(CAO) Đây là lần đầu tiên ngành bảo hiểm xã hội tổ chức đối thoại để lắng nghe những ý kiến của các đơn vị khám chữa bệnh ngoài công lập về việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế. Các cơ sở y tế tư nhân được dịp "trút nỗi lòng" một cách thẳng thắn.
Tại buổi Đối thoại chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam diễn ra tại TP.HCM hôm 3-7, đại diện các cơ sở y tế tư nhân cho rằng, các chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) hiện tại vẫn còn gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho việc thực thi BHYT ở cơ sở y tế nói chung và y tế tư nhân nói riêng.
Đây là lần đầu tiên, ngành bảo hiểm xã hội tổ chức đối thoại để lắng nghe những ý kiến của các đơn vị khám chữa bệnh ngoài công lập về việc thực hiện chính sách BHYT.
Lần đầu tiên, ngành bảo hiểm xã hội tổ chức đối thoại để lắng nghe những ý kiến của các đơn vị khám chữa bệnh ngoài công lập về việc thực hiện chính sách BHYT. Ảnh: NĐ
Theo ông Vũ Xuân Bằng, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHXH Việt Nam), số lượng cơ sở tư nhân ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT ngày càng tăng và góp phần không nhỏ vào công tác chăm sóc sức khoẻ toàn dân.
Năm 2015, cả nước có 365 cơ sở ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, trong đó phòng khám là 210 cơ sở, bệnh viện tư nhân là 155 (được xếp tương đương bệnh viện hạng 2).
Đến năm 2017, con số này đã là 444 cơ sở, trong đó phòng khám là 292, bệnh viện là 152 (71 bệnh viện tương đương hạng 2, 81 bệnh viện tương đương hạng 3). Hầu hết các tỉnh, thành phố đều có cơ sở khám chữa bệnh tư nhân thực hiện khám chữa bệnh BHYT.
Số tiền khám chữa bệnh BHYT năm 2017 cũng có dấu hiệu tăng khi trong Quý I/2017 số lượt khám chữa bệnh là 4.226.854 lượt và chi phí khám chữa bệnh BHYT là 1.591 tỷ đồng, ước thực hiện cả năm 2017 số lượt khám chữa bệnh BHYT trên 21 triệu lượt tăng trên 30% so với năm 2016 và số tiến ước chi sẽ tăng gần 20% so với năm 2016.
Theo ông Vũ Xuân Bằng, việc phát triển nhiều cơ sở khám chữa bệnh tư nhân thực hiện khám chữa bệnh BHYT ngoài giảm tải cho các cơ sở khám chữa bệnh công lập, còn tạo môi trường cạnh tranh giữa cơ sở KCB công lập và tư nhân dẫn đến chất lượng phục vụ người bệnh tốt hơn, giá cả dịch vụ vật tư y tế hợp lý hơn, đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh đa dạng của người bệnh.
Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở y tế tư nhân chưa thực hiện đúng các quy định trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế mà Bộ Y tế yêu cầu, như thực hiện dịch vụ kỹ thuật vượt định mức, vượt thời gian quy định; đề nghị xin được xuống hạng bệnh viện mặc dù quy mô, nhân lực không thay đổi; sử dụng bác sĩ chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh; bác sĩ tại cơ sở công lập khám chữa bệnh tại cơ sở y tế tư nhân vượt quá 200 giờ/năm; không thông báo và phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội trong việc mua, đấu thầu thuốc, vật tư thiết bị y tế; sử dụng biệt dược gốc tỷ lệ cao…
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đối thoại thẳng thắn với các cơ sở y tế tư nhân. Ảnh: NĐ
Ở chiều ngược lại, đại diện của các cơ sở y tế tư nhân lại cho rằng, việc thực hiện chính sách BHYT vẫn còn nhiều bất cập. Điển hình đó là Bộ Y tế chưa ban hành được thông tư quy định tiêu chí và xếp hạng bệnh viện cho các bệnh viện KCB ngoài công lập, dẫn đến tình trạng vướng mắc trong việc áp giá thanh toán chi phí KCB BHYT, xác định tuyến KCB BHYT…
Bên cạnh đó, một số văn bản quy định về khám chữa bệnh của Bộ Y tế chậm được sửa đổi, bổ sung như Quy chế bệnh viện,...dẫn đến một số khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh nói chung và tại cơ sở khám chữa bệnh tư nhân nói riêng chậm được giải quyết.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng chưa ban hành đầy đủ các quy trình chuyên môn kỹ thuật, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị chuẩn... dẫn đến các vướng mắc trong quá trình giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đặc biệt là liên quan đến chỉ định điều trị và thực hiện các quy trình chuyên môn kỹ thuật.
Ghi nhận ý kiến của các đại biểu, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết sẽ kiểm tra, thẩm định lại cũng như đề xuất giải pháp để có sự điều chỉnh hợp lý trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Ảnh: NĐ
Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ phối hợp với Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong việc thực thi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ sở y tế công lập lẫn ngoài công lập thực hiện việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đảm bảo mọi quyền lợi cho người bệnh.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Y tế tư nhân kiến nghị đơn vị Bảo hiểm xã hội cần có chính sách công bằng với các cơ sở y tế tư nhân; đồng thời thống nhất, đồng bộ trong việc thực thi chính sách về bảo hiểm y tế giữa các địa phương trên cả nước, tránh tình trạng địa phương này áp dụng theo Thông tư này, địa phương khác lại áp dụng theo Nghị định khác.
(CAO) Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, y tế cơ sở là gốc trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân.