Các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết đang cứu chữa cho một đồng nghiệp – là bác sĩ trẻ đang công tác tại khoa Hồi sức tích cực chống độc của Bệnh viện đa khoa Hóc Môn TP.HCM.
Bệnh nhân là bác sĩ Nguyễn Thanh Thái (29 tuổi). Bác sĩ Thái được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng nguy kịch, khi mà cả huyết áp và mạch đều không đo được, suy tim.
BS Nguyễn Mạnh Tuấn, Khoa Hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy cho biết, kết quả ghi nhận ban đầu cho thấy bệnh nhân bị bệnh lý cường giáp làm cơ tim giãn nở.
Khai thác bệnh sử ghi nhận, trước khi nhập viện bệnh nhân có triệu chứng ho, mệt, đánh trống ngực; nhưng bác sĩ Thái nghĩ là do mình làm việc nhiều, ít ngủ nên mới bị mệt. Tình trạng ho, đánh trống ngực kéo dài khoảng 1 tuần nên bác sĩ Thái nhờ chính các đồng nghiệp tại Bệnh viện đa khoa Hóc Môn chụp phim.
Khi phát hiện tim có dấu hiệu to bất thường, bác sĩ Thái được các đồng nghiệp nhanh chóng chuyển viện nhưng vẫn rơi vào tình trạng nguy kịch.
Kết quả chụp Xquang
BS Phạm Minh Huy, BV Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân trở nặng nhanh, suy tim nên được xử trí chạy ECMO (là phương pháp ôxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể trong điều trị hội chứng nguy ngập suy hô hấp cấp và viêm cơ tim cấp. Đây được xem là kĩ thuật cứu cánh cuối cùng cho những ca bệnh nặng). Sau 3 ngày chạy máy ECMO, cơ tim có dấu hiệu phục hồi.
Nguyễn Thanh Thái hiện đang được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: NĐ
BS Huy cho biết, đây cũng là tín hiệu đáng mừng tuy nhiên bệnh nhân Thái vẫn phải đối diện với một nguy cơ khác đó là tình trạng tổn thương não do giảm tưới máu khi tụt huyết áp kéo dài. Ngoài ra, bệnh nhân cũng phải đối mặt với tình trạng nhiễm trùng và viêm phổi nặng.
Hiện tại, bệnh nhân còn lơ mơ, chưa tỉnh,tiếp tục được điều trị kháng sinh. Ảnh: NĐ
BS Nguyễn Mạnh Tuấn, Khoa Hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy cho biết, bệnh lý cường giáp gây ảnh hưởng đến tim nhưng nặng như trường hợp bác sĩ Thái thì rất hiếm.
"Trước khi nhập viện một tuần, bệnh nhân chỉ có dấu hiệu của bệnh cường giáp như: sốt, ho, khó thở, đánh trống ngực… Đây là những dấu hiệu hoàn toàn không điển hình của bệnh cường giáp và rất giống với các bệnh lý thông thường khác. Và bệnh diễn tiến nặng khá nhanh, chỉ trong thời gian ngắn nên khó phát hiện", BS Tuấn nói.
Hiện tại, bệnh nhân còn lơ mơ, chưa tỉnh. Để điều trị cho bệnh nhân, bệnh viện sẽ tiếp tục dùng kháng sinh để điều trị viêm phổi, cường giáp; đồng thời theo dõi, đánh giá chức năng não của bệnh nhân.
Khi biết con trai rơi vào hôn mê, bà Nguyễn Thị Phượng (50 tuổi, mẹ bác sĩ Thái) tức tốc từ Bình Định vào bệnh viện.
Bà Phượng không cầm được nước mắt khi nói về con trai mình, bà Phượng nức nở nói: "Thái là đứa luôn cố gắng phấn đấu, ước mơ từ nhỏ làm bác sĩ để giúp người bệnh. Ước mơ cuối cùng cũng thành sự thật khi Thái là người đầu tiên của xã đỗ đại học ngành bác sĩ, rồi học lên thạc sĩ; nhưng đi làm chưa được bao lâu, chưa giúp được nhiều bệnh nhân như mơ ước thì lại bạo bệnh thế này...".
Khi biết con trai rơi vào hôn mê, bà Nguyễn Thị Phượng (50 tuổi, mẹ bác sĩ Thái) tức tốc từ Bình Định vào bệnh viện. Ảnh: NĐ
Bà Phượng kể, Thái là niềm tự hào của gia đình. Khi còn đi học, luôn cố gắng học thật giỏi. Khi ra trường đi làm, ngoài giờ làm việc tại bệnh viện, Thái còn đi dạy thêm để nuôi em trai đang học đại học và lo cho cha mẹ. Vừa làm vừa học thêm để lấy bằng thạc sĩ.
"Thái luôn phấn đấu để có thật nhiều kiến thức và kinh nghiệm, để chữa được cho thật nhiều bệnh nhân,... vậy mà giờ lại thế này...", bà Phượng quẹt nước mắt nói.
Bà Phượng xúc động thật nhiều khi nói về con trai. Ảnh: NĐ
Những đồng nghiệp đang làm việc tại BV Đa khoa Hóc Môn cũng nhận xét, BS Thái là một bác sĩ tốt, luôn tận tâm với bệnh nhân, sẵn lòng giúp đỡ đồng nghiệp.
Chị Quách Thị Quỳnh Nhi, bạn gái của BS Thái cũng chia sẻ: "Anh Thái là người tận tâm với bệnh nhân. Mỗi khi làm được điều gì khiến bệnh nhân vui, chữa cho bệnh nhân vượt qua được bệnh cảnh là ảnh vui lắm, về hay kể. Bệnh nhân cũng quí ảnh nữa, có người sau khi xuất viện về quê mang lên cho giỏ cam, quả bưởi. Có người cho trái sầu riêng to thật to,... Đó là tấm lòng của bệnh nhân dành cho ảnh, ảnh quí lắm".
Chị Nhi cho biết, chị anh Thái yêu nhau được 8 năm, dự định năm nay sẽ làm đám cưới khi ảnh đã học xong, đi làm ổn định. "Giờ ảnh hôn mê, chỉ biết nguyện cầu cho ảnh vượt qua khỏi bệnh cảnh này...", chị Nhi đượm buồn chia sẻ.
Chị Quách Thị Quỳnh Nhi, bạn gái của BS Thái. Ảnh: NĐ
Chi phí chạy ECMO rất đắt, 100 triệu đồng; chưa kể mỗi ngày còn các chi phí thuốc men khác, khoảng 20 triệu. Dù được BHYT thanh toán một phần, nhưng số tiền điều trị cho BS Thái cũng vượt quá khả năng gia đình.
Mong các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ để gia đình bác sĩ Thái sớm vượt qua giai đoạn bệnh cảnh khó khăn. Mọi đóng góp xin gửi về Phòng công tác Xã hội BV Chợ Rẫy.
(CAO) Một nữ sinh lớp 12, vừa tham dự kỳ thi THPT quốc gia xong, khi đang trèo lên cây hái trái cóc sau vườn thì bất ngờ bị ong đốt phải nhập viện cấp cứu. Tình trạng em hiện đang hôn mê, gia cảnh quá nghèo khó, gia đình định xin về vì không tiền chạy chữa...