Phát hoảng khi bé 18 tháng có kinh, 3 tuổi giọng ồm ồm như đàn ông trung niên

Thứ Hai, 10/04/2017 05:59  | Ngô Đồng

|

(CAO) Bé gái mới 18 tháng đã có kinh, ngườ mẹ phát hoảng vì tưởng con mình bị xâm hại; một bé trai 3 tuổi đã vỡ giọng, giọng ồm ồm như đàn ông trung niên,... Những biểu hiện dậy thì quá sớm ở trẻ khiến phụ huynh phát hoảng.

Bé 18 tháng tuổi xuất huyết âm đạo, mẹ ngỡ con bị xâm hại

BS Huỳnh Thoại Loan, Trưởng khoa Thận - Nội tiết BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, BV từng tiếp nhận điều trị cho một bé gái mới 18 tháng tuổi (ở miền Tây) đã có kinh.

Mẹ bé cho biết, phát hiện con xuất huyết vùng âm đạo nên rất hoang mang vì nghĩ con bị xâm hại, đưa đi khám nhiều nơi nhưng vẫn không tìm ra nguyên nhân. Sau đó 3 ngày thì bỗng dưng không thấy bé xuất huyết nữa.

Tuy nhiên, đến tháng thứ 2, người mẹ lại nhận thấy vùng âm đạo của con xuất huyết 3 ngày rồi lại hết, đúng theo chu kì. Người mẹ quá đỗi lo lắng nên đưa con lên Nhi Đồng 1 TP.HCM khám.

Qua thăm khám và làm xét nghiệm, các bác sĩ cho biết bé bị dậy thì sớm và cần can thiệp điều trị.

Ảnh minh họa

Tương tự, một cảnh ngộ khác là một bé trai, mới 3 tuổi nhưng khi cất giọng nói người ta cứ nghĩ là một người đàn ông trung niên. Mẹ bé phát hoảng khi phát hiện bất thường ở con nên đưa đến BV Nhi Đồng 1 điều trị.

Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện bé có một khối u vùng não. Khối u đã kích thích nội tiết tố tăng làm bé dậy thì sớm.

90% không biết nguyên nhân

BS Huỳnh Thoại Loan, Trưởng khoa Thận - Nội tiết BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, BV đã tiếp nhận điều trị cho rất nhiều trẻ dậy thì sớm. Năm 2010 chỉ khoảng 5-6 ca đến BV khám và điều trị, hiện nay có khoảng 200 ca đến khám; trong đó có 120 ca xác định là dậy thì sớm. Nhiều bệnh nhi chưa đến 2 tuổi đã có dấu hiệu của người trưởng thành.

BS Loan chia sẻ, dậy thì sớm là sự xuất hiện những biểu hiện về thể chất và hormone của tuổi dậy thì ở lứa tuổi sớm hơn bình thường (dưới 8 tuổi đối với trẻ gái và dưới 9 tuổi ở trẻ trai), do sự hoạt hóa trung tâm dậy thì gây ra tình trạng kích thích sớm toàn bộ trục hạ đồi, tuyến yên, tuyến sinh dục.

BS Huỳnh Thoại Loan, Trưởng khoa Thật - Nội tiết BV Nhi Đồng 1 TP.HCM chia sẻ về những trường hợp trẻ dậy thì sớm. Ảnh: NĐ

"Đến nay y học mới xác định được 10% nguyên nhân bệnh, còn hơn 90% không rõ nguyên nhân (vô căn)", BS Loan chia sẻ.

10% nguyên nhân gây bệnh dậy thì sớm được xác định do trẻ có những bất thường vùng thần kinh trung ương nhưng hiếm gặp là hamartomas vùng dưới đồi, có khối u (u tế bào hình sao, u thần kinh đệm, u tế bào mầm tiết HCG); do tổn thương thần kinh sau một viêm nhiễm, phẫu thuật, chấn thương, xạ trị hoặc apxe hay một bất thường bẩm sinh nào đó.

Theo BS Loan, tuổi dậy thì ở trẻ những năm gần đây có vẻ sớm hơn. Trước đây, nữ 13, nam 16 tuổi. Hiện tại là 9-12 tuổi. Tuổi dậy thì của trẻ liên quan các yếu tố: Chủng dân (châu Á, Âu, Mỹ,…); tiền sử gia đình (tuổi dậy thì của ba/mẹ); yếu tố liên quan như dinh dưỡng, tác động xung quanh (phim ảnh,…).

Dậy thì được xem là sớm là dưới 8 tuổi đối với bé gái và dưới 9 tuổi đối với bé trai.

Hầu hết bệnh nhi được cha mẹ đưa đến khám vì những hiện tượng rất “ấn tượng” ở trẻ. Ở trẻ gái có thể là ngực to ra, xuất hiện lông mu hoặc ra huyết âm đạo. Ở trẻ trai thì phát hiện dương vật to hơn trẻ cùng lứa tuổi hoặc xuất hiện triệu chứng vỡ giọng.

Nhưng để chẩn đoán chính xác, với những bệnh nhi này sẽ được bác sĩ khám lâm sàng, đánh giá mức độ dậy thì theo thang điểm Tanner (đánh giá ở trẻ gái là sự xuất hiện của lông mu và độ lớn của vòng ngực, đối với trẻ trai là kích thước dương vật và thể tích tinh hoàn).

