Nghe bác sĩ chuyên khoa tâm thần kể chuyện bệnh nhân chán sống, muốn giết người

Thứ Bảy, 15/04/2017 07:27  | Ngô Đồng

|

(CAO) Một nữ điều dưỡng còn khá trẻ, hằng ngày phải đối mặt với áp lực công việc tại bệnh viện, về nhà lại không được gia đình chồng san sẻ việc nhà, cảm thông; dồn nén bao uất ức trong lòng cho đến một ngày chị phát hiện mình có thể cầm dao giết luôn bố chồng...

Hay như một thiếu nữ trẻ, đẹp nhưng vì mặc cảm chuyện ham muốn“chăn gối” của mình không giống ai, lâu ngày cô rơi vào trầm cảm, chán sống.

Đó là những câu chuyện thực tế tại phòng khám bệnh của BV Tâm Thần TP.HCM. Mỗi trường hợp có thể có nguyên nhân khác nhau nhưng tựu trung hoặc các nạn nhân bất lực trước áp lực nhiều mặt của cuộc sống hoặc họ rơi vào chứng trầm cảm.

Khi nữ điều dưỡng muốn giết bố chồng

BS.CK II. Vũ Kim Hoàn, Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, chuyên khoa Tâm thần - Nội khoa tổng quát BV Tâm Thần TP.HCM kể, cách đây không lâu, có một cô gái còn khá trẻ khăn gói tìm đến phòng khám bệnh viện Tâm Thần xin nhập viện.

Cô kể cho bác sĩ nghe, cô là một điều dưỡng, đang làm việc tại một bệnh viện ở TP.HCM. Hằng ngày phải tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân, cô cảm thấy áp lực; nhưng điều đó thật sự sẽ không là khó khăn nếu mỗi ngày sau giờ làm việc, khi trở về mái ấm gia đình cô nhận được lời động viên, an ủi của người chồng; được ba mẹ chồng cảm thông mà không đặt nặng vấn đề “con dâu đảm việc nước thì phải giỏi việc nhà”. Đằng này, cô bảo, cô không nhận được sự cảm thông, chia sẻ từ gia đình chồng.

Áp lực công việc, xung đột gia đình từ những việc nhỏ cứ tích tụ lâu dần, đến một ngày quá sức chịu đựng, cô bỗng phát hiện mình có thể cầm dao giết luôn cả bố chồng bất cứ lúc nàỏ. Quá hoang mang trước ý nghĩ của mình, cô sợ mình không làm chủ được ý nghĩ rồi hành động nên muốn đến bệnh viện “cho chắc”, cô khăn gói tìm đến bệnh viện Tâm Thần TP.HCM “cầu cứu” bác sĩ.

BS Vũ Kim Hoàn chia sẻ, qua khai thác bệnh sử và lắng nghe lời của nữ điều dưỡng kể, ghi nhận đây là một trường hợp bị trầm cảm. Khi những áp lực công việc, xung đột gia đình đè nén lâu ngày khiến cô trở nên buồn chán và có những suy nghĩ bi quan.

Sau khoảng hơn 1 tháng được điều trị tại BV, Tâm Thần, nữ điều dưỡng mới dần lấy lại cân bằng cuộc sống, thay đổi suy nghĩ, sống tích cực hơn.

BS.CK II. Vũ Kim Hoàn, Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, chuyên khoa Tâm thần - Nội khoa tổng quát BV Tâm Thần TP.HCM. Ảnh: NĐ

Theo BS Vũ Kim Hoàn, trầm cảm là một rối loạn về tâm thần, bất kỳ ai cũng có thể mắc trầm cảm. Một số yếu tố thuận lợi cho việc phát sinh bệnh trầm cảm phải kể đến là áp lực về công việc, xung đột trong gia đình, stress, tăng mật độ dân số với việc giảm không gian sống, cũng như những khó khăn về tài chính. Bên cạnh những yếu tố bên ngoài phải kể đến những yếu tố bên trong cũng có thể gây tăng nguy cơ trầm cảm: ví dụ các bệnh mạn tính, các bệnh ung thư,… Nếu chúng ta không đáp ứng được những thay đổi, những áp lực thì dễ dẫn đến tình trạng trầm cảm và hàng loạt bệnh lý khác. Lâu ngày trở nên buồn chán, suy nghĩ bi quan, nặng hơn nữa là có ý định tự tử.

