Nhan nhản điểm mua bán, giết mổ gia cầm tự phát
Theo quy định, CS giết mổ gia súc, GC phải có khoảng cách an toàn với khu dân cư (KDC), trường học, bệnh viện, nơi đông người... và khi hoạt động phải đáp ứng các yêu cầu về điều kiện vệ sinh an toàn thú y (VSATTY), an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP)... Tuy nhiên, hiện nay hầu hết những điểm kinh doanh (KD), giết mổ GC tự phát không bảo đảm VSATTY, ATVSTP, họ buôn bán, giết mổ ngay cạnh KDC, nơi có người dân qua lại đông đúc.
Được xem là chợ nông sản, thực phẩm lớn của cả nước, hoạt động mua bán, giết mổ GC xung quanh Chợ đầu mối Bình Điền (Q8) khá nhộn nhịp. Ghé vào một điểm bán gà sống tại ngã tư Đường số 1 - Quản Trọng Linh nằm ngay trước cổng chợ này, chúng tôi được một người đàn ông mời chào đon đả, dưới nền đất là 4 chiếc lồng gà to tướng, mỗi cái nhốt 5-8 con. Mỗi khi đám gà vỗ cánh, bụi và lông bay tứ tung. Mặc dù người bán quảng cáo "gà sạch", nhưng chúng tôi không thấy dấu kiểm dịch của cơ quan chức năng.
Nằm cách đó vài bước chân là điểm bán GC quy mô lớn hơn với hàng chục con gà, vịt được nhồi nhét trong những chiếc lồng to tướng, ọp ẹp, có con bị buộc thành chùm nằm bẹp trên nền đất, lông cánh tả tơi, rũ rượi; cạnh đó, người bán còn bày biện xoong nồi, thau chậu, rổ rá, thùng xốp cáu bẩn trên những tấm bê-tông cũ kỹ. Khách có nhu cầu giết mổ tại chỗ, người bán lập tức cắt tiết, nhúng vào nồi nước sôi đục ngầu dính đầy lông và chất thải GC rồi mang ra vặt lông, mổ bụng, rửa ráy, giao ngay. Giết mổ xong, người bán vô tư hắt thứ nước bẩn này ra đường khiến mùi tanh bốc lên nồng nặc.

Gia cầm được vận chuyển bằng xe máy lưu thông trên đường
Tại đường Hoàng Đạo Thúy nằm bên hông chợ Bình Điền, việc nuôi nhốt, buôn bán, giết mổ GC càng nhộn nhịp hơn. Trên một đoạn chỉ khoảng 500m nhưng có tới 6-7 vựa KD, giết mổ gà, vịt chứa hàng chục chiếc lồng lớn nhỏ với hàng trăm con gà, vịt chờ "hóa kiếp". Có chủ vựa còn tận dụng khoảng đất trống gần đó rồi dùng lưới quây lại làm chuồng nuôi nhốt hàng trăm con vịt, ngan ngay bên lề đường. Mỗi khi có người mua và muốn giết mổ, họ sẵn sàng làm tại chỗ rồi giao ngay. Nước bẩn, chất thải, lông GC vương vãi trên nền đất rất mất vệ sinh.
Chị Võ Thị Lan (ngụ H.Bình Chánh), thường xuyên đi qua đoạn này bức xúc cho biết: "Mỗi lần đi qua khu vực trên, tôi phải nín thở vì mùi hôi thối từ phân, nước thải GC bốc lên nồng nặc. Nhiều người buôn bán GC ở đây cũng không đeo khẩu trang khiến nguy cơ lây bệnh rất cao".
Nhiều năm nay, người dân sống hai bên hẻm 8/2A Phạm Hùng (con hẻm địa giới hành chính giữa Quận 8 và huyện Bình Chánh) không khỏi bức xúc vì bị "tra tấn" bởi đủ loại mùi hôi thối, tiếng kêu của gà, vịt từ sáng đến tối. Theo người dân, hầu hết những hộ này đều giết mổ GC tự phát, không bảo đảm VSATTY, ATVSTP. Mỗi lần giết mổ, họ ngang nhiên đổ nước bẩn, chất thải, lông gà, lông vịt ra mặt hẻm khiến nơi này bốc mùi tanh tưởi.
Thời gian gần đây, hẻm này đã được nâng cấp, sửa chữa, chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, tuy nhiên tình trạng buôn bán, giết mổ GC vẫn còn phổ biến. Khảo sát thực tế, chúng tôi ghi nhận trên đường Phạm Hùng có 2-3 điểm bán GC tự phát. Đầu hẻm 8/2A giáp với đường Phạm Hùng có tới 2-3 điểm bán GC sống lẫn số đã làm sẵn. Bên trong hẻm 8/2A có 4-5 điểm kinh doanh GC với hàng trăm con gà, vịt được nhồi nhét trong những chiếc lồng to tướng; mặt hẻm thường xuyên có lông gà, vịt, nước bẩn, chất thải và nước luộc, rửa GC sau khi giết mổ, trông nhầy nhụa. Mùi hôi thối quyện với mùi tanh tưởi xộc thẳng vào mũi khiến người đi đường luôn cảm thấy buồn nôn.
Một người dân sống trong hẻm 8/2A Phạm Hùng bức xúc: "Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, tiếng GC kêu oang oác từ sáng đến tối đã phá vỡ không gian nghỉ ngơi yên tĩnh của người dân. Bên cạnh đó, việc nuôi nhốt GC một cách tự phát, không có quy trình kiểm dịch nghiêm ngặt còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh".

Gia cầm được bày bán, giết mổ trước cổng chợ Bình Điền
Không được chủ quan
Bên cạnh các mặt hàng thịt, cá, rau, củ, quả, thực phẩm, khu chợ tự phát trên đường Lê Văn Lương, xã Phước Kiển (H.Nhà Bè) còn có 3-4 CS kinh doanh, giết mổ GC. Việc giết mổ được họ thực hiện ngay trên vỉa hè, ngay trong KDC. Dưới đáy những chiếc lồng đựng GC này, từng đống chất thải quện với máu, nước bẩn sền sệt, bốc mùi.
Tương tự, trên đường Lê Đức Thọ - đoạn gần cầu Trường Đai cũng có 4-5 điểm KD, giết mổ GC. Hàng trăm con gà, vịt, chim bồ câu... bị nhốt trong những chiếc lồng chật chội, có con khỏe mạnh, nhưng có con lờ đờ, ủ rũ, lông cánh xác xơ. Bên trong những điểm KD, giết mổ này luôn có những nồi nước sôi to tướng đục ngầu dính đầy lông, chất thải, lòng ruột quện với tiết, nước bẩn bốc mùi tanh tưởi.
Khảo sát trên các tuyến đường 154, Lã Xuân Oai, Nguyễn Duy Trinh (TP.Thủ Đức), Nguyễn Văn Linh (Q8)..., chúng tôi thấy nhan nhản điểm KD, giết mổ GC tự phát. Bên cạnh đó, nhiều người vận chuyển GC cũng chủ quan khi chất hàng chục con lên xe máy rồi vô tư chạy trên đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Thống kê của Bộ Y tế cho biết, năm 2024 Việt Nam ghi nhận 289.876 ca cúm mùa, 8 trường hợp tử vong; số ca nhiễm giảm 17,9% so với năm 2023 (353.108 ca), nhưng trường hợp tử vong tăng 5. Theo Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm 2025 đến nay nước ta ghi nhận 912 ca mắc cúm mùa, chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong; số mắc giảm 97,4% so với cùng kỳ năm 2024 (34.442). Đặc biệt, các ca mắc cúm hiện tại không ghi nhận thay đổi về độc lực, chủ yếu là cúm A (H1N1), A (H3N2) và cúm B.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho ít nhất 8 ca cúm nặng, trong đó có bệnh nhân tổn thương phổi nghiêm trọng. Tại một số CS y tế khác cũng đã ghi nhận bệnh nhân cúm đến khám.