Vòng đo thể tích tinh hoàn cho trẻ. Ảnh: NĐ

Sau khi đánh giá chính xác một trẻ đang có dấu hiệu dậy thì, bác sĩ sẽ cho làm tiếp một số xét nghiệm để định lượng hormone sinh dục trong máu, nếu có tăng thì chứng tỏ trẻ đã bước vào giai đoạn dậy thì. Đồng thời xét nghiệm tìm nguyên nhân, tuy đa số trường hợp mắc bệnh không rõ nguyên nhân nhưng bác sĩ vẫn cho chụp cộng hưởng từ não để xem có u, bướu gì hay không...

Điều trị như thế nào?

Tùy kết quả xét nghiệm và do nguyên nhân gì, trẻ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp.

Với trẻ được xác định dậy thì do có khối u bất thường, tùy vị trí và tính chất của u, bác sĩ sẽ phẫu thuật hoặc xạ trị, các triệu chứng dậy thì sẽ chấm dứt.

Trẻ dậy thì sớm không rõ nguyên nhân thì cần phải điều trị nhiều năm bằng cách chích thuốc kiềm hãm sự tăng trưởng nội tiết tố. Trong quá trình điều trị trẻ sẽ được đánh giá lại các thay đổi về đặc tính dậy thì mỗi ba tháng về cân nặng, chiều cao, tốc độ tăng trưởng, kích thước tuyến vú, thể tích tinh hoàn, cũng như định lượng lại hormone sinh dục trong máu và ngừng thuốc khi đủ 12 tuổi sẽ chấm dứt.

Việc điều trị nhằm làm biến mất các dấu hiệu dậy thì ở trẻ và ngăn chặn việc đóng sớm của các đầu xương dài. Nếu trẻ không được điều trị thì sau đó các đầu xương bị đóng sớm, sau này chiều cao rất hạn chế.

BS Huỳnh Thoại Loan, Trưởng khoa Thận - Nội tiết BV Nhi Đồng 1 TP.HCM chia sẻ: "Do phần lớn không rõ nguyên nhân gây ra hiện tượng dậy thì sớm ở trẻ nên không có biện pháp phòng ngừa".

Tuy nhiên, BS Loan lưu ý phụ huynh cũng cần lưu ý những vấn đề như: Nên giữ cho con tình trạng dinh dưỡng ở mức chuẩn, không lấy tiêu chuẩn nuôi con mập mạp mới là nuôi con giỏi, phải hạn chế tình trạng tăng cân ở trẻ, đặc biệt là trẻ gái.

"Ngoài ra, dù chưa có nghiên cứu cụ thể, nhưng có dấu hiệu liên quan cho thấy phim ảnh, internet có hình ảnh tính dục có thể có ảnh hưởng đến dậy thì sớm.

Không dùng các sản phẩm của mẹ như dầu gội đầu, dầu tắm,... tắm cho trẻ, mà nên dùng sản phẩm riêng của trẻ. Vì trong các sản phẩm người lớn, có thể có chứa estrogen (nội tiết tố nữ) sẽ làm kích thích nội tiết tố của trẻ", BS Loan khuyến cáo.

BS Huỳnh Thoại Loan, Trưởng khoa Thận - Nội tiết BV Nhi Đồng 1 TP.HCM. Ảnh: NĐ

Phụ huynh bình tĩnh khi thấy con trẻ có biểu hiện dậy thì sớm và đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế có chuyên khoa nhi. Trẻ dậy thì sớm không thể tự xoay sở được những đặc tính sinh lý của mình như kinh nguyệt, vệ sinh cá nhân,... Để thời gian dậy thì kéo dài thì trẻ bị ảnh hưởng tâm lý, trẻ khó hòa nhập vì nhận thấy mình khác biệt các bạn: tự nhiên giọng mình khác, mình có râu,… nên đưa trẻ điều trị càng sớm càng tốt.

Sau điều trị, trẻ phát triển bình thường. Sau khi ngừng điều trị, các đặc tính sinh dục của trẻ bị dậy thì sớm sẽ trở lại trong vài tháng như quy trình sinh lý bình thường của trẻ. Cụ thể, trẻ gái sẽ bắt đầu có kinh trở lại sau 12-18 tháng ngưng thuốc điều trị, trẻ vẫn rụng trứng và khả năng mang thai như trẻ khác, còn trẻ trai vẫn có sự sản sinh tinh trùng như bình thường.

Thực phẩm có chất tăng trưởng có ảnh hưởng đến dậy thì sớm?

BS Huỳnh Thoại Loan, Trưởng khoa Thận - Nội tiết BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết: Dù chưa có nghiên cứu khoa học cụ thể, nhưng theo cảm tính, thức ăn có chất tăng trưởng không kiểm soát có vẻ như có ảnh hưởng đến dậy thì sớm.

Đa phần những thực phẩm có chất tăng trưởng trên thị trường đều chứa chất kích thích tăng trưởng rất mạnh, và hầu như những thuốc tăng trọng trong gia súc cũng đều có nội tiết tố, nhất là những con vật cần những sự vỗ béo nhanh, nhiều. Những hormone tăng trưởng này có thể gây mất cân bằng môi trường nội tiết của cơ thể làm cho trẻ phát triển không bình thường.

Ngoài ra, cũng không thấy có nghiên cứu cho thấy có yếu tố liên quan giữa dậy thì sớm và nạn lạm dụng tình dục gia tăng hiện nay..

Bác sĩ 'sốc nặng' với dị vật kẹp tóc rỉ sét, kim băng,... trong 'vùng kín' của trẻ
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang