Nghe bác sĩ tâm lý kể chuyện khám phá tâm bệnh, chữa không dùng thuốc

Thứ Ba, 09/05/2017 07:24  | Ngô Đồng

|

(CAO) Áp lực với sự kỳ vọng của gia đình, nữ sinh viên rơi vào trầm cảm; cộng thêm từng bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ khiến cô gái trẻ nhiều lúc muốn nhảy lầu tự tử chết quách cho xong...

"Mẹ ơi! Đừng quá kỳ vọng vào con"

Tìm đến Khoa tâm lý lâm sàng BV Quận 2 TP.HCM cầu cứu bác sĩ tâm lý trong tâm trạng hoang mang tột độ là thiếu nữ 21 tuổi, một nữ sinh viên năm 2 đang theo học tại TP.HCM. Cô sinh viên tên Linh, ngồi hàng giờ trong căn phòng nhỏ của Khoa tâm lý bày tỏ nỗi lòng. Tư vấn cho em là Ths Tâm lý Nguyễn Ngọc Diệp, chuyên viên tâm lý Khoa Tâm lý lâm sàng BV Quận 2.

Ths Tâm lý Nguyễn Ngọc Diệp hỏi: "Vì sao em tìm đến đây?", Linh bắt đầu kể, vừa kể em vừa sụt sùi, thỉnh thoảng lại nức nở.

Linh thỏ thẻ: "Em bị cảm thấy áp lực, em cảm thấy tự ti và đã đôi lần muốn nhảy lầu tự tử...".

Linh là con gái một trong một gia đình nông dân ở miền Tây sông nước, ba mẹ đều là nông dân. Cuộc sống tuy có phần khó khăn nhưng Linh vẫn được gia đình lo cho đi học với bao sự kỳ vọng. Cuộc sống sẽ êm ả trôi qua nếu như không có cái ngày định mệnh là ba Linh mắc bệnh nan y.

"Đó là năm em học lớp 7, cha em được chẩn đoán bị ung thư phổi. Ba phải lên thành phố điều trị, mọi gánh nặng gia đình từ đó đổ dồn lên vai mẹ", Linh sụt sùi.

Cũng từ ngày ba Linh bệnh, mẹ phải đi chăm ba ở bệnh viện nên Linh phải chịu cảnh sống một mình ở nhà. Một cô bé mới 14 tuổi nhưng buộc phải sống tự lập một mình, không có ba mẹ bên cạnh. Cũng vì vậy mà em bị lạm dụng tình dục...

"Em rất sợ cảnh ở nhà một mình mỗi khi mẹ đưa ba lên thành phố trị bệnh, nỗi sợ lớn dần trong em nhưng em không dám nói với mẹ", Linh bật khóc.

 Ở Khoa Tâm lý lâm sàng BV Quận 2, thầy thuốc và bệnh nhân có thể ngồi trò chuyện với nhau hàng giờ và khi ra về, bệnh nhân cảm thấy hoàn toàn thoải mái mà không phải dùng bất kỳ loại thuốc nào. Ảnh: NĐ

3 năm sau, ngày Linh vào lớp 10 cũng là ngày ba Linh mất vì bệnh. Từ đó gia đình nội ngoại cũng không nhìn mặt nhau. Linh và mẹ phải dọn về sống bên ngoại. Mẹ Linh làm đủ thứ việc để có tiền lo cho Linh ăn học. "Mẹ rất kỳ vọng vào em, vì giờ mẹ chỉ còn có em là chỗ dựa tinh thần", Linh nói.

Không phụ lòng mẹ, Linh cố gắng học và đỗ vào đại học ở TP.HCM. Những ngày đi học xa mẹ, Linh lại rơi vào trầm cảm, nhớ lại quá khứ đen tối từng bị lạm dụng, Linh buồn chán bỏ ăn, thu mình lại không muốn giao tiếp với ai.

"Em từng nhịn ăn 3-4 ngày, ngất xỉu nhiều lần trong lớp học và đôi lần đã leo lên tầng cao nhất của trường định nhảy xuống nhưng nếu em chết đi rồi thì không biết mẹ em sẽ thế nào...", Linh nấc nghẹn.

Cố gắng học hết năm 2, Linh bỏ học xin đi dạy kèm kiếm tiền nhưng không dám hé răng nói với mẹ. Người mẹ ở quê nhà hiện vẫn đinh ninh con bà đang đi học và sắp tốt nghiệp. Mỗi lần Linh về thăm mẹ, bà đều khoe con bà sắp ra trường rồi, những lúc như vậy Linh càng thấy áp lực và cảm thấy tội lỗi với mẹ. Linh lại nghĩ đến cái chết...

"Em không đủ can đảm để nói với mẹ rằng 'Mẹ ơi! Mẹ đừng quá ỳ vọng ở con'. Bây giờ em không biết phải đối mặt với mẹ như thế nào. Còn cái quá khứ từng bị lạm dụng cũng luôn ám ảnh em...", nước mắt Linh tuôn dài...

