TP.HCM: Hai bà bầu nhiễm Zika đã chấm dứt thai kì

Thứ Tư, 30/11/2016 08:55  | Ngô Đồng

|

(CAO) Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, tính đến ngày 29-11, số người mắc Zika trên địa bàn TP.HCM đã tăng lên 85 ca với 19/24 quận huyện có ca bệnh. Trong đó có 2 thai phụ đã chấm dứt thai kì.

Để chủ động thực hiện các phương án phòng chống bệnh do virus Zika gây ra, Hội đồng Nhân dân thành phố đã khảo sát thực tế tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Từ Dũ và làm việc với các chuyên gia ngành Sản – Nhi ngày 29-11.

Tại BV Nhi Đồng 1, BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc bệnh viện cho hay, hiện bệnh viện chưa tiếp nhận bệnh nhi nào bị nhiễm Zika. Tuy nhiên, để chủ động sàng lọc bệnh nhi, bệnh viện cũng đã xây dựng quy trình xử trí sơ sinh có tật đầu nhỏ nghi ngờ do Zika.

Zika lan nhanh ở Sài Gòn, bà bầu đừng quá run!
 

Theo đó, tất cả sơ sinh nhập viện đều được đo vòng đầu. Khi phát hiện trẻ nghi ngờ tật đầu nhỏ, BV sẽ thông báo Viện Pasteur và Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM để tiến hành xét nghiệm mẹ.

Trong trường hợp mẹ nhiễm Zika, sẽ tiến hành xét nghiệm máu và nước tiểu của trẻ sơ sinh. Khi ổn định, trẻ sẽ được khám thính lực và đánh giá sự phát triển tâm thần vận động.

Tại BV Từ Dũ, theo BS Phạm Thanh Hải, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Từ Dũ, hiện bệnh viện đang theo dõi, quản lý 9 trường hợp mang thai nhiễm Zika; trong đó có 1 thai phụ sảy thai tự nhiên; 1 thai phụ chủ động xin bỏ thai một phần do mẹ nhiễm Zika, một phần do mang thai ngoài ý muốn. Các trường hợp còn lại cũng đang được theo dõi.

Riêng có một trường hợp thai phụ mắc Zika vừa sinh, cháu bé có dấu hiệu chậm phát triển, ngành y tế đang tiếp tục theo dõi để có hướng chăm sóc phù hợp. Dù chưa có kết luận cụ thể, song tình trạng chậm tăng trưởng ở bệnh nhi bước đầu được xác định xảy ra trước thời điểm người mẹ bị nhiễm Zika.

Các bệnh viện phụ sản, khoa sản của các bệnh viện cần tư vấn kỹ cho thai phụ tránh tình trạng thai phụ đổ xô đi xét nghiệm. Ảnh minh họa

Bác sĩ Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ cho biết, thời gian qua số lượng thai phụ yêu cầu tư vấn, xét nghiệm tăng đột biến do quá hoang mang, lo lắng. Điều này đã gây áp lực không nhỏ cho các bác sĩ và bệnh viện. Thậm chí có một số thai phụ yêu cầu tự trả chi phí để được xét nghiệm mặc dù không có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm Zika.

Tuy nhiên, bác sĩ Thanh cho rằng, với phụ nữ mang thai, virus Zika chưa chắc đã nguy hiểm bằng các loại bệnh khác như rubella, sốt xuất huyết. Trong hơn 26.000 thai phụ đến khám trong tháng 10, chỉ có 6 thai phụ hội đủ các yếu tố để xét nghiệm Zika và trong đó chỉ có 1 người được xác định là có bệnh.

Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa Xã hội, Hội đồng Nhân Dân TP.HCM cho biết, Zika là dịch bệnh mới nổi, trước mắt thành phố sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí phí xét nghiệm, điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm đến khi Zika được xem như bệnh truyền nhiễm thông thường. Bà Nhung yêu cầu các bệnh viện phụ sản, khoa sản của các bệnh viện cần tư vấn kỹ cho thai phụ tránh tình trạng thai phụ đổ xô đi xét nghiệm, giảm áp lực cho bác sĩ và bệnh viện. Đồng thời các bệnh viện cũng cần tư vấn cho cả người thân trong gia đình có thai phụ nhiễm virus Zika.

Chia sẻ về tâm lý hoang mang lo lắng của các thai phụ, BS Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho rằng, nhiều thai phụ chưa hiểu đúng về bệnh Zika. Nguy cơ virus Zika lây từ mẹ sang con không cao, vì vậy người mẹ mắc Zika nhưng thai nhi có thể không nhiễm. Mặt khác, thai nhi mắc Zika chưa chắc đã mắc tật đầu nhỏ. Do đó, chị em phụ nữ đang mang thai hoặc trong độ tuổi sinh đẻ không nên lo lắng về căn bệnh này.

Đường lây truyền virus Zika từ người sang người có thể qua muỗi đốt, từ mẹ sang con trong quá trình mang thai, qua đường sinh dục, truyền máu hay phơi nhiễm trong phòng thí nghiệm hoặc cơ sở điều trị bệnh. Tuy nhiên, đường lây truyền phổ biến nhất là do muỗi đốt. Do đó, cách phòng ngừa hiệu quả nhất là người dân dọn dẹp, chà rửa sạch sẽ các vật dụng có chứa nước để diệt lăng quăng và muỗi.

Bình luận (0)

Lên đầu trang