Bình Định:

Ngư dân 'kêu trời' tố tàu vỏ thép không đạt chất lượng

Thứ Sáu, 05/05/2017 12:07  | Bình Lê

|

(CAO) Thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, nhiều ngư dân tỉnh Bình Định mạnh dạn vay vốn đóng tàu vỏ thép để thực hiện ước mơ làm giàu trên ngư trường. Thế nhưng không ít ngư dân ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát lại lâm vào cảnh khó khăn, nờ nần đành để tàu nằm chờ tại cảng cá Đề Gi suốt thời gian dài.

Cảng cá Đề Gi thuộc xã Cát Khánh, huyện Phù Cát (Bình Định) là nơi mua bán hải sản, tránh trú bão của hàng trăm tàu, thuyền lớn nhỏ tại địa phương và các vùng phụ cận. Nhiều tháng nay hơn 10 tàu vỏ thép đậu bến cảng này nằm chờ với nhiều lý do mà theo các chủ tàu là do: máy hỏng, lưới cụ rách, hỏng, tàu không bảo đảm thông số kỹ thuật phục vụ khai thác, giao thương ngư trường, tàu không thể đi ra khơi xa, ngư dân làm ăn thua lỗ chán nản bỏ tàu đậu bến mà không biết khi nào họ mới tiếp tục đưa tàu vươn khơi.

Ông Nguyễn Công Quí (SN 1971) ở thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh, chủ tàu vỏ thép mang BKS BĐ99888TS chia sẻ: “Hiện có khoảng 15 chiếc tàu vỏ thép đang neo đậu tại cảng nằm chờ không hoạt động. Tôi đóng tàu gần 13,8 tỷ đồng trong đó tôi đối ứng 750 triệu, gia đình phải bán một chiếc tàu gỗ để đóng tàu vỏ thép hậu cần nghề cá do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng.

Chiếc tàu của ông Nguyễn Công Quí neo đậu máy tháng nay

Khi đi chuyến biển đầu tiên tôi lỗ gần 500 triệu đồng. Do máy móc cũ nên ra khơi xa tàu bị hư máy đành quay lại bờ nằm chờ sửa chữa. Tôi cũng đã kiến nghị nhiều lần qua ngân hàng, công ty đóng tàu nhưng không được giải quyết. Chưa kể hầm tàu đóng không đạt kỹ thuật nên khi chứa cá là cá bị ươn thúi lúc đưa vào bến. Gia đình tôi có công ty, kho lạnh, xe lạnh, đầy đủ điều kiện thu mua thủy hải sản, thế nhưng tàu không hoạt động thì mọi cái đành ngưng hoạt động. Công ty, kho, xe lạnh không chạy thì thử hỏi tài sản còn gì nữa. Mấy tháng nay lãi ngân hàng gia đình tôi cũng chưa trả được, nợ nần chồng chất. Tôi đang xin chuyển đổi qua cung ứng dầu, mua bán thực phẩm cho bà con để tàu hoạt động, kiếm tiền trả lãi ngân hàng”.

Ông Quý còn cho biết: “Chiếc tàu của ông Thái Văn Diệt mang ký hiệu BĐ99160TS đang đậu bến cảng đầu tư gần 19 tỷ đồng, mới về được mấy tháng đi biển bị hư lưới cụ, hư máy đành quay về nằm đợi tại bến. Mỗi lần đi biển ngư dân thua lỗ tới 300 – 400 trăm triệu nên họ không dám đi biển.

Chủ trương thực hiện theo Nghị định 67 là đúng đắn, chúng tôi nghĩ làm ăn theo hướng đó sẽ thành công. Tuy nhiên khi tàu về giao cho ngư dân không đạt kỹ thuật điều kiện đánh bắt, giao thương ngư trường, máy móc hư, lưới hư đành quay về bờ nằm chờ sửa chữa khiến ngư dân lâm cảnh khó khăn, kiệt quệ, nợ nần”.

Chiếc tàu của ông Thái Văn Diệt cũng trong tình cảnh tương tự

Một ngư dân khác tại cảng cá Đề Gi cho chúng tôi biết thêm: Những chiếc tàu này ra khơi rồi nhưng bị hư đành phải về lại nằm bờ sửa chữa, một chuyến đi biển lỗ phí tổn nên họ đành để tàu ở bến. Những chiếc tàu này đậu mấy tháng nay chưa đi biển vì họ nhắm vay vốn đóng tàu mua bán thủy sản nhưng không có hiệu quả nên một số tàu muốn đổi sang kinh doanh chở dầu”.

Trao đổi với phóng viên ông Trần Châu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định lại thông tin rằng: “Ngư dân phản ánh với phóng viên như vậy là không đúng. Thực chất chỉ có 4 chiếc tàu vỏ thép bị hư máy, lưới cụ hiện Cục Thủy sản đang vào giúp đỡ, số còn lại tàu cập bờ trong thời gian chưa vào mùa đánh bắt.

Ngư dân tự ý đổi máy móc tàu, không chuyển đổi từ lưới mành sang lưới chụp nên Cục Đăng kiểm không chấp nhận cùng đó là một số sai sót từ các công ty đóng tàu chưa sửa chữa kịp thời vì đi lại xa xôi. Tôi cũng chưa nghe ngư dân nào phản ánh như vậy”.

Hai chiếc tàu khác cũng đang neo đậu tại cảng cá không hoạt động mấy tháng nay

Bình luận (0)

Lên đầu trang