Nhưng cũng từ vụ tai nạn, anh đã tìm thấy người phụ nữ thật sự yêu thương của đời mình. Vượt qua mọi khó khăn, mặc cảm, khủng hoảng,... Cuối cùng tình yêu giữa họ cũng đơm hoa kết trái.
4 năm ròng rã kè kè bọc nước tiểu bên người
Anh Nguyễn Cẩm Nhường (33 tuổi, ngụ tại quận Bình Tân, TP.HCM) nhớ lại quãng thời gian kinh khủng xảy ra với mình. Anh Nhường chia sẻ: "Đó là vào năm 2010, trong một chuyến đi du lịch ở Đà Lạt, trong lúc đứng chụp hình thì bất cẩn bị té lăn dài xuống dốc. Rồi bị tảng đá đè lên người khiến bàng quang bị vỡ, gãy xương chậu, đứt ống tiểu.
Tôi được đưa vào cấp cứu tại BV Đà Lạt, rồi chuyển về TP.HCM tiếp tục điều trị. Tôi được các bác sĩ phẫu thuật tạo hình niệu đạo nhiều lần nhưng lần nào cũng thất bại.
Sau đó, để khắc phục tình trạng hẹp niệu đạo, tôi tiếp tục được xẻ lạnh niệu đạo để giải phóng sẹo niệu đạo thêm 3 lần nữa nhưng tình trạng hẹp vẫn không được cải thiện".
Anh Nhường kể lại câu chuyện của mình. Ảnh: NĐ
Mỗi lần rút ống thông tiểu được mở từ bàng quang ra là hôm sau bụng anh Nhường lại trương phình lên vì nước tiểu trong bàng quang không có lối thoát và phải ngay lập tức vào bệnh viện để cấp cứu.
Trong suốt 4 năm ròng rã sau tai nạn, anh Nhường phải chịu bao đau đớn và mặc cảm khi phải đeo ống thông tiểu bên mình mọi lúc mọi nơi.
Căn bệnh gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt và làm giảm chất lượng cuộc sống khiến anh Nhường rơi vào suy sụp, mất hết tự tin và phải nghỉ việc.
Do tình trạng hẹp niệu đạo, khả năng có con tự nhiên của Nhường cũng biến mất theo do ở nam giới đường niệu đạo cũng chính là đường ra của tinh dịch.
Tình yêu đẹp như chuyện cổ tích thời hiện đại
Chị Nguyễn Thị Tuyết Hồng (25 tuổi, vợ anh Nhường) chia sẻ: "Em biết anh Nhường từ năm 2010, khi đó em đang học cao đẳng. Anh Nhường đã đi làm ở một công ty viễn thông, ảnh đi học thêm anh văn trong trường nơi em đang theo học. Tụi em biết nhau rồi quen nhau từ đó.
Ngày hay tin ảnh bị tai nạn, em sợ lắm. Rồi thấy ảnh ròng rã đi chữa bệnh, chịu mặc cảm, tự ti, khủng hoảng tâm lý em càng thấy thương ảnh hơn.
Mỗi khi em nhắc tới chuyện tương lai, ảnh đều lãng tránh, em biết vì ảnh thương em, sợ em thương ảnh rồi em sẽ khổ nên em cũng ít khi nhắc đến chuyện tương lai nữa. Em chỉ biết âm thầm động viên ảnh thôi".
Anh Nhường nói: "Lúc nào cũng kè kè bọc nước tiểu bên người, tôi tự ti, mặc cảm và khủng hoảng tâm lý ghê lắm. Từ khi bị tai nạn rồi phải thông tiểu ra da, tôi không dám nghĩ đến chuyện lập gia đình vì sợ người phụ nữ mình yêu sẽ phải khổ theo mình suốt cuộc đời. Tôi gần như tuyệt vọng".
"Thấy tôi với dây ống quanh người và mùi hôi khai đầy ám ảnh nhưng Hồng vẫn luôn ở cạnh bên động viên", anh Nhường chia sẻ.
Vỡ òa hạnh phúc khi bệnh được chữa lành
"Năm 2015, tôi được bạn bè giới thiệu đến bệnh viện Bình Dân chữa trị. Mặc dù tôi không dám hi vọng gì nhiều về trường hợp của mình nhưng còn nước còn tát, tôi cũng mang bệnh án của mình đến BV Bình Dân. May mắn, các bác sĩ BV Bình Dân nói bệnh của tôi là chữa được", anh Nhường chia sẻ.
Ths BS Đỗ Lệnh Hùng, Trưởng khoa Niệu đạo BV Bình Dân cho biết, trường hợp của bệnh nhân Nhường, phim chụp X-quang có bơm chất cản quang cho thấy bệnh nhân bị hẹp tắc niệu đạo sau, đoạn hẹp khoảng 2cm, có di lệch đường tiểu do biến chứng từ ca phẫu thuật thất bại trước đó.
Một năm sau khi chữa khỏi bệnh, tin vui đến với gia đình bé nhỏ của anh Nhường và chị Hồng là sự chào đời của bé Nguyễn Hoàng Bảo Khang. Ảnh: NĐ
Theo nhận định của bác sĩ, đây được đánh giá là một ca phẫu thuật tương đối khó. Tình trạng tắc nghẽn lâu dài do hẹp niệu đạo khiến bệnh nhân Nhường phải đối mặt với nguy cơ bị ảnh hưởng đến chức năng bàng quang và chức năng thận. Việc đặt ống thông tiểu dễ diễn tiến đến nhiễm trùng và kích thích tạo sỏi vùng đặt ống, tạo sỏi đường tiết niệu, suy thận và hiếm muộn do tinh dịch không có đường thoát ra.
Ê kíp phẫu thuật đã thực hiện tạo hình hẹp niệu đạo cho bệnh nhân trong hơn 6 tiếng đồng hồ bằng phương pháp vi phẫu với sự trợ giúp của máy soi dây mềm với đường ống có kích thước nhỏ chừng 5.3mm luồn vào niệu đạo, uốn dễ dàng qua các góc cong tự nhiên của cơ thể mà không gây tổn thương niệu đạo. Nhờ máy soi dây mềm mà phẫu thuật viên xác định được đường đi chính xác của niệu đạo và đảm bảo các mối nối chính xác.
"Chỉ sau 1 tuần phẫu thuật, tôi đã đi tiểu lại bình thường sau hơn 4 năm khổ sở với dây ống quanh người và mùi hôi khai đầy ám ảnh. Tôi mừng rơi nước mắt", anh Nhường chia sẻ.
Gia đình nhỏ này chuẩn bị đón thêm một tin vui nữa khi chị Hồng đang mang thai đứa con thứ 2 được 3 tháng. Ảnh: NĐ
Anh Nhường chia sẻ: "Sau khi bệnh được chữa, tôi trở lại cuộc sống bình thường. Lúc này tôi mới dám nghĩ đến chuyện lập gia đình và sinh con cái. Cũng may, người phụ nữ mà tôi yêu đã luôn bên cạnh tôi những lúc khó khăn nhất".
Một năm sau khi chữa khỏi bệnh, tin vui đến với gia đình bé nhỏ của anh Nhường và chị Hồng là sự chào đời của bé Nguyễn Hoàng Bảo Khang. Hiện tại, họ chuẩn bị đón thêm một tin vui nữa khi chị Hồng đang mang thai đứa con thứ 2 được 3 tháng.
Vượt qua mọi khó khăn, mặc cảm, khủng hoảng,... Cuối cùng tình yêu giữa họ cũng đơm hoa kết trái.
Hẹp niệu đạo, bệnh phổ biến ở nam giới
Ths BS Đỗ Lệnh Hùng, Trưởng khoa Niệu đạo BV Bình Dân cho biết, hẹp niệu đạo là bệnh lý niệu khoa thường biểu hiện sau viêm nhiễm hay sau một chấn thương. Hẹp niệu đạo nếu không được điều trị đúng cách ngay từ ban đầu sẽ gặp khó khăn trong giai đoạn về sau và dễ tái phát.
Ths BS Đỗ Lệnh Hùng chia sẻ về bệnh lý hẹp niệu đạo. Ảnh: NĐ
Cũng theo bác sĩ Đỗ Lệnh Hùng, BV Bình Dân vẫn thường xuyên tiếp nhận và xử trí nhiều trường hợp tai nạn vùng hạ bộ cho cánh mày râu, trong đó không ít trường hợp do tai nạn lao động, tai nạn giao thông gây gãy xương chậu, đứt niệu đạo... Di chứng của những tai nạn này thường khiến bệnh nhân bị hẹp niệu đạo, tiểu khó; một số trường hợp phải mở thông tiểu ra da, bệnh nhân phải mang ống thông tiểu bên mình suốt đời. Thậm chí, có trường hợp mất luôn "khả năng đàn ông".
Trung bình mỗi tuần, BV Bình Dân phẫu thuật cho 4-5 trường hợp hẹp niệu đạo. Riêng trong năm 2016 vừa qua, đã phẫu thuật cho 250 trường hợp. Có những trường hợp rất trẻ, độ tuổi lao động. Bệnh không chỉ gây tổn thương về thể xác mà còn gây tổn thương về tinh thần, bệnh nhân thường mặc cảm, tự ti.
"Phẫu thuật tạo hình niệu đạo là phương pháp điều trị duy nhất hiệu quả cho tình trạng hẹp niệu đạo. Đây là vi phẫu phức tạp, đòi hỏi sự tinh tế, kinh nghiệm và tay nghề của bác sĩ và những phương tiện máy móc của ngành niệu khoa", bác sĩ Hùng cho hay.
(CAO) Hẹp niệu đạo có thể gây ra các tình trạng như tiểu khó, tiểu gấp, tiểu đau, dòng nước tiểu yếu, lượng nước tiểu giảm, nước tiểu sậm màu hoặc máu trong nước tiểu, đau bụng dưới, tiết dịch niệu đạo...