(CAO) Trong bối cảnh đang thiếu thuốc điều trị ung thư, BV Truyền máu Huyết học TP.HCM lại phải tiêu hủy gần 20.000 viên thuốc tài trợ Tasgina đặc trị ung thư hết hạn sử dụng.
Theo kết luận của Thanh tra TP.HCM, trong năm 2014 và 2015, BV Truyền máu Huyết học TP.HCM nhận viện trợ, tài trợ bằng thuốc Glivec 100 mg và thuốc Tasigna 200 mg (loại thuốc đặc trị ung thư, được dùng trong điều trị bệnh bạch cầu mãn dòng tủy).
Đây là số thuốc được nhập về dưới hình thức viện trợ phi dự án cho bệnh nhân ung thư có thẻ BHYT, tổng cộng 828.272 viên, trị giá gần 809 tỉ đồng.
Tuy nhiên, do quá trình lập thủ tục xin tiếp nhận lô thuốc viện trợ 34.608 viên Tasigna kéo dài nên dẫn đến BV còn tồn 19.997 viên không sử dụng hết phải hủy bỏ, gây lãng phí thuốc có giá trị lớn lên đến gần 14 tỉ đồng (theo đơn giá tháng 8-2015 là 700.037 đồng/viên).
Nhưng theo giải thích từ phía bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM, tính theo giá của thời điểm năm 2015 và theo giá viện trợ, tổng giá trị lô thuốc này là 3.864.973.830 đồng (gần 4 tỉ đồng) chứ không phải tính theo trị giá thời điểm thanh tra là gần 14 tỉ đồng.
Cũng theo giải thích của BV, sở dĩ thuốc bị hết hạn sử dụng do thời gian hoàn tất các thủ tục hành chính lên tới 12 tháng. Nếu thủ tục được rút ngắn lại, linh hoạt hơn thì sẽ không có việc phải tiêu hủy lượng thuốc lớn điều trị ung thư trong khi người bệnh không có dùng.
Việc bệnh viện để gần 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư hết hạn sử dụng tồn kho trong khi nhiều người bệnh không có tiền để điều trị bởi mỗi viên thuốc này có giá hơn 700.000 đồng, khiến dư luận rất bức xúc
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Y tế vừa có công văn hỏa tốc yêu cầu Sở Y tế TP.HCM báo cáo vụ tiêu hủy 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư do hết hạn sử dụng. Văn bản hoả tốc phát đi từ Cục Quản lý dược, Bộ Y tế. Cục yêu cầu Sở Y tế TP.HCM báo cáo ngay về Bộ trước ngày 7-5.
Trước đó, nhiều bệnh viện ở TP.HCM cũng đồng loạt phản ánh tình trạng thiếu thuốc Vincristin điều trị bệnh ung thư. BV đầu tiên lên tiếng về tình trạng thiếu thuốc đặc trị ung thư là BV Ung bướu TP.HCM.
Trước tình trạng nhiều bệnh nhân phản ảnh phải đi mua thuốc “chợ đen" với giá cao, do thuốc điều trị ung thư Vincristine cạn kiệt gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tiền bạc của người bệnh. Dược sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược Sở Y tế TP.HCM cho biết, thực tế thuốc Vincristin dùng để điều trị một số bệnh ung thư ở TP.HCM đã hết khoảng 2 tuần qua. Nguyên nhân là do một số bệnh viện dự trù nhu cầu sử dụng thuốc chưa chính xác. Hiện, Sở Y tế đã gửi 3 công văn cho Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) để báo cáo và đề xuất hướng xử lý, bởi việc này không thuộc thẩm quyền của Sở Y tế TP.HCM.
Ông Dũng nói thêm: “Viện Truyền máu Huyết học Trung ương vừa hỗ trợ cho 1.000 ống Vincristin nên tình trạng thiếu thuốc đã được khắc phục”. Ông Dũng cũng cho biết, giá mỗi ống thuốc Vincristin không cao, chỉ 92.000 đồng, nên phía Công ty nhập thuốc này không mặn mà. Do vậy, từ nhu cầu hiện nay, Sở đã chỉ đạo nhập thuốc này để đảm bảo điều trị cho bệnh nhân mà không cần tính tới lợi nhuận.
Việc giá thuốc chợ đen bị đẩy lên cao khi người dân ra ngoài mua như đồn thổi mấy ngày qua, theo Dược sĩ Đỗ Văn Dũng là thiếu thực tế, vì thuốc Vincristin ở dạng chích, nếu bệnh nhân tự ý mua loại thuốc này coi như “tự sát”, thuốc phải được bác sĩ, điều dưỡng chích chứ bệnh nhân không thể tự chích được.
Còn theo dược sĩ Nguyễn Văn Vĩnh, Phó giám đốc bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, việc hết thuốc Vincristin điều trị ung thư khiến không chỉ bệnh viện mà người bệnh cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên, trước tình trạng thuốc hết nhanh chóng, bệnh viện đã liên hệ với các BV trên cả nước để hỗ trợ, BV Truyền máu huyết học Trung ương đã chuyển thuốc hỗ trợ cho bệnh viện.
“Ngoài ra, BV Ung Bướu cũng đã liên hệ với công ty trúng thầu loại thuốc này để nhập khẩu. Hiện thuốc đã được bổ sung kịp thời, công ty cam kết sẽ cung cấp thuốc đầy đủ cho bệnh viện”, Dược sĩ Vĩnh cho hay.
Thuốc Vincristin rất phổ biến trong điều trị ung thư máu, ung thư hạch. Do đó, người bệnh ung thư đông tất nhiên nhu cầu sử dụng nhiều và lúc bệnh viện hết, chuyện bệnh nhân cần là tất nhiên. Việc xảy ra thị trường chợ đen thuốc trị ung thư cũng từ đó mà ra.
“Tuy nhiên, khi mua thuốc trôi nổi, người nhà bệnh nhân hết sức chú ý tới nguồn gốc, hạn sử dụng in ấn trên bao bì, sản phẩm, tránh tình trạng tiền mất tật mang", dược sĩ Vĩnh khuyến cáo.
(CAO) Gần 100 phần quà (ba lô, bánh kẹo và tiền mặt) đã được trao cho các bệnh nhi tại khoa nội Ung bướu, bệnh viện Quận 2 nhân ngày quốc tế Thiếu nhi 1/6/2015.