BS Hoàn kể, đã có trường hợp bệnh nhân trầm cảm nặng đến mức quẫn trí, ôm con tự tử; rồi có trường hợp bệnh nhân trầm cảm đến mức chán sống chỉ vì tự thấy mặc cảm do nhận ra mình có những ham muốn trong đời sống tình dục không giống ai, cô nghĩ có lẽ vì cô mang bệnh “khổ dâm” nên mới phải 3 lần chia tay bạn trai, cô cảm thấy đau khổ cùng cực...

Trầm cảm không phải là bệnh đáng xấu hổ

Theo thống kê của Viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương, mỗi ngày ở nước ta có hơn 100 người tự tử do trầm cảm, mỗi năm con số này là khoảng 40.000 người (khoảng 5.000 người tử vong), cao gấp 3-4 lần số người tử vong do tai nạn giao thông. Cái chết kết thúc số phận của một con người. Tuy nhiên nếu người bệnh trầm cảm được chữa trị, được gia đình quan tâm đúng mức, có lẽ sự việc đau lòng sẽ không xảy ra.

Theo ghi nhận, tại các khoa nội thần kinh ở các BV lớn, các bác sĩ tại đây hầu như ai cũng từng chứng kiến nhiều câu chuyện buồn liên quan tới người trầm cảm. Nhiều trường hợp tự tử vì bị phụ tình, kinh doanh làm ăn thất bại cũng tìm đến cái chết,… Riêng tại BV Tâm thần TP.HCM, theo thống kê số bệnh nhân được chẩn đoán trầm cảm tăng dần theo hàng tháng.

Thực tế tại phòng khám bệnh của BV Tâm Thần TP.HCM, BS Vũ Kim Hoàn, Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, chuyên khoa Tâm thần - Nội khoa tổng quát BV Tâm Thần TP.HCM chia sẻ, lượng bệnh nhân đến điều trị trầm cảm rất nhiều, đa phần là nữ. Trung bình mỗi tháng có khoảng hơn 2.000 lượt bệnh nhân đến khám liên quan đến bệnh trầm cảm. Người nhẹ thì điều trị ngoại trú, nhưng các trường hợp nặng, có biểu hiện của loạn thần thì bắt buộc phải nhập viện.

BS Vũ Kim Hoàn khám và tư vấn cho bệnh nhân. Ảnh: NĐ

Theo ghi nhận của phóng viên, tại sảnh chờ truớc các phòng khám bệnh của Bệnh viện Tâm thần TP.HCM lúc nào cũng đông nghịt người. Nhiều người, nhất là người trẻ tuổi, còn đeo khẩu trang vì sợ ánh mắt dò xét, dị nghị. Nhiều người đến khám ngồi thu mình một góc, tránh sự dò xét của người khác. Bên ngoài cánh cửa các phòng khám luôn có dòng chữ: “Lắng nghe, thấu cảm, thuyên giảm nỗi đau”.

Nhiều bệnh nhân, bác sĩ chẩn đoán bị bệnh trầm cảm thì không tin. Bác sĩ phải giải thích hồi lâu thì mới nghe và chấp nhận uống thuốc điều trị. BS Vũ Kim Hoàn cho biết: Các triệu chứng phổ biến của bệnh trầm cảm: buồn rầu, mất hứng thú trong các hoạt động hằng ngày, mất hi vọng; rối loạn giấc ngủ, thay đổi cảm giác ăn uống, sút cân, giảm hoặc mất ham muốn tình dục, mệt mỏi, giảm sinh lực; cảm thấy mình vô dụng, bận tâm suy nghĩ nhiều đến cái chết hoặc tự sát...

Áp lực trong cuộc sống là điều không tránh khỏi, có người vượt qua stress, sang chấn tâm lý một cách dễ dàng. Nhưng có người triền miên đau khổ, áp lực, dồn nén lâu ngày trở thành trầm cảm. “Khi phát hiện người thân có những biểu hiện mệt mỏi, chán nản, không tập trung... Tình trạng này kéo dài ít nhất 2 tuần thì gia đình cần đưa đến các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, thần kinh”, BS Vũ Kim Hoàn khuyến cáo.

Tùy vào mức độ nặng nhẹ sẽ điều trị phù hợp. Nếu nhẹ thì bệnh nhân ngoài việc uống thuốc bệnh nhân còn được hướng dẫn thay đổi lối sống, tập thể dục, đi du lịch, tâm lý trị liệu, thường xuyên giao tiếp với mọi người. Trường hợp nặng phải được nhập viện để điều trị nội trú, nếu có những ý tưởng hoặc hành vi tự tử phải thao dỏi thật sát sao.

BS Vũ Kim Hoàn chia sẻ: “Bệnh trầm cảm có thể điều trị khỏi hoàn toàn, nhưng thời gian điều trị dài. Một liệu trình điều trị kéo dài ít nhất 6 tháng, tùy mức độ nghiêm trọng về vấn đề tâm lý, có người điều trị tới hai năm. Thông thường hai tuần hoặc bốn tuần một lần, bác sĩ sẽ tiếp xúc, trò chuyện cùng bệnh nhân của mình. Tùy mỗi bệnh nhân sẽ có cách thức nói chuyện, sử dụng kỹ năng tham vấn phối hợp với những bài tập điều trị khác nhau giúp người bệnh thoát khỏi gánh nặng tâm lý kia. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể tái phát sau khi điều trị khỏi trong trường hợp bệnh nhân gặp phải một sang chấn nào đó như người thân mất, tai nạn,…”.

Quá trình điều trị, bác sĩ tâm lý giúp họ bộc lộ cảm xúc, đào sâu những câu chuyện của họ từ hồi nhỏ. Rà soát xem trước đó cuộc sống của họ có biến cố gì, giúp họ hiểu rõ vấn đề của mình.

BS Vũ Kim Hoàn khám và tư vấn cho bệnh nhân. Ảnh: NĐ
BS Vũ Kim Hoàn và các học viên tại BV Tâm thần TP.HCM. Ảnh: NĐ

Theo các chuyên gia, nếu trầm cảm xuất phát từ nội sinh, tự phát ra sẽ không có cách phòng tránh. Nhưng nếu xuất phát từ áp lực gia đình, công việc hoặc bị stress nặng, bệnh có thể phòng được. Muốn vậy cần chú ý cân bằng công việc và thời gian nghỉ ngơi. Không làm việc quá sức, căng thẳng và ngủ đủ giấc. Cần hạn chế, đề phòng những áp lực, bất hòa trong cộng đồng và các mối quan hệ xã hội. Nên có cách nhìn cuộc sống lạc quan, tích cực, đa chiều. Tìm kiếm công việc phù hợp, yêu thích, có cảm hứng để mình làm.

Mặc dù không phải là bệnh đáng xấu hổ, điều trị thì sẽ khỏi nhưng người bệnh thường ít khi ý thức được họ bị bệnh và do còn nhiều định kiến về bệnh tâm thần nên họ không chịu đến Bệnh viện Tâm thần hoặc các cơ sở chuyên khoa Tâm thần khám ngay. Khi có các triệu chứng bất thường, họ chỉ nghĩ bị các bệnh lý cơ thể nên thường đến các chuyên khoa như tim mạch, tiêu hóa,... để khám. Nhiều người khi đến khám tại Bệnh viện Tâm Thần thường sợ người khác nghĩ mình bị khùng, bị điên nên né tránh việc khám và điều trị, cuối cùng để bệnh nặng hơn. "Hiện nay vấn đề kỳ thị bệnh lý tâm thần trong dân chúng còn rất nhiều, kể cả bệnh lý trầm cảm", BS Hoàn nói.

