(CAO) Sáng 13-5, tại Quận 8, Sở Y tế TP.HCM tổ chức “Chiến dịch phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, bệnh do vi rút Zika và hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ 7 năm 2017”.
Đây là một trong những hoạt động nhằm nâng cao ý thức cộng đồng và tăng cường sự phối hợp của các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika.
Phát biểu tại lễ phát động, GS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, bệnh Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm được biết đến từ nhiều năm nay, rất phổ biến ở các quốc gia vùng nhiệt đới. Bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời; và là gánh nặng cho sức khỏe cũng như kinh tế đối với các quốc gia này.
Bệnh Sốt xuất huyết lây truyền qua trung gian muỗi vằn – loại muỗi lưu hành tại vùng nhiệt đới và gắn liền với đời sống dân cư đô thị. Cùng đường lây truyền với bệnh Sốt xuất huyêt là bệnh do vi rút Zika cũng đang là mối quan tâm lớn của nhiều quốc gia trên thế giới vì nguy cơ gây ra dị tật thai nhi khi người mẹ bị nhiễm vi rút Zika trong thai kỳ.
TP.HCM có khí hậu nóng ẩm, mật độ dân số cao và di biến động lớn nên thuận lợi cho sự lây lan cả 2 bệnh sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika. Trong năm 2016, TP.HCM có khoảng 18.000 người nhập viện vì Sốt xuất huyết, tương đương năm 2015 và phát hiện 190 bệnh nhân nhiễm vi rút Zika. Trong năm qua, thành phố cũng đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, đã khống chế được sự bùng phát của dịch bệnh do vi rút Zika và Sốt xuất huyết.
Trong 4 tháng đầu năm 2017, thành phố đã phát hiện 20 trường hợp nhiễm vi rút Zika và hơn 6.000 trường hợp Sốt xuất huyết (có giảm nhẹ 4% so cùng kỳ năm 2016).
Làm sạch nơi mình làm việc, nơi sinh sống, không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng; từ đó phòng ngừa dịch bệnh sốt xuất huyết, bệnh do zirus Zika và các bệnh lây truyền qua muỗi
"Với diễn biến thông thường của mùa dịch Sốt xuất huyết hàng năm, khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 là giai đoạn cuối mùa khô, cũng là lúc số ca bệnh giảm thấp nhất trong năm. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay đã xuất hiện nhiều cơn mưa nặng hạt, dai dẳng nên dự báo số ca bệnh Sốt xuất huyết trong mùa khô sẽ không giảm nhiều như những năm trước và như vậy, nguy cơ dịch bệnh Sốt xuất huyết năm 2017 có khả năng cao hơn năm 2016 nếu chúng ta không triển khai những giải pháp phòng, chống quyết liệt, hiệu quả ngay từ bây giờ", GS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh nhận định.
Năm nay, chiến dịch được phát động sớm hơn những năm trước 1 tháng nhằm chủ động đáp ứng với diễn biến phức tạp của thời tiết như mưa xuất hiện sớm xen kẽ nắng nóng là những yếu tố thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Đây là đợt hoạt động cao điểm nhằm tuyên truyền người dân loại bỏ các vật dụng có thể gây đọng (chứa) nước, xóa các điểm nguy cơ, giảm nguồn sinh sản của muỗi trên toàn thành phố ngay từ đầu mùa mưa, ngăn chặn sự gia tăng và phát triển của đàn muỗi truyền bệnh khi mùa mưa đến.
Một trong những nội dung chiến dịch tập trung thực hiện là vận động mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, mỗi cơ quan, công ty, xí nghiệp, đơn vị sản xuất, trên toàn thành phố dành 10 – 15 phút mỗi tuần để tự làm sạch nơi mình làm việc, nơi sinh sống, không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng; từ đó phòng ngừa dịch bệnh sốt xuất huyết, bệnh do zirus Zika và các bệnh lây truyền qua muỗi.
Sở Y tế TP.HCM nhận định, qua 6 lần tổ chức hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết hàng năm, ngành y tế ghi nhận ý thức của người dân cũng đã có nhiều sự chuyển biến rõ rệt, trong đó người dân quan tâm nhiều hơn về vệ sinh môi trường và trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình trong việc phòng chống sốt xuất huyết và các bệnh do muỗi truyền.
Tuy nhiên, các cá nhân, tổ chức cố tình không xử lý các điểm nguy cơ trong khu vực mình quản lý, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Sở Y tế cho rằng, việc đẩy mạnh xử phạt được xem là một giải pháp quan trọng để nâng cao ý thức của cộng đồng trong công tác phòng chống dịch tại TP.HCM.
Sở Y tế TP.HCM cũng mong rằng các cơ quan truyền thông, báo chí luôn đồng hành với ngành Y tế trong việc truyền thông về các biện pháp phòng bệnh SXH và bệnh do vi rút Zika; thông tin Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm về các hành vi vi phạm hành chính trong phòng chống dịch bệnh đối với những tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế hoặc Ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương.
(CAO) Ngày 5-12, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức họp khẩn cùng với Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm trên địa bàn để triển khai công tác chỉ đạo phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika gây ra sau khi phát hiện một trường hợp dương tính với vi rút này.