Đừng chủ quan với sốt xuất huyết, con bạn có thể tử vong vì bệnh này

Thứ Sáu, 30/06/2017 11:55  | Ngô Đồng

|

(CAO) Sốt xuất huyết là bệnh có thể điều trị tại nhà, tuy nhiên, nếu chủ quan bệnh có thể diễn tiến nặng đến tình trạng sốc nặng, dễ dẫn đến suy tim, suy gan, suy thận; nguy hiểm hơn, có thể khiến trẻ tử vong.

Theo TS BS Ngô Ngọc Quang Minh, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp BV Nhi Đồng 1, miền Nam đang vào mùa mưa do đó bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em cũng đang vào giai đoạn nở rộ. Số lượng trẻ nhập viện tại BV Nhi Đồng 1 đang có chiều hướng tăng nhẹ so với các tuần trước đó.

"Trước đó, trung bình mỗi tuần BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận khoảng 50 - 60 bệnh nhân nhập viện thì từ đầu tháng 6 đến nay, số ca nhập viện đã lên khoảng 70 bệnh nhân mỗi tuần. Cụ thể, tuần vừa qua có 72 ca nhập viện. Trong số những ca nhập viện, 60% số ca là từ các tỉnh thành khác chuyển lên, trong đó có 10% số ca nặng", BS Minh cho biết.

TS BS Ngô Ngọc Quang Minh, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp BV Nhi Đồng 1. Ảnh: NĐ

TS BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết BV Nhi Đồng 1 cho biết thêm, hiện tại, ở khoa Sốt xuất huyết BV Nhi Đồng 1 đang điều trị 116 em, trong đó có 9 trường hợp sốc sốt xuất huyết. Các trường hợp bị sốc sốt xuất huyết đang điều trị tại bệnh viện có nhiều trường hợp phải thở máy. Đây là những trẻ bị thất thoát huyết tương nặng, giảm thể tích tuần hoàn dẫn đến bị sốc.

Phần lớn những trường hợp bị sốc sốt xuất huyết là do đến trễ hoặc có cơ địa đặc biệt và mắc các bệnh nền như: tim, gan, thận, phổi… gây nên tính trạng sốc kéo dài và có những biến chứng nặng.

Trong số những ca nhập viện, 60% số ca là từ các tỉnh thành khác chuyển lên, trong đó có 10% số ca nặng. Ảnh: NĐ

Theo TS BS Nguyễn Minh Tuấn, bệnh sốt xuất huyết không thể xem thường, tuy nhiên, hiện nay nhiều người dân vẫn còn thiếu kiến thức trong việc phát hiện bệnh cũng như chủ quan trong điều trị sốt xuất huyết.

Để biết trẻ có bị sốt xuất huyết hay không, bác sĩ Tuấn cho biết khi trẻ đang khỏe mạnh bình thường mà bị sốt cao đột ngột từ ngày thứ 2 trở lên thì có thể đây là trường hợp sốt xuất huyết, cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế địa phương để kiểm tra.

TS BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết BV Nhi Đồng 1. Ảnh: NĐ

“Trong quá trình chăm sóc trẻ mắc sốt xuất huyết tại nhà, phụ huynh lưu ý bổ sung đủ chất dinh dưỡng, cho trẻ ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước bù dịch, hạ sốt cho trẻ. Cần theo dõi phát hiện các dấu hiệu sớm để đưa con em mình đến cơ sở y tế kịp thời. Đó là nếu thấy trẻ sốt cao trên 2 ngày, có biểu hiện quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì, đau bụng, chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen, tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống,... thì cần phải đưa trẻ ngay vào bệnh viện, tránh chậm trễ khiến trẻ có thể bị sốc sốt xuất huyết”, bác sĩ Tuấn khuyến cáo.

Nhiều trẻ mắc sốt xuất huyết biến chứng nặng, suy đa cơ quan, đặc biệt là suy gan, suy thận, trẻ phải lọc máu, thở máy,... Nguy hiểm hơn, trẻ có thể tử vong.

Sốt xuất huyết có thể diễn tiến nặng khiến trẻ tử vong nếu chủ quan. Ảnh: NĐ
Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em cũng đang vào giai đoạn nở rộ. Ảnh: NĐ

Từ đầu năm đến nay, BV Nhi Đồng 1 ghi nhận 2 trường hợp tử vong, 1 ca vào tháng 3 và 1 ca vào tháng 5. Cả 2 đều là bệnh nhi bị sốt xuất huyết nặng từ tuyến tỉnh chuyển đến.

Trước tình hình trên, TS BS Ngô Ngọc Quang Minh, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp BV Nhi Đồng 1 cho hay, BV đã triển trai các phương án để có thể đối phó với tình trạng bệnh nhi mắc sốt xuất huyết ồ ạt nhập viện trong những tháng cao điểm của bệnh sốt xuất huyết. Hiện bệnh viện đã chuẩn bị các loại thuốc, dịch truyền, máu, máy thở, máy lọc máu cũng như nhân sự sẵn sàng phục vụ cho công tác điều trị bệnh sốt xuất huyết.

BV Nhi Đồng 1 đã triển trai các phương án để có thể đối phó với tình trạng bệnh nhi mắc sốt xuất huyết ồ ạt nhập viện. Ảnh: NĐ

Bệnh viện cũng đã tổ chức tập huấn cho các bác sĩ, điều dưỡng về công tác chẩn đoán và điều trị; các bác sĩ ở những khoa bệnh nặng (hồi sức, sốt xuất huyết..) còn được tập huấn chuyên sâu để xử lý những trường hợp bệnh nhân nặng.

Hiện BV đã thành lập 5 đội cơ động sốt xuất huyết, mỗi đội có 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng. Lực lượng cơ động này ngoài xử lý các trường hợp sốt xuất huyết tại bệnh viện còn đến các bệnh viện quận, huyện để xử lý khi có yêu cầu.

Bệnh Sốt xuất huyết lây truyền qua trung gian muỗi vằn, do đó, phụ huynh cần cho trẻ ngủ mùng, diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng tránh bệnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang