Nếu như con bạn đang có những hành động trên, có thể đó chỉ là một thói quen, nhưng cũng có thể trẻ đang mắc một trong 2 hội chứng: Hội chứng nhổ tóc (hội chứng Rapunzel) và Hội chứng ăn tạp (Hội chứng Pica).
Giận cha, bé nhổ tóc trọc đến nửa đầu
Ths BS Phạm Minh Triết, Trưởng khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 1 TP.HCM chia sẻ, khoảng đầu năm 2016, bệnh viện có tiếp nhận điều trị cho bé gái 12 tuổi, ngụ tại Lâm Đồng.
Người nhà của bé đưa đến BV cầu cứu các sĩ vì không hiểu sao bé lại có thói quen nhổ tóc của mình, nhổ đến trọc hết nửa đầu.
Trước đó, người nhà cứ tưởng bé bị nấm da đầu, nên đưa bé đi khám da liễu. Tuy nhiên, qua thăm khám, các bác sĩ da liễu khẳng định bé không mắc bệnh lý nào về da liễu.
Tại BV Nhi Đồng 1, sau khi kiểm tra, làm xét nghiệm cho bé, các bác sĩ tại đây phát hiện bé gái này thường hay có biểu hiện lo âu, căng thẳng kéo dài. Bé được chuyển qua khoa tâm lý điều trị.
Sau một thời gian tiếp xúc, các bác sĩ phát hiện bé có sở thích vẽ tranh nhưng cha bé lại muốn bé phải đi sinh hoạt ngoại khóa, từ đó mối quan hệ giữa bé gái và cha ngày một xấu đi. Mỗi lần bị cha la mắng, ép buộc thì bé lại im lặng và nhổ tóc.
Bác sĩ Phạm Minh Triết, Trưởng khoa Tâm lý cho biết: Do cha ép bé làm việc mà bé không thích là tham gia hoạt động ngoại khóa, chính điều này mỗi khi nhắc đến chuyện đó, bé bị ám ảnh gây ra tâm trạng lo âu, căng thẳng kéo dài (biểu hiện rối loạn ám ảnh cưỡng chế). Lúc này, bệnh nhân chỉ thấy mỗi việc nhổ tóc thì thoải mái hơn. Đây được xem là biểu hiện của Hội chứng Rapunzel (hay còn gọi là Hội chứng cô gái tóc mây).
Mới đây nhất là trường hợp bé gái P.T.T. (7 tuổi, quê Đồng Nai), được đưa đến BV Nhi Đồng 1 khám vì bị đau bụng dữ dội. Qua siêu âm, các bác sĩ phát hiện một búi tóc khổng lồ trong bao tử bé, phải mổ để giải cứu cho bệnh nhân. Nguyên nhân được xác định là do bé T. thường xuyên nhổ tóc ăn trong một khoảng thời gian dài.
Búi tóc được lấy ra từ bao tử của bé
Bác sĩ Triết cho hay, trước đó, bệnh viện cũng tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp bé 6 tuổi bị tự kỷ. Ngoài tự kỷ, bé này còn hay ăn đất, bé ăn rất nhiều khiến cơ thể bị thiếu máu, suy dinh dưỡng, thường xuyên mệt mỏi. Những trường hợp này là biểu hiện của hội chứng ăn tạp (Hội chứng Pica).
Những trẻ có biểu hiện mắc hội chứng này thường ăn những chất không hề có dinh dưỡng như đất, vôi, giấy, móng tay, bông gòn,... khiến cơ thể người bệnh bị thiếu máu, suy dinh dưỡng, suy kiệt, sút cân.
Hội chứng Ăn tạp tác động không nhỏ đến tinh thần của người bệnh, thậm chí gây rối loạn trạng thái tâm lý, căng thẳng thần kinh do người bệnh phải tự đấu tranh để cưỡng lại sự thèm khát kỳ quặc của vị giác.
Phụ huynh cần dành nhiều thời gian cho trẻ
Theo bác sĩ Phạm Minh Triết, Trưởng khoa Tâm Lý BV Nhi Đồng 1, thời gian qua, BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận điều trị cho khoảng gần 10 trường hợp trẻ mắc phải hội chứng nghiện "thức ăn lạ", chủ yếu là ăn tóc, ăn đất, ăn mủ cao su... Về mặt tâm lý, tâm thần thì đây là sự kết hợp của 2 hội chứng: nhổ tóc ăn và ăn tạp. Cả 2 hội chứng trên có khi tách biệt nhưng cũng có khi cùng song song.
Trẻ mắc phải hội chứng này là do nhiều nguyên nhân như: trẻ ít được gia đình, xã hội quan tâm, không có nhiều trò chơi; trẻ bị rối loạn lo lâu và rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
"Khi bé đã bị mắc một trong những hội chứng trên, cha mẹ cũng nên thường xuyên quan tâm trò chuyện với bé. Cha mẹ hãy giành thời gian để bên cạnh lắng nghe và giúp bé giải quyết những vấn đề về tâm lý.
Bác sĩ Phạm Minh Triết, Trưởng khoa Tâm Lý BV Nhi Đồng 1. Ảnh: NĐ
Khi thấy bé lặp lại hành động không đúng như ăn tóc, nhổ tóc, ăn đất,... thì không nên la mắng mà hãy phân tích hành vi cho bé như là tóc không phải thức ăn, ăn tóc con sẽ bị đau bụng, nôn ói,... để bé hiểu được và sửa chữa. Cha mẹ cũng nên liệt kê những câu chuyện, sở thích, nơi bé thích đến để dẫn bé ra ngoài, phân tán tư tưởng bé. Việc này sẽ tập cho bé cách để không còn bị chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế làm những hành động có hại cho bản thân", BS Triết chia sẻ.
“Để điều trị cho trẻ, bác sĩ tâm lý phải tìm hiểu nguyên nhân để giải quyết. Quá trình điều trị sẽ tùy vào mức độ nặng nhẹ của bé. Cha mẹ có thể thay đổi cách chăm sóc, quan tâm bé nhiều hơn, bày cho bé nhiều thú vui. Nặng hơn như chứng rối loạn ám ảnh cuỡng chế phải điều trị tâm lý lâu dài lẫn dùng thuốc, phối hợp với BS tâm lý. Phải thay đổi nhận thức trẻ bằng kỹ thuật đánh lạc hướng. Nhiệm vụ của người chuyên viên tâm lý phải tìm ra căn nguyên và mức độ bệnh đúng nhất nhằm có cách điều trị phù hợp", BS Triết chia sẻ.