BS Trịnh Tất Thắng, Giám đốc BV Tâm Thần TP.HCM:

Trầm cảm hiện đang là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trên toàn cầu cũng như Việt Nam

Nghiên cứu cho thấy, khoảng 3% dân số thế giới bị trầm cảm và con số này có chiều hướng gia tăng do ảnh hưởng môi trường sống.

Riêng tại Việt Nam, WHO ước tính, khoảng 4% dân số Việt Nam bị mắc các chứng bệnh trầm cảm. Bệnh trầm cảm không chỉ ảnh hưởng tới sức khoẻ của người bệnh mà còn ảnh hưởng tới các mối quan hệ xã hội của người bệnh, gia đình người bệnh và xã hội.

Ngoài ra, bệnh trầm cảm gây ảnh hưởng lớn về kinh tế bao gồm: những thiệt hại kinh tế trực tiếp do kinh phí điều trị trực tiếp, nhưng thiệt hại kinh tế lớn hơn đó là những thiệt hại kinh tế gián tiếp là mất khả năng lao động của người bệnh và dễ dẫn đến những hành động khó kiểm soát và có thể là tự tử.

Riêng tại BV Tâm thần TP.HCM, theo thống kê số bệnh nhân được chẩn đoán trầm cảm tăng dần theo hàng tháng. Ảnh: NĐ

TS Lê Minh Thuận, Trưởng khoa Tâm lý lâm sàng BV Quận 2 TP.HCM:

Trầm cảm ở trẻ em phổ biến hơn chúng ta tưởng

Theo đó, có 1% trẻ dưới 6 tuổi, 5% trẻ vị thành niên và 10% trẻ khuyết tật từng trải qua một mức độ nhất định của trầm cảm trong một thời điểm của cuộc đời. Điều đáng báo động là một trong những hậu quả của tình trạng này là việc dọa tự tử ở trẻ.

Hai loại trầm cảm thường gặp ở trẻ là trầm cảm phản ứng và trầm cảm nội sinh. Trầm cảm phản ứng có thể là hậu quả của một biến cố lớn về xúc cảm-tình cảm, gây chấn thương tinh thần trẻ, như bị ngược đãi, bố mẹ ly hôn, mất người thân... trầm cảm có thể không xuất hiện ngay lập tức sau biến cố mà nó xuất hiện nhiều tháng thậm chí nhiều năm sau, tùy theo tính chất của biến cố. Loại thứ hai là trầm cảm nội sinh, liên quan đến nhân cách không vững của tự thân trẻ. Triệu chứng cũng giống như trầm cảm phản ứng nhưng trẻ thường phải chịu nỗi đau khổ lớn hơn vì tự đánh giá về bản thân rất thấp.

Nếu cha mẹ nghi ngờ con mình đang có khó khăn tinh thần, hãy khuyến khích con nói những gì con cảm nhận. Nếu con thật sự trầm cảm, đừng đỗ lỗi cho trẻ về trang thái bất an của trẻ mà nên tìm kiếm sự trợ giúp từ các nhà chuyên môn, tìm kiếm sự chia sẻ từ gia đình, người thân, bạn bè, thầy cô giáo của con. Trầm cảm không phải là một bệnh đáng xấu hổ, việc nói ra chỉ khiến cha mẹ cảm thấy thanh thản hơn, và giúp huy động sức mạnh của nhiều người xung quanh.

Mắc bệnh trầm cảm, thanh niên 18 tuổi vào rừng treo cổ tự tử
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang