(CAO) Giữa vô vàn những thông tin tràn lan trên mạng và cả những lời mách mẹo của bà, của mẹ, của các chị em đi trước… làm thế nào để chọn lọc và nấu ra được cho con một bát cháo đầy đủ dinh dưỡng và ngon miệng vẫn khiến nhiều bà mẹ băn khoăn.
Không cần phải sang Nhật, sang Mỹ… ở ngay tại Việt Nam cũng có những lớp dạy nấu ăn dặm cho trẻ hoàn toàn miễn phí dành cho các bà mẹ trẻ.
Khoa Dinh dưỡng BV Nhi Đồng 1 TP.HCM luôn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, giảng dạy cách chăm sóc, nuôi con hoàn toàn miễn phí cho các phụ huynh.
Tại đây, phụ huynh được hướng dẫn tận tình cách cho trẻ bú sữa mẹ như thế nào là tốt nhất, cho trẻ ăn dặm như thế nào là đủ dinh dưỡng nhất,...
Lớp học nuôi con bằng sữa mẹ. Ảnh: NĐ
Sau mỗi buổi học, các bà mẹ được phát tài liệu nuôi con bằng sữa mẹ hoặc hướng dẫn cách cho con ăn, lượng dinh dưỡng cần thiết và chuẩn cân nặng, chiều cao theo từng tháng tuổi.
Các bà mẹ được phát tài liệu hướng dẫn cách cho con bú, cho con ăn dặm miễn phí. Ảnh: NĐ
Sau đó, các bác sĩ sẽ hướng dẫn các bà mẹ những nguyên tắc cơ bản khi cho con ăn dặm. Thậm chí, các bà mẹ còn được trực tiếp tham gia làm thử một chén cháu dinh dưỡng dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ.
Các bà mẹ được trực tiếp tham gia làm thử một chén cháu dinh dưỡng dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ. Ảnh: NĐ
Đôi khi, dù mẹ tốn rất nhiều công sức, tiền của nhưng trẻ vẫn còm nhom. Bác sĩ Hoàng Thị Thanh Thủy, Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM nêu ra một số sai lầm mà nhiều bà mẹ hay mắc khi chăm con.
Sai lầm khi cho bé ngậm ti giả
Bác sĩ Hoàng Thị Thanh Thủy, Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, do bé có sở thích ngậm ti mẹ nên các bà mẹ thường chọn giải pháp là cho bé ngậm núm ti giả. Hoặc cũng có bà mẹ chọn phương pháp cho bé bú mẹ xen kẽ bú bình. Đây là cách nuôi con hoàn toàn sai lầm, làm mất phản xạ bú mẹ của bé.
Theo bác sĩ Thủy, động tác mút núm ti giả khiến bé bú mẹ không đúng cách, là nguyên nhân giảm sự tiết sữa ở mẹ. Hơn nữa, bé ngậm núm ti cao su rất mất vệ sinh và dễ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy…
Cật lực hầm xương nấu cháo
Các bà mẹ thường hay cật lực hầm xương để lấy nước nấu cháo cho con.
Tuy nhiên, việc hầm xương chỉ có tác dụng cho vị ngọt và mùi thơm. Những chất đạm vẫn còn trong xác thịt, xương. Do vậy, nên cho trẻ ăn cả xác lẫn nước để đề phòng suy dinh dưỡng vì thiếu chất.
Cho trẻ ăn quá nhiều bí đỏ, cà rốt
Các bà mẹ thường hay có thói quen cho con ăn nhiều bí đỏ, khoai tây, cà rốt vì nghĩ có nhiều chất bổ.
Thực tế, bí đỏ hay khoai tây, cà rốt chỉ đại diện cho nhóm bột đường. Nếu cho trẻ ăn quá nhiều sẽ có nguy cơ khiến bé bị vàng da. Tốt nhất, nên hạn chế dùng quá nhiều và bổ sung vào thức ăn của trẻ nhiều loại rau xanh.
Dùng cháo dinh dưỡng không rõ nguồn gốc
Một số phụ huynh bận rộn thường mua cháo dinh dưỡng chế biến sẵn bán ngoài vỉa hè cho con ăn.
Tuy nhiên, nhiều trẻ ăn cháo dinh dưỡng mua ngoài đường thường không tăng cân do cháo loãng không đủ chất. Một số trẻ phải đến bệnh viện vì nôn và tiêu chảy do cháo không đảm bảo vệ sinh. Do đó, các bà mẹ nên hạn chế việc con ăn cháo không rõ nguồn gốc.