(CAO) Một gia đình 3 người tại TP.HCM bị nhiễm cúm mùa sau chuyến du lịch về. Dù đã nhập viện điều trị, nhưng do bệnh quá nặng, người phụ nữ 38 tuổi đã tử vong.
Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM xác nhận, trên địa bàn thành phố vừa có 1 trường hợp tử vong do nhiễm cúm mùa.
Được biết sau chuyến du lịch về, cả gia đình có biểu hiện ho, sốt, đau họng. Tình trạng bệnh diễn tiến ngày một nặng nên vợ chồng bệnh nhân đi đến bệnh viện điều trị. Dù các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa nhưng do bệnh diễn tiến nặng, người vợ rơi vào tình trạng suy hô hấp, tử vong.
Qua điều tra dịch tễ, Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM ghi nhận, cả gia đình đều chưa được tiêm ngừa vắc xin ngừa cúm trước đó.
Các bệnh nhân đều được lấy mẫu và gửi đến Viện Pasteur TP.HCM để làm xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur cho thấy bệnh nhân nhiễm vi rút cúm B (cúm mùa). Đồng thời, xét nghiệm của chồng và con gái bệnh nhân cũng cho kết quả tương tự.
Căn cứ kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur, Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM nhận định đây là một chùm ca cúm B, trong đó có một trường hợp biến chứng nặng xảy ra trên bệnh nhân thường bị viêm hô hấp trước đó.
Bệnh cúm mùa có thể được dự phòng bằng vắc xin cúm. Ảnh: NĐ
Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch của bệnh gồm: xử lý thi hài, kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện và chế độ kiểm dịch đối với những người tiếp xúc bệnh nhân.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng, cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây nên. Bệnh cảm cúm lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Tại Việt Nam, các vi rút gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.
Vi rút cúm B là loại lành tính, đa số người mắc sẽ tự khỏi sau vài ngày nghỉ ngơi. Tuy nhiên, người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và những người bị suy giảm hệ miễn dịch nếu mắc phải mà không phát hiện, điều trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm.
Bệnh có thể được dự phòng bằng vắc xin cúm, do đó, Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM khuyến cáo mọi người dân, đặc biệt là những người có tiền sử bệnh mãn tính nên đi tiêm ngừa bệnh cúm để phòng bệnh mỗi năm. Bên cạnh đó, thường xuyên thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân như: che miệng mũi khi ho, hắt hơi; rửa tay bằng nước sạch và xà phòng sau khi ho, hắt hơi; sau khi tiếp xúc hoặc chăm sóc người bệnh.
Khi có các triệu chứng sốt, ho, đau họng cần sớm đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Ngoài ra, khi có dấu hiệu cúm nên hạn chế tới nơi đông người tránh lây lan cho người khác.
(CAO) Bệnh nhân sốt cao 5 ngày, đau nhức toàn thân, khó thở, nhập viện trong tình trạng suy hô hấp cấp. Kết quả chẩn đoán dương tính với cúm A H1N1 (cúm heo).