(CAO) Cụ già 70 tuổi người Nhật khi vừa xuống sân bay Tân Sơn Nhất thì bất ngờ đột quỵ, suy tim ngất xỉu.
Chiều 28-2, BS Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, BV vừa mổ cấp cứu cứu sống trường hợp một bệnh nhân người nước ngoài đang trong tình trạng nguy kịch.
Theo đó, bệnh nhân là người Nhật, 70 tuổi, qua Việt Nam đi du lịch. Tuy nhiên, khi vừa xuống sân bay Tân Sơn Nhất, người này bất ngờ ngất xỉu vì lên cơn đau tim.
BS Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Chợ Rẫy TP.HCM
Ngay sau đó, bệnh nhân được sơ cứu tại sân bay rồi đưa đi cấp cứu tại bệnh viện FV. Nhận thấy tình trạng bệnh nhân nguy kịch nên được chuyển đến BV Chợ Rẫy TP.HCM phẫu thuật.
BS Nguyễn Thái An, Trưởng khoa Hồi sức Phẫu thuật tim BV Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân bị bóc tách động mạch chủ, trong tình trạng nguy kịch, nếu không phẫu thuật kịp thời thì sẽ tử vong.
Ngay sau đó, qui trình cấp cứu khẩn cấp của BV Chợ Rẫy được báo động, các bác sĩ có mặt nhanh chóng để tiến hành phẫu thuật cứu sống bệnh nhân.
Sau 6 ngày phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt và xin được xuất viện để về Nhật tiếp tục theo dõi.
Một bệnh nhân được cứu sống trong gang tấc nhờ qui trình cấp cứu khẩn cấp tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: NĐ
BS Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, những quy trình cấp cứu khẩn cấp tại Bệnh viện Chợ Rẫy, còn được ví là "Báo động đỏ", đã được BV Chợ Rẫy áp dụng từ hơn 20 năm qua. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, qui trình này đã cứu sống được rất nhiều trường hợp nguy kịch.
Với những ca bệnh cấp cứu được mổ cấp cứu tại phòng mổ Cấp cứu của Bệnh viện đã cho thấy mô hình xây dựng phòng mổ tại khoa Cấp cứu đã phát hiệu tối đa được công dụng của nó, kịp thời cứu sống nhiều bệnh nhân giữa làn ranh sinh, tử.
Có những ca khi đến BV thì mạch và huyết áp đã bằng 0 nhưng đã được cứu sống. Ảnh: NĐ
Với sự vận dụng linh hoạt các quy trình này, năm 2016, bệnh viện Chợ Rẫy đã cứu sống 16 trường hợp khẩn có nguy cơ tử vong nhanh trong tình huống khẩn cấp, gần đây nhất là ca bệnh được mổ cấp cứu trong đêm ngày 23-2-2017.
BS Trương Thế Hiệp, Phó trưởng khoa cấp cứu BV Chợ Rẫy cho biết, BV Chợ Rẫy là bệnh viện tuyến cuối, hầu hết những ca được chuyển đến đều bệnh nặng, đa chấn thương, tình trạng nguy kịch. Có những trường hợp đả thương, tai nạn giao thông,... khi đến BV thì mạch và huyết áp đã bằng 0, nhưng nhờ lệnh báo động khẩn cấp, các bác sĩ chạy đua với thời gian, phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên khoa, nên bệnh nhân thoát cửa tử.
Khoa ngoại lồng ngực, nơi rất nhiều trường hợp bệnh nhân nặng nhập viện. Ảnh: NĐ
Từ thực tế lâm sàng, Bệnh viện Chợ Rẫy đang khảo sát để tiến hành triển khai một số phòng mổ cấp cứu tại các khoa điển hình, nhằm mang lại cơ hội cứu sống những bệnh nhân nguy kịch mà trong tình huống cần một số trang thiết bị chuyên dụng trong lĩnh vực chuyên khoa đó.