(CAO) Có khoảng 20 người bệnh đã được điều trị theo phương pháp này kể từ khi được Bộ Y tế cho phép.
Suy tĩnh mạch, chớ coi thường
Người bệnh L.T.H. (SN 1956, nhà ở Sóc Trăng), nhập viện trong tình trạng đau và loét chân không lành.
Bà kể, từ 8 năm trước, bà thường xuyên bị phù chân trái khi đứng lâu hay đi lại. Khoảng 2 năm nay, bà bị phù kèm theo nổi các tĩnh mạch ngoài da, và đau chân khi đứng lâu hay đi lại.
2 tháng trước nhập viện, một vết loét ở mắt cá trong chân trái xuất hiện, gây chảy dịch và đau đớn.
Các bác sĩ khoa Lồng ngực mạch máu BV Đại học Y dược TP.HCM chẩn đoán bà bị suy tĩnh mạch giai đoạn cuối do hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu và điều trị sau đó bằng nong bóng và đặt stent tái thông tĩnh mạch chậu thành công.
ThS BS Lê Thanh Phong thăm khám cho bệnh nhân
Tương tự, chị N.T.M.T. (SN 1975, nhà ở quận 1, TP.HCM) cũng được chuyển đến BV Đại học Y dược trong tình trạng chân trái phù to và đau.
Chị kể, mấy ngày trước chị cảm thấy đau hông lưng trái, sau đó khi phát hiện chân sưng to chị liền đến bệnh viện quận khám và làm siêu âm. Các bác sĩ chẩn đoán chị bị huyết khối tĩnh mạch sâu chân trái và chuyển BV chuyên khoa điều trị.
Tại BV Đại học Y dược, các chẩn đoán sâu hơn cho thấy chị M.T. bị huyết khối tĩnh mạch sâu cấp tính chân trái do tắc tĩnh mạch chậu. Người bệnh sau đó đã được phẫu thuật để lấy hết huyết khối trong lòng mạch, đồng thời nong bóng và đặt stent tái thông dòng chảy của tĩnh mạch, kết hợp với thuốc kháng đông máu.
ThS BS Lê Thanh Phong, Khoa Lồng ngực Mạch máu BV Đại học Y dược cho biết, hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu có thể gây nên tình trạng suy tĩnh mạch chi dưới mức độ nặng, đôi khi gây nguy hiểm tính mạng, nhưng không thể chữa khỏi bằng những cách điều trị suy tĩnh mạch thông thường. Hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu gặp phần lớn ở phái nữ (80%) và các triệu chứng thường khởi phát vào khoảng 20-50 tuổi.
Tuy nhiên, bác sĩ Thanh Phong cho biết, không phải tất cả các trường hợp chèn ép tĩnh mạch chậu đều có biểu hiện triệu chứng. Các thương tổn này thường yên lặng và một số sẽ đột ngột nặng lên khi có thêm các yếu tố bất thường khác về hồi lưu tĩnh mạch chi dưới.
Điều trị suy tĩnh mạch chỉ bằng 1 mũi kim châm
ThS BS Lê Thanh Phong, Khoa Lồng ngực Mạch máu BV Đại học Y dược cho biết, trước đây hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu được điều trị bằng phẫu thuật. Đây là một phẫu thuật lớn, phức tạp, mất nhiều máu và gây đau đớn.
Ngày nay, với sự phát triển của can thiệp nội mạch, hội chứng này có thể điều trị khỏi bằng cách nong bóng và đặt giá đỡ tĩnh mạch (stent) chỉ qua một vết đâm kim ở vùng bẹn đùi. Sau mổ người bệnh có thể đi lại vài giờ sau mổ và có thể xuất viện cùng ngày.
Trước và sau khi đặt stent. Qua 1 vết đâm kim vào tĩnh mạch đùi, phần tĩnh mạch bị chèn ép sẽ được nong ra và sau đó được đặt stent vào lòng mạch. Khi dòng máu về tim không còn bị cản trở, các hậu quả do sự chèn ép gây ra sẽ không xuất hiện hoặc cải thiện đáng kể khi đã xảy ra
Giữa năm 2015, BV Đại học Y dược lần đầu tiên đăng ký với Bộ Y tế thực hiện kỹ thuật điều trị hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu qua can thiệp nội mạch. Có khoảng 20 người bệnh đã được điều trị theo phương pháp này kể từ khi được Bộ Y tế cho phép, kết quả theo dõi đến nay cho thấy hiệu quả điều trị rõ rệt, chất lượng cuộc sống của người bệnh cải thiện đáng kể và ổn định.
"Việc áp dụng thành công phương pháp nong và đặt stent điều trị hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu, mở ra một hướng mới cho việc điều trị các bệnh lý liên quan đến tĩnh mạch khác như hội chứng hậu huyết khối, hội chứng tắc tĩnh mạch chủ trên, hội chứng phù áo khoác,…', BS Phong chia sẻ.
(CAO) Sau 24 giờ, bệnh nhân đã có thể hồi phục. Sau 5 ngày được điều trị, bệnh nhân đi lại gần như bình thường.