Hơn 400 tăng ni, Phật tử đăng kí hiến tặng mô tạng cứu người

Thứ Hai, 28/11/2016 00:34  | Ngô Đồng

|

(CAO) Chiều tối 27-11, tại chùa Giác Ngộ TP.HCM, hơn 400 tăng ni, Phật tử đã đăng kí hiến mô tạng để cứu người và hiến xác cho y học khi chẳng may qua đời. Đây là việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Chương trình do Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế) phối hợp với Ban trị sự chùa Giác Ngộ TP.HCM tổ chức.

Theo Thượng tọa Tiến sĩ Thích Nhật Từ, Trụ trì chùa Giác Ngộ, Lễ đăng ký hiến tặng mô, tạng và hiến xác tại Chùa Giác Ngộ là chương trình tuyên truyền, vận động và tiếp nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng đầu tiên được tổ chức với hình thức sinh hoạt Phật giáo cho các tầng lớp nhân dân, tăng ni, phật tử.

7 người được cứu từ tạng của hai người chết
 

Buổi Lễ vừa là nơi giao lưu, chia sẻ của những tấm lòng vàng đã hiến máu, đăng ký hiến xác, giác mạc sau khi chết; vừa là nơi các tầng lớp nhân dân, tăng ni, phật tử có thể giãi bày những thắc mắc của mình xung quanh vấn đề hiến tặng mô, tạng cho y học và được các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành, các bậc tu hành trả lời.

Đông đảo tăng ni, Phật tử đang tu tập tại chùa tại Chùa đã tình nguyện đăng kí hiến mô tạng và hiến xác. Ảnh: NĐ

Tại buổi lễ, đã có 427 tăng ni, Phật tử đang tu tập tại chùa tại Chùa đã tình nguyện đăng kí hiến mô tạng và hiến xác khi chẳng may qua đời và được cấp thẻ hiến tạng ngay tại buổi lễ.

Thẻ đăng kí hiến mô tạng được cấp cho người đăng ký. Ảnh: NĐ

Thượng tọa Tiến sĩ Thích Nhật Từ chia sẻ: "Quan niệm chết không toàn thây, hay hiến tặng mô tạng thì khi chuyển kiếp sẽ không toàn thân là một qua niệm hết sức sai lầm. Thật ra, chết là trở về với cát bụi, do đó, khi chẳng may qua đời mà cơ thể mình có thể dùng để cứu sống một người khác thì cuộc đời chúng ta càng có ý nghĩa hơn".

Thượng tọa Tiến sĩ Thích Nhật Từ chia sẻ ý nghĩa nhân văn của việc hiến tặng mô tạng. Ảnh: NĐ

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế) chia sẻ: "Một người chết não hiến tạng có thể cứu 10 người. Vận động, kêu gọi mọi người tự nguyện hiến mô, tạng là một trong những cách nhân đạo, mang ý nghĩa nhân văn. Không phân biệt người già trẻ, giới tính, ai cũng có thể làm việc thiện này. Tuy nhiên, quyền quyết định đăng kí hiến tạng là quyền của mỗi người, nhưng nếu mỗi người vận động, chia sẻ với gia đình thì việc làm nhân văn này sẽ ngày càng được nhân rộng, nhiều người sẽ được cứu sống hơn".

Tính đến ngày 15-6-2016, cả nước đã thực hiện được 1.281 ca ghép thận, 54 ca ghép gan, 16 ca ghép tim, 8 ca ghép tủy, 1 ca ghép khối thận - tụy, 1 ca ghép khối tim - phổi. Hiện ngành y tế có 16 cơ sở ghép tạng được cấp phép hoạt động, có trang thiết bị hiện đại, trình độ đã tiếp cận được với quốc tế.

Theo thống kê của Bộ Y tế, nhu cầu ghép mô, tạng hiện nay ở Việt Nam là rất lớn và đang gia tăng nhanh chóng. Theo thống kê sơ bộ, có hơn 6.000 người bị suy thận mãn đang cần được ghép, trên 1.500 người có chỉ định ghép gan (chỉ tính riêng tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội), khoảng 300.000 người bị mù do các bệnh lý giác mạc và trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc; hàng trăm người đang chờ được ghép tim, phổi.

Tại buổi lễ, đã có 427 tăng ni, Phật tử đang tu tập tại chùa tại Chùa đã tình nguyện đăng kí hiến mô tạng. Ảnh: NĐ

Nhiều bệnh nhân đã phải chết trong thời gian chờ ghép trong khi nguồn mô, tạng từ hàng chục ngàn ca chết não, chết ngưng tim vì tai nạn giao thông và các trường hợp tử vong khác đã không được sử dụng để cứu chữa người bệnh là một sự lãng phí lớn và đang đặt ra cho chúng ta nhiều trăn trở.

Mặc dù nhu cầu ghép mô, tạng ở nước ta là rất lớn, nhưng quy mô cung cấp còn rất nhỏ bé, mà nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của người dân về hiến tặng mô, tạng còn nhiều bất cập. Đặc biệt việc tuyên truyền về hiến mô, tạng sau khi chết, chết não còn nhiều hạn chế, chưa đến được với đông đảo người dân.

Bình luận (0)

Lên đầu trang