Tại TPHCM, số ca viêm hô hấp ghi nhận quanh năm, có xu hướng tăng vào các tháng cuối năm, nhưng đã giảm trong 5 tuần đầu năm. Những ngày gần đây, trước diễn biến của dịch cúm mùa và thời tiết xuất hiện nhiều chuyển biến theo hướng có lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp, Sở Y tế TPHCM khuyến cáo người dân tăng cường đeo khẩu trang, tiêm vắc-xin. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tăng cường kiểm tra, kiểm dịch, phòng chống cúm GC lây sang người.
Tổ chức tiêm chủng mở rộng năm 2025 trên địa bàn TPHCM
Sở Y tế TPHCM vừa trình UBND TPHCM kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2025, tiến tới khống chế, loại trừ một số bệnh có vắc-xin phòng ngừa; củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống tiêm chủng đồng thời triển khai vắc-xin mới trong tiêm chủng mở rộng (nếu có), bảo đảm an toàn, chất lượng tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế.
Theo đó, thành phố phấn đấu đạt tỉ lệ (TL) tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin cho trẻ dưới 1 tuổi (lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib, bại liệt uống, sởi) và TL tiêm vắc - xin sởi - rubella; TL tiêm vắc-xin bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT) >95%; TL tiêm vắc-xin viêm gan B sơ sinh trong vòng 24 giờ; TL tiêm vắc-xin uốn ván 2 cho phụ nữ có thai; TL tiêm vắc-xin bại liệt (IPV); TL tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản; TL tiêm vắc-xin uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td) cho trẻ 7 tuổi đều >90%.
Ngoài ra, cần đạt các chỉ tiêu giám sát bệnh có vắc-xin phòng bệnh trong chương trình tiêm chủng như: 0 ca mắc vi-rút bại liệt hoang dại; 100% TL quận, huyện, TP.Thủ Đức đạt chuẩn loại trừ uốn ván sơ sinh và TL các quận, huyện, TP.Thủ Đức công bố hết dịch sởi; < 0,1/100.000 dân mắc bệnh bạch hầu và ho gà; > 1/100.000 trẻ dưới 15 tuổi mắc ca liệt mềm cấp được giám sát (điều tra, lấy mẫu xét nghiệm); > 2/100.000 dân trên phạm vi huyện mắc ca nghi sởi/rubella được điều tra và lấy mẫu máu...
Trên cơ sở đó, việc tiêm chủng mở rộng năm 2025 diễn ra ở 100% trạm y tế phường, xã, thị trấn thuộc 22 quận, huyện, TP.Thủ Đức và các CS khám chữa bệnh có tổ chức tiêm chủng mở rộng dành cho trẻ dưới 1 tuổi, trẻ 18 tháng tuổi, trẻ 7 tuổi; phụ nữ có thai và các đối tượng tiêm chủng mở rộng trong năm 2024 chưa được tiêm đủ mũi. Trong đó, nguồn vắc-xin sẽ được Bộ Y tế cung ứng, trên cơ sở đăng ký của 22 quận, huyện, TP.Thủ Đức.
Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, sau khi tiếp nhận vắc-xin từ Bộ Y tế và phân bổ đến các CS tiêm chủng, các CS sẽ tổ chức tiêm chủng mở rộng theo chỉ tiêu; bảo đảm an toàn, hiệu quả; tăng cường an toàn tiêm chủng, theo dõi phản ứng sau tiêm chủng. Sở Y tế sẽ tăng cường giám sát các bệnh có vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng và có chế độ theo dõi, giám sát, báo cáo đúng quy định nhằm phát hiện, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh và điều phối vắc-xin hoặc tăng cường vận động người dân đưa trẻ đến tiêm, tình hình phản ứng sau tiêm chủng theo thường quy.
SONG THẢO