở các trường trên địa bàn mà còn có nhiều người đứng đầu ngành giáo dục.
Đi ào ạt, báo cáo nhỏ giọt
Theo kết quả thanh tra của Sở Ngoại vụ tỉnh Đồng Tháp, chỉ tính từ tháng 1-2015 đến 5-2018, toàn ngành Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) Đồng Tháp có 74 lượt cán bộ, công nhân viên đi nước ngoài, nhưng có đến 68 lượt không thực hiện báo cáo kết quả chuyến đi theo quy định (về UBND tỉnh thông qua Sở Ngoại vụ - PV).
Ngày 1-5 đến ngày 31-8-2015, bà Phạm Thu Cúc (kế toán Trường THPT Lai Vung 3) đi vương quốc Na-Uy để thăm thân nhân. Tương tự, giáo viên Nguyễn Thị Thuy Trang và Nguyễn Quang Minh (Trường THPT Lấp Vò 2) từ ngày 16-3 đến 31-12-2015 đi Australia điều trị bệnh cho con.
Còn ông Nguyễn Văn Hòa - Trưởng phòng Công nghệ thông tin - thiết bị - thư viện Sở GD-ĐT từ ngày 24-4 đến 3-5-2016 và ngày 22-7 đến 26-7-2016 đi Cộng hòa Singapore thăm thân nhân 2 lần chỉ trong thời gian chưa đến 3 tháng.
Đối với lãnh đạo Sở thì tần suất đi nước ngoài dày hơn và vô vàn lý do. Cụ thể là ngày 18-3 đến ngày 22-3-2015, ông Trần Thanh Liêm – Giám đốc Sở GD-ĐT đi tham dự hội nghị “Ứng dụng ông nghệ thông tin trong quản lý và dạy học” tại Nhật Bản theo quyết định số 25/QĐ-UBND-NN tỉnh Đồng Tháp. Kế đến từ ngày 28-3 đến 2-4-2016, người này tiếp tục đi tham dự hội nghị có nội dung nêu trên tại Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất.
Năm 2017, người đứng đầu Sở này 2 lần đi khảo sát, học tập kinh nghiệm tại Cộng hòa Pháp, Ý, Liên bang Thụy Sĩ và làm việc với Nhà xuất bản Oxford tại Vương quốc Anh. Qua báo cáo của Sở Ngoại vụ cho thấy, ngoài đi học tập kinh nghiệm, dự hội nghị người này còn “xuất ngoại” để đưa con trai nhập học.
Cụ thể là ngày 30-3 đến 1-4-2018, ông Liêm đã đưa con trai đi nhập học tại Trường Đại học Minh Tân (Đài Loan). Hơn 1 tháng sau, ông này tiếp tục xuất ngoại sang Đức theo đoàn lãnh đạo của tỉnh. Sau hơn 3 năm, khi tiến hành thanh tra chuyên ngành về công tác ngoại vụ tại Sở GD-ĐT, Sở Ngoại vụ Đồng Tháp chính thức ghi nhận ông Liêm vẫn chưa hoàn thành báo cáo kết quả chuyến đi theo quy định pháp luật hiện hành.
Việc lãnh đạo Sở đi nước ngoài mà chưa báo cáo không phải chỉ trường hợp cá biệt của người đứng đầu ngành giáo dục.
Đáng nói hơn là theo kết quả thanh tra do Giám đốc Sở Ngoại vụ Nguyễn Hữu Xuân ký còn thể hiện, cũng trong khoảng thời gian từ tháng 1-2015 đến tháng 5-2018, toàn ngành GD-ĐT có 45 trường hợp sử dụng hộ chiếu phổ thông đi nước ngoài nhưng chưa thấy có quyết định cho phép của cấp có thẩm quyền.
UBND tỉnh Đồng Tháp đã chấn chỉnh
Sau khi ban hành kết luận trên, Sở Ngoại vụ Đồng Tháp đề nghị tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đi nước ngoài phải thực hiện việc báo cáo kết quả chuyến đi về UBND tỉnh theo quy định (thông qua Sở Ngoại vụ); Sở GD-ĐT chỉ đạo các cá nhân có tên trong danh sách đi nước ngoài nhưng chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền giải trình lý do và mục đích chuyến đi.
Về sự việc trên, phóng viên liên hệ với ông Trần Thanh Liêm – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp, người này cho biết, mọi việc Sở có báo cáo tỉnh và Sở Ngoại vụ, đề nghị phóng viên liên hệ với các bên liên quan.
Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Tấn Bửu – Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết: “Công chức, viên chức mà thuộc trường hợp UBND tỉnh cử đi đều phải báo cáo đầy đủ. Theo quy chế là tất cả công chức, viên chức được đi công tác nước ngoài về thì có 2 hình thức báo cáo: báo cáo cá nhân và báo cáo thông qua đoàn bằng việc xây dựng nội dung báo cáo, góp ý…
Tuy nhiên có những trường hợp về sơ suất không báo cáo. Việc đó, UBND tỉnh có biết và chấn chỉnh, chỉ đạo giải trình về trách nhiệm của cơ quan quản lý. Đối với những trường hợp nhắc nhở báo cáo mà không báo cáo sẽ bị kiểm điểm”.
Phóng viên đặt vấn đề, những trường hợp đi nước ngoài không vì chuyện công mà chuyện cá nhân, không có quyết định của cơ quan thẩm quyền sẽ bị xử lý như thế nào? Ông Bửu cho hay: “Quy chế là tất cả cán bộ công chức dù là nghỉ phép hay đi công tác nước ngoài đều phải báo cáo UBND tỉnh và phải được sự cho phép. Đối với trường hợp tự đi, không báo cáo dù là đi bằng nguồn gì, lý do gì cũng là sai, phải có hình thức kiểm điểm, kỷ luật.
Chuyện cán bộ, công chức đi nước ngoài không báo cáo là thiếu sót. Trong quyết định cử đi đều có ghi là khi hoàn thành công tác cá nhân phải báo cáo cho ngành và UBND tỉnh thông qua Sở Ngoại vụ để tổng hợp. Vụ việc trên tỉnh đã yêu cầu các ngành phải chấn chỉnh” – ông Bửu nhấn mạnh.