Dưới đây là những chia sẻ của các bác sĩ, nhân viên y tế về những bệnh lý mà bản thân người thầy thuốc, người làm trong lĩnh vực y tế hay mắc phải.
Ôm bệnh đau bao tử
Hơn 10 năm đồng hành trong môi trường cấp cứu, BS CKI. Nguyễn Viết Hậu, Phó trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM chia sẻ, do tính chất công việc, nhân viên cấp cứu thường xuyên ăn uống không đúng giờ, ăn chiều cho cữ trưa, ăn tối cho cữ chiều là việc thường ngày, thậm chí còn nhịn đói cả ca trực là điều mà không hiếm.
Thức khuya và những căng thẳng khi làm việc tại môi trường cấp cứu bận bịu làm không ít các bạn trẻ bị stress, đó cũng là yếu tố không nhỏ làm bệnh dạ dày thường xuyên tái phát và không thể dứt hẳn.
Gặp người bệnh trong tình trạng nặng, ranh giới giữa sự sống chết, một hành động, một việc làm không cẩn trọng đôi khi lại có kết quả không hề mong muốn, nó luôn có áp lực vô hình đè nặng lên tâm lý của y bác sĩ.
Stress về áp lực công việc, nhân viên y tế còn chịu nhiều áp lực của những bệnh lây nhiễm, bệnh xã hội,… Ngoài ra, còn bộ phận không nhỏ say xỉn, tai nạn, sau đó vào quát tháo nhân viên… đó được xem là việc thường ngày.
Stress về áp lực công việc, nhân viên y tế còn chịu nhiều áp lực của những bệnh lây nhiễm, bệnh xã hội,… Ảnh minh họa
Có những bạn trẻ mới vào nghề chưa quen với việc thức thâu đêm đôi khi phải uống café lúc 3-4 giờ sáng để có sự tỉnh táo cần thiết cho công việc đầy căng thẳng này. Việc đó không tốt cho sức khỏe nói chung và dạ dày nói riêng. Nhưng trên hết, với lòng yêu nghề, đam mê công việc thì dù thế nào anh chị em vẫn vui vẻ khi được đồng hành cùng người bệnh vượt qua cơn nguy kịch – đó là hạnh phúc không chỉ riêng của người bệnh, người nhà người bệnh, mà là món quà vô cùng ý nghĩa của mỗi nhân viên y tế.
Có trường hợp một nhân viên đang trong tua trực bị đau bụng do viêm dạ dày, phải ngưng làm việc, được đồng nghiệp tiêm thuốc, nghỉ ngơi một thời gian ngắn rồi tiếp tục công việc cùng đồng nghiệp mình, vì không anh chị em nào thấy đồng đội đang chiến đấu mà mình không góp sức được. Sau đó hết ca rồi, có tua trực khác vào thế chỗ rồi mới tính đến việc nghỉ ngơi, dưỡng bệnh.
Viêm mũi xoang chực chờ
GS TS BS. Phạm Kiên Hữu, Trưởng khoa Tai mũi họng BV Đại học Y dược chia sẻ, những người làm trong môi trường y tế được xem là yếu tố thuận lợi cho bệnh viêm xoang tiến triển.
Đặc biệt là các bác sĩ, nhân viên y tế – đối tượng thường xuyên khám và điều trị cho người bệnh bị viêm đường hô hấp trên, khi phản ứng viêm xảy ra, các niêm mạc sưng lên, các lỗ thông bị hẹp lại, dịch ứ đọng, gây phản ứng viêm.
Nếu không được điều trị kịp thời hoặc khi cơ thể phải tiếp xúc với các yếu tố bất lợi, lặp đi lặp lại thì bệnh sẽ tiến triển thành viêm xoang mạn.
Để phòng bệnh, nhân viên y tế cần giữ môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, mang khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, tăng cường hệ thống miễn dịch bằng việc ăn rau quả, trái cây, chích ngừa đầy đủ, tránh stress, và tập thể dục đều đặn.
