Khi bác sĩ đi hát kiếm cơm cho bệnh nhân nghèo

Thứ Bảy, 25/02/2017 01:20  | Ngô Đồng

|

(CAO) Gần hai năm nay, những phiếu ăn “Dĩa cơm trên tường” đã quen thuộc với nhiều bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân nghèo nằm viện tại một số bệnh viện TP.HCM. Những suất cơm có được là nhờ cái tình của người thầy thuốc...

Hai năm đi hát, kiếm hơn 30.000 dĩa cơm

Trong một dịp đi công tác tới nước Ý, một bác sĩ tại TP.HCM đã ghé vào một cà phê yên ả tại thành phố Venice, quán cà phê đặc biệt bởi câu chuyện "Ly cà phê trên tường". Mọi người đến quán để được"thưởng thức" 2 ly cà phê, một ly cà phê gọi cho mình và một ly cho... tình người.

Ấp ủ một ý tưởng, về lại TP.HCM, vị bác sĩ ấy cùng một nhóm bạn gồm các bác sĩ, doanh nhân và nhân viên văn phòng cùng ngồi lại với nhau và họ cùng bắt tay vào thực hiện dự án “biến” ly cà phê ở Ý thành dĩa cơm cho bệnh nhân, dự án mang tên "Dĩa cơm trên tường".

Từ đấy, bắt đầu từ tháng 4-2015, cứ mỗi tối thứ 7 tại quán cà phê đã bắt đầu có những "Đêm nhạc Blouse trắng" để gây quỹ lấy tiền mua cơm cho bệnh nhân nghèo. Toàn bộ chi phí như thuê địa điểm, âm thanh, ánh sáng đều do các bác sĩ bỏ tiền túi ra thực hiện, tất cả đóng góp của mọi người, dù chỉ một đồng cũng được dành hết cho “Dĩa cơm trên tường”.

Vị bác sĩ nảy ra ý tưởng đầy tình người ấy là bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển (Trưởng khoa T3, BV Tâm Thần TP.HCM); cùng nhóm bạn là bác sĩ Võ Xuân Sơn (Phòng khám Quốc tế Exson), doanh nhân Lâm Minh Chánh,...

Những đêm nhạc Blouse trắng, cái tình của người thầy thuốc...

Ban đầu chỉ là sự đóng góp từ tiền túi của các bác sĩ với 175 đĩa cơm mỗi tuần, đến nay, chương trình đã cung cấp trên 30.000 dĩa cơm trị giá 25.000đồng/dĩa cho bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân nghèo.

Gần 2 năm qua, tại một số quán cơm đối diện các bệnh viện Nhi Đồng 1, BV Chợ Rẫy, Căng tin BV Nhi Đồng 2, BV Nguyễn Tri Phương, BV Tâm Thần, BV Bệnh Nhiệt đới, BV quận Thủ Đức và gần đây nhất là một quán cơm trước cửa BV Trưng Vương,... người bệnh, thân nhân bệnh nhân có hoàn cảnh quá khó khăn, bất ngờ được các BV phát tới tận tay những phiếu cơm trị giá 20.000 đồng/suất và đàng hoàng vào quán ăn trên thưởng thức no bụng mà không phải mặc cảm, tự ti.

Người nhận phiếu ăn chỉ cần cầm phiếu đến căng tin, quán cơm ở bệnh viện có treo bảng “Dĩa cơm trên tường” gọi cơm, món ăn của quán và trả bằng phiếu “Dĩa cơm trên tường”. Điều đặc biệt của việc làm thấm đậm tình người này là, người nhận và người cho không ai biết ai.

Người nhận phiếu ăn chỉ cần cầm phiếu đến căng tin, quán cơm ở bệnh viện có treo bảng “Dĩa cơm trên tường” gọi cơm, món ăn của quán và trả bằng phiếu “Dĩa cơm trên tường”

Sự lan tỏa của những tấm lòng bác sĩ nhân ái không chỉ gói gọn trong TP.HCM, bác sĩ Phạm Hòa Anh đã đưa chương trình này về Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk

Đến nay, đã có 20 Đêm nhạc Blouse trắng được tổ chức thành công tại TP.HCM. Tại Buôn Ma Thuột cũng đã tổ chức được 4 đêm nhạc Blouse trắng.

Đêm nhạc Blouse trắng": Hát cho mình, cơm cho người...

Theo bác sĩ Hiển, qua gần hai năm thực hiện dự án "Dĩa cơm trên tường", với Đêm nhạc blouse trắng, các bác sĩ không mất gì nhiều, chỉ mất thời gian, công sức và “chút ít” tiền túi nhưng được rất nhiều. Đó là giúp được một phần bệnh nhân nghèo; các bác sĩ có thời gian bên nhau, sân chơi thư giãn sau giờ làm việc.

Bác sĩ Hiển chia sẻ: “Bác sĩ không chỉ biết khám bệnh, kiếm tiền mà luôn đồng hành, đồng cảm với bệnh nhân”.

Tất cả các y bác sĩ và những người không phải y bác sĩ đều đến với chương trình với tấm lòng như thế. Với Dĩa cơm trên tường và tất cả các Đêm nhạc Blouse trắng, những người tổ chức, bác sĩ - ca sĩ, ban nhạc đều không có đồng thù lao nào và tự “móc tiền túi” ra thực hiện.

Bác sĩ Hiển cho biết, đây cũng là một cách để lan tỏa lòng nhân ái trong xã hội, để xóa đi định kiến chỉ có người giàu mới làm từ thiện được. Làm từ thiện không chỉ là độc quyền của người giàu. Đó là việc làm của tất cả cộng đồng. Một ông tỉ phú và một chị bán vé số đều làm được.

Một đêm nhạc Blouse trắng. Một cơ hội nhiều dĩa cơm tới cho những mảnh đời bất hạnh

BS Hiển kể, trong một Đêm nhạc Blouse trắng diễn ra tại cà phê Somewhere những ngày đầu, chúng tôi thấy một cô bán vé số, cô tiến vào quán giữa rất nhiều khách, ngập ngừng, cô lấy một bao thư và bỏ vào ủng hộ 40.000 đồng. Số tiền đó trị giá bằng 4 tờ vé số của cô để bán. Mà giá của một dĩa cơm khi đó là 20.000 đồng.

Hay, khi đêm nhạc chuyển qua tổ chức tại quán cà phê Regina (Q.1), trong đêm nhạc, lúc kiểm đếm tiền quyên góp, có 1-2 bao thư chữ viết ngoằn nghèo, ghi là “NV quán Regina”. Số tiền trong bao thư là 50.000 đồng, 100.000 đồng,...

“Đó là tiền ủng hộ của các em nhân viên ở quán. Hôm biểu diễn là ngày lãnh lương của các em. Các em đều bị khuyết tật như hội chứng Down, tự kỷ. Anh chủ quán cà phê Regina đã dành quán này cho các em có việc làm, thuê nhân viên nhiều hơn số cần thiết giúp các em có thu nhập cũng như qua đó thấy mình là người hữu dụng”, bác sĩ Hiển trầm ngâm kể lại.

Hay, có một bác sĩ hát trong mỗi đêm nhạc Blouse trắng làm việc ở Bệnh viện Củ Chi. Mỗi cuối tuần, hết giờ làm ở bệnh viện, anh lại chạy xe về Q.1 tập và biểu diễn. Sau khi đêm nhạc kết thúc lúc hơn 10 giờ tối, anh lại chạy xe trong đêm về tận Củ Chi.

Một bác sĩ cũng đã chia sẻ về "Dĩa cơm trên tường": "Một đêm nhạc Blouse trắng. Một cơ hội nhiều dĩa cơm tới cho những mảnh đời bất hạnh. Nhưng hơn hết là nơi gặp gỡ của những tấm lòng, của những con người trí tuệ nhưng có con tim nhạy cảm, rung động với xã hội, đất nước, quê hương... Mong sao còn nhiều đêm nhạc Blouse trắng nữa! Mong sao còn nhiều đêm nhạc của nhiều ngành nghề nữa....".

Hát cho yêu thương

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, một đêm nhạc được tổ chức quy mô với tên gọi “Hát cho yêu thương” sẽ được diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 25-2 tại Nhà hát Bến Thành.

Đạo diễn Tôn Thất Toàn cho biết, đây là chương trình ca nhạc thiện nguyện do các y bác sĩ hiện đang công tác trong ngành y và các bạn hữu doanh nhân cùng các ca sĩ khách mời biểu diễn hoàn toàn miễn phí cho công chúng.

Vé tặng được đăng ký qua facebook: www.facebook.com/diacomtrentuong/, facebook hien huynh thanh (số điện thoại 0903717221).

DĨA CƠM TRÊN TƯỜNG là gì?

Trong một quán cà phê bồng bềnh tại Venice thơ mộng, một người đàn ông gọi cho mình một ly cà phê, và một ly cà phê trên tường. Người phục vụ mang cho ông ta một ly cà phê thơm phức, và dán một tờ giấy nhỏ lên tường, nơi đã có mấy tờ giấy khác được dán lên. Người đàn ông uống ly cà phê của mình, tính tiền hai ly và đi ra.

Một lát sau, một cặp tình nhân nắm tay nhau đi vô, họ kêu hai ly và một ly trên tường. Giống như lần trước, cô phục vụ lại mang một tờ giấy nhỏ dán lên bức tường. Cặp tình nhân vui vẻ bước xuống chiếc ca nô đang chờ sẵn sau khi thanh toán tiền của ba ly cà phê.

Một cụ già chống ba toong chầm chậm bước vô quán. Cụ tiến đến bức tường, gỡ một tờ giấy nhỏ dán sẵn trên đó và đưa cho cô phục vụ. Cô phục cầm tờ giấy đi vào, lát sau mang ra cho cụ một ly cà phê. Cụ già ngồi quay mặt ra kênh, ngắm nhìn dòng nước và những chiếc thuyền chở du khách qua lại. Thưởng thức xong ly cà phê, cụ chống ba toong đi ra mà không kêu tính tiền.

Câu chuyện lan truyền trên mạng. Đến một ngày kia, cách Venice thơ mộng hơn 13.000 cây số, tại một quán cà phê bên dòng kênh Nhiêu lộc ở Sài gòn, một nhóm gồm các bác sĩ, doanh nhân và nhân viên văn phòng, ngồi lại với nhau. Họ cùng nhau ngắm nhìn dòng nước đen của kênh Nhiêu Lộc đang lững lờ trôi, và cùng nhau bắt tay vào một dự án mang tên DĨA CƠM TRÊN TƯỜNG.

Chương trình DĨA CƠM TRÊN TƯỜNG mượn cái ý tưởng đầy chất lãng mạn của Venice thơ mộng để mang đến cho những người dân nghèo đang ngày đêm vật lộn mưu sinh một chút tình người ấm áp. Các bác sĩ và những người bạn đã “Biến” ly cà phê ở Ý thành dĩa cơm cho bệnh nhân: DĨA CƠM TRÊN TƯỜNG.

(NĐ ghi)

Bình luận (0)

Lên đầu trang