Ba mẹ lo kiếm tiền, con làm bạn với chó

Cũng tự tìm đến Khoa Tâm lý lâm sàng BV Quận 2 TP.HCM là cô gái mới 19 tuổi, tên Thu, sinh viên năm nhất. Thu cũng là con gái một, ba làm tài xế, mẹ buôn bán trong chợ.

Cuộc sống sẽ không có gì sóng gió nếu như mẹ Thu không phát hiện ba Thu lén lút quen bồ nhí ở bên ngoài. Sự việc vỡ lỡ, ba mẹ Thu li hôn khi Thu mới học hết lớp 8. Ba Thu cưới vợ khác. Thu về sống với mẹ.

Thiếu vắng tình thương của ba, mẹ lại mải lo kiếm tiền để nuôi sống 2 mẹ con nên khoảng cách giữa 2 mẹ con Thu cũng xa dần. Hằng ngày, ngoài giờ đi học, Thu chỉ biết làm bạn với con chó nuôi nhà.

"Mọi tâm sự buồn vui của em, em chỉ biết kể với chó. Mỗi khi muốn trò chuyện với mẹ thì thấy mẹ đã quá mệt vì công việc nên em không muốn làm phiền, rồi mẹ cũng không thể hiểu và chia sẻ với em nên dần dần em chả biết phải nói với ai ngoài con chó trong nhà...", Thu bộc bạch.

Khi Thu học hết lớp 11 thì con chó, người bạn duy nhất của Thu cũng chết, Thu chẳng còn biết tâm sự với ai. Buồn bã, Thu rơi vào trầm cảm lúc nào mà chính em cũng không biết, mẹ em cũng không hay.

"Em phát hiện bỗng dưng mình có thói quen nhổ tóc mỗi khi buồn. Em lao vào những cuộc tình để khỏa lấp nỗi cô đơn", Thu bật khóc.

Thu kể: "Em đã quan hệ tình dục từ rất sớm, khi còn học phổ thông. Em có rất nhiều bạn trai, nhưng điều đó không thể giúp em vượt qua được nỗi buồn".

Hiện Thu đã vào đại học, thói quen nhổ tóc ngày một tăng dần khiến em hoang mang, nên tự tìm đến bác sĩ tâm lý cầu cứu.

Lời khuyên của chuyên viên tâm lý

Ths Tâm lý Nguyễn Ngọc Diệp, chuyên viên tâm lý Khoa Tâm lý lâm sàng BV Quận 2 chia sẻ, gần 20 năm tư vấn tâm lý, chị đã tiếp xúc với không biết bao nhiêu bệnh nhân, già có, trẻ nhỏ cũng có nhưng phổ biến là độ tuổi vị thành niên; trong đó không ít trường hợp là sinh viên.

Ths Tâm lý Nguyễn Ngọc Diệp, chuyên viên tâm lý Khoa Tâm lý lâm sàng BV Quận 2. Ảnh: NĐ

“Riêng tại Khoa tâm lý lâm sàng BV Quận 2, bệnh nhân của Khoa cũng khá đa dạng, có trẻ chỉ mới 3 tuổi, nhưng cũng có cụ 86 tuổi. Bệnh nhân tìm đến Khoa tâm lý lâm sàng với nhiều lý do khác nhau, như áp lực gia đình, cuộc sống gia đình không hạnh phúc, áp lực trong học tập, áp lực tìm việc,... Điều đáng quan tâm là trong số những bệnh nhân trẻ tuổi, không ít người tìm đến Khoa vì lý lâm sàng vì từng bị lạm dụng tình dục, có thiếu nữ từng bị lạm dụng đến 3 lần”, ThS Diệp cho biết.

"Ở đây, bệnh nhân được xem là 'thân chủ'. Quá trình điều trị, chuyên viên tâm lý sẽ giúp họ bộc lộ cảm xúc, đào sâu những câu chuyện của họ từ hồi nhỏ. Rà soát xem trước đó cuộc sống của họ có biến cố gì, giúp họ hiểu rõ vấn đề của mình và đồng hành cùng họ để giải quyết tận gốc vấn đề.

Thông thường, khi tiếp xúc thân chủ, chúng tôi không mặc áo blouse trắng mà mặc thường phục để giảm áp lực cho họ, lắng nghe và trò chuyện cùng họ khoảng 1 giờ. Tuy nhiên, có những người chúng tôi phải ngồi suốt 2 - 4 giờ và chúng tôi phải tranh thủ hỗ trợ thân chủ một cách tốt nhất, vì có thể họ sẽ không quay lại nữa...”, Ths Nguyễn Ngọc Diệp chia sẻ.

"Có trường hợp, tôi phải tốc ký đến 7-8 trang giấy mới hết vấn đề mà thân chủ muốn bày tỏ”, ThS Diệp nói.