Dãn tĩnh mạch
ThS BS. Lê Quang Đình, Khoa Lồng ngực mạch máu BV Đại học Y dược TP.HCM chia sẻ, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bệnh suy dãn tĩnh mạch chưa được xác định chính xác, rõ ràng. Song có một vài nguyên nhân gián tiếp làm tăng nguy cơ mắc các loại bệnh về tĩnh mạch như do tuổi tác, nghề nghiệp, di truyền hoặc mang thai.
Những dấu hiện ban đầu của bệnh thường khá mờ nhạt, đứt quãng, dễ nhầm lẫn với bệnh xương khớp nên người bệnh ít để ý và dễ dàng bỏ qua. Bác sĩ ngoại khoa hoặc các điều dưỡng trong phòng mổ là một trong các nhóm nghề nghiệp có nguy cơ cao, và một khi đã bệnh thì dễ dẫn đến diễn tiến nặng.
Phòng bệnh bằng việc thay đổi tư thế trong khi mổ, hoặc những ca mổ kéo dài thì nên mang vớ y khoa. Ngoài ra, chúng ta có thể phòng ngừa trong sinh hoạt bằng cách ăn nhiều rau củ, hoa quả tươi, ngũ cốc… tránh bị táo bón, cung cấp đủ nước cho cơ thể.
Bệnh về đường tiêu hóa
BS CKII. Hoàng Danh Tấn, Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa BV Đại học Y dược chia sẻ, về Tiêu hóa, loại bệnh mà nhân viên y tế chúng ta thường gặp là viêm loét dạ dày tá tràng.
Một số người ăn xong không có thói quen nghỉ ngơi, đây là một hoạt động không tốt. Ăn xong, chúng ta nên dành khoảng 20 – 30 phút nghỉ ngơi trước khi bắt đầu làm việc. Tuy nhiên, do đặc thù công việc nên các bác sĩ, điều dưỡng – những người hay làm việc bất kể giờ giấc, phải làm hết việc nên thường không có nhịp sống phù hợp với nhịp sinh học.
Song song đó, căng thẳng kéo dài cũng là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng. Do đó, để cải thiện tình trạng trên, chúng ta nên ăn sáng đầy đủ, tránh bỏ bữa, khi đến bữa mà không thể ăn thì dùng tạm một ít thực phẩm mềm, dễ tiêu như sữa, bánh ngọt… và không quên sắp xếp thời gian nghỉ ngơi thư giãn.
Lao phổi
PGS TS BS. Lê Tiến Dũng, Trưởng khoa Hô hấp BV Đại học Y dược TP.HCM chia sẻ, thức đêm thường xuyên, làm việc không có giờ giấc cố định, thường xuyên tiếp xúc gần với người bệnh lây nhiễm – đối với bác sĩ, điều dưỡng là điều bình thường; nhưng đây lại là một trong những nguyên nhân khiến nhân viên y tế - đối tượng đặc biệt có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao dễ bị lây nhiễm bệnh, trong đó có bệnh lao phổi.
Nhân viên y tế dễ bị nhiễm với vi khuẩn lao – loại vi khuẩn có thể sống rất lâu ở môi trường ngoài cơ thể, do chúng có thể tồn tại rất lâu ở các nơi như phòng bệnh, nhà vệ sinh, nơi công cộng, xe buýt…..và lây bệnh.
Vi khuẩn lao cũng tồn tại trong không khí, nên dễ lây khi hít phải các giọt bắn của người bệnh lao hắc hơi, ho, thở ra.
Ngoài ra, nhân viên y tế còn có thể bị lây nhiễm cúm, thủy đậu, viêm phổi...; lây do tiếp xúc với máu, dịch cơ thể của người bệnh trong quá trình phẫu thuật, chăm sóc người bệnh, lấy máu xét nghiệm, làm thủ thuật như viêm gan siêu vi B,C, HIV – AIDS…
(CAO) Khi những bệnh nhân được đưa vào cấp cứu, với những trường hợp đột quỵ, đặc biệt lấp mạch máu não, thời gian vàng rất ngắn, nên các bác sĩ phải chạy đua với thời gian để cứu chữa bệnh nhân.