Thông thường, khi tiếp xúc người bệnh này, các bác sĩ không mặc áo blouse trắng mà mặc thường phục để giảm áp lực cho người bệnh. Ảnh: NĐ

Nhiều trường hợp sau khi tìm hiểu nguyên nhân, bác sĩ phát hiện vấn đề tâm lý của bệnh nhân xuất phát từ các mối quan hệ trong gia đình. Do đó, ngoài điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ gần như phải ‘điều trị’ cho cả người thân của họ nhằm cải thiện tận gốc vấn đề.

Ths Diệp chia sẻ: "Việc điều trị tâm lý cho người bệnh là rất khó, vì không có một phác đồ chung nào dành cho những bệnh nhân này. Có bệnh nhân chỉ cần một cuộc trò chuyện là đã cởi mở tâm tư, suy nghĩ tích cực hơn, nhưng cũng có người phải tham vấn 7-8 buổi, như trường hợp nữ sinh viên Thu".

Áp lực trong cuộc sống là điều không tránh khỏi, có người vượt qua stress, sang chấn tâm lý một cách dễ dàng. Nhưng có người triền miên đau khổ, áp lực, dồn nén lâu ngày trở thành trầm cảm, tâm bệnh.

Đáng buồn là số người trẻ bị các vấn đề về tâm lý như rối loạn lo âu, rối loạn tâm lý sau sang chấn chiếm một số lượng không nhỏ. Ngoài ra, có những trường hợp nặng như rối loạn tâm ý kèm biểu hiện tâm thần, rối loạn cưỡng chế,... Từ những trường hợp trên, BS Diệp kêu gọi phụ huynh nên gần gũi, trò chuyện với con em mình trên tinh thần cởi mở, phù hợp với lứa tuổi của con. Đặc biệt, khi con ở độ tuổi dậy thì, tâm sinh lý thay đổi thì rất cần có người chia sẻ. Do đó, ba mẹ hãy quan tâm, dành thời gian trò chuyện với con cái, hãy là chỗ dựa tinh thần để con cái có thể bộc lộ cảm xúc, tâm tư. Bởi khi không biết thổ lộ cùng ai, con cái sẽ dần thu mình lại, lâu dần sẽ rơi vào tâm bệnh.

Khi thấy người thân có biểu hiện bất thường như hay buồn rầu, mất hứng thú trong các hoạt động hằng ngày, mất hi vọng, rối loạn giấc ngủ, thay đổi cảm giác ăn uống, sút cân, mệt mỏi, giảm sinh lực; cảm thấy mình vô dụng, bận tâm suy nghĩ nhiều đến cái chết hoặc tự sát... thì nên tìm cách khơi gợi để họ thổ lộ và nên đưa đi khám để được tư vấn.

* Ghi theo lời kể của chuyên viên tâm lý

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Khám phá tâm bệnh, chữa không dùng thuốc

BV quận 2 TP.HCM được xem là nơi đầu tiên cả nước có mô hình phòng khám thuộc khoa Tâm lý học lâm sàng, áp dụng biện pháp tâm lý trị liệu hoàn toàn không dùng thuốc.

Ở đây, thầy thuốc và bệnh nhân có thể ngồi trò chuyện với nhau hàng giờ và khi ra về, bệnh nhân cảm thấy hoàn toàn thoải mái mà không phải dùng bất kỳ loại thuốc nào.

Theo bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Quận 2, mặc dù gặp nhiều khó khăn ở những bước đi đầu, nhưng BV sẽ luôn nỗ lực cải thiện nhằm mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm. Việc điều trị cho người bệnh không chỉ dừng lại ở điều trị bệnh mà cần quan tâm đến yếu tố tâm lý, xã hội để chữa trị một cách toàn diện. BV Quận 2 đã và đang mở rộng phòng khám này, xem đây như một trung tâm để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân nội trú và khám ngoại trú.

Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Quận 2. Ảnh: NĐ

Theo TS Lê Minh Thuận, giảng viên Đại học Y Dược TPHCM, Trưởng khoa Tâm lý học lâm sàng BV Quận 2, thực tế hiện nay các bệnh viện chú trọng điều trị bệnh thực thể hơn và thường bỏ qua các vấn đề tâm lý. Trong khi đó, tâm lý chiếm trọn cuộc sống con người, nếu bỏ qua khía cạnh này, việc điều trị có thể không thành công. Do vậy, Ban giám đốc Bệnh viện quận 2 đã tâm huyết xây dựng khoa Tâm lý lâm sàng nhằm mục đích giúp bệnh nhân giải tỏa gánh nặng tâm lý với quan điểm: “Tâm bệnh quan trọng như thân bệnh”.

Nghe bác sĩ chuyên khoa tâm thần kể chuyện bệnh nhân chán sống, muốn giết người
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang