Thạch rau câu, trân châu trà sữa: Hung thần 'ngọt ngào' cướp sinh mạng trẻ nhỏ

Thứ Hai, 06/03/2017 11:44  | Ngô Đồng

|

(CAO) Ăn xong miếng thạch rau câu, bé trai 5 tuổi ngã xuống nền nhà, cơ thể tím tái. Cháu được đưa đến viện nhưng đã muộn.

Tử vong thương tâm vì thạch rau câu

BS Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, BV vừa tiếp nhận xử trí cho một trường hợp hóc dị vật đường thở rất thương tâm.

Bé trai 5 tuổi, ngụ tại quận 10, TP.HCM được đưa đến BV trong tình trạng tím tái, ngưng tim ngưng thở.

Người nhà cho biết, trước đó, bé ăn thạch rau câu nhưng bé mút mạnh quá khiến bị sặc. Ngay sau đó, bé có biểu hiện nghẹn thở, người nhà lập tức sơ cứu bằng cách vỗ lưng, ấn ngực nhưng bất thành nên lập tức đưa bé đi cấp cứu.

Trẻ em được điều trị tại khoa Cấp cứu BV Nhi Đồgn 1. Ảnh: NĐ

Tuy nhiên, khi đến BV thì bé đã trong tình trạng tím tái, ngưng tim ngưng thở. Mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng bé vẫn không qua khỏi.

BS Phương cho biết, cách đây 2 năm, cũng có một trường hợp trẻ hóc thạch rau câu tương tự được đưa đến BV Nhi Đồng 1. Mặc dù bé may mắn được cứu sống, nhưng để lại di chứng khá nặng nề, bé gần như bị bại não.

BS Đinh Tấn Phương cho biết thêm, đây không phải là những trường hợp hóc dị vật đường thở hiếm gặp. BV Nhi Đồng 1 TP.HCM vẫn thường xuyên xử trí những ca tương tự. Ngoài hóc thạch rau câu, trẻ còn dễ bị hóc loại trân châu trong trà sữa. Đối với các trẻ nhỏ còn uống sữa, còn có tình trạng sặc sữa.

Thận trọng khi cho trẻ ăn thạch rau câu, trân châu

Lâu nay phụ huynh vẫn coi thạch, trân châu là món ăn ngon và vô hại của trẻ. Thực tế, đây không phải là vụ tai nạn chết người đầu tiên do thạch gây ra.

BS Phương lý giải, thạch rau câu, trà sữa trân châu là những loại thực phẩm ưa thích của nhiều trẻ. Tuy nhiên, khi ăn, uống những thực phẩm này, trẻ thường có khuynh hướng phải mút mạnh để đưa thực phẩm vào miệng. Chính điều này làm tăng nguy cơ đẩy thực phẩm lọt qua đường thở, khiến trẻ ngạt. Nếu xử trí không kịp thời thì trẻ rơi vào tình cảnh nguy kịch.

BS Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 1 TP.HCM chia sẻ các trường hợp hóc dị vật đường thở. Ảnh: NĐ

Những dị vật có góc cạnh thường khi bị hóc vẫn còn khe hở cho trẻ tiếp tục thở được, nhưng những vật thể tròn, trơn, nhẵn như thạch rau câu khi rơi xuống thanh quản thì càng khít và gây nghẹt thở càng nhanh. Hơn nữa, do thạch mềm, có thể biến đổi hình dạng nên sẽ bít đường thở và gây tử vong rất nhanh. Ngay cả trường hợp cấp cứu kịp thời, bác sĩ cũng rất khó khăn để lấy ra nên trẻ thường bị di chứng nghiêm trọng sau này.

Theo ghi nhận, đa số các mặt hàng rau câu đang được nhiều tiệm tạp hóa. Mặt hàng này khá bắt mắt với đủ loại và đầy đủ màu sắc xanh, đỏ, tím vàng… Ngoài ra, trà sữa trân châu cũng rất bắt mắt trẻ nhỏ. Tuy nhiên, phụ huynh cần thận trọng, lưu ý cho trẻ ăn để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Bác sĩ Phương khuyến cáo, khi trẻ dưới 5 tuổi ăn rau câu, trân châu phải có sự giám sát của người lớn. Trường hợp trẻ bị hóc thạch rau câu nói riêng hoặc các dị vật khác, người lớn tuyệt đối không được dùng tay móc họng trẻ nhằm tránh nguy cơ đẩy dị vật vào sâu hơn.

Khi thấy trẻ tím tái có thể áp dụng biện pháp đặc biệt: Vỗ lưng, ấn ngực,... nhằm tạo áp lực trong lồng ngực và đường thở để tống dị vật ra khỏi đường thở.

Tuy nhiên, cách sơ cứu này đòi hỏi kỹ thuật phải khá tốt, sau khi sơ cứu nên đưa ngay trẻ đến bệnh viện, trung tâm y tế gần nhất.

Để phòng tranh các tai nạn đang tiếc do hóc thạch rau câu hoặc các dị vật khác, BS Đinh Tấn Phương còn khuyến cáo thêm, hóc dị vật có thể xảy ra bất cứ lúc nào với trẻ nên người lớn tuyệt đối không để trẻ chơi các vật có thể nhét vừa vào miệng, khi cho trẻ ăn các loại trái cây trơn như nhãn, vải… phải bỏ hạt, cắt nhỏ từng miếng. Đặc biệt đối với thạch rau câu, người lớn phải hết sức thận trọng, chia nhỏ từng phần trước khi cho trẻ ăn.

Nên đưa kỹ năng sơ cứu hóc dị vật vào giảng dạy trong trường học

BS Đinh Tấn Phương chia sẻ kỹ thuật cấp cứu dị vật đường thở:

- Trẻ dưới 2 tuổi thì vỗ lưng, ấn ngực.

- Trẻ trên 2 tuổi: Kỹ thuật Heimlich

+ Kỹ thuật vỗ lưng, ấn ngực: Để trẻ lên đùi hoặc trên cánh tay, đầu để thấp, giữ chặt đầu và cổ trẻ bằng bàn tay. Dùng gót bàn tay vỗ lưng 5 cái thật mạnh vào khoảng giữa 2 xương bả vai. Sau đó lật ngửa trẻ sang tay. Nếu trẻ cỏn khó thở, ấn ngực 5 cái trên xương ức bằng 2 ngón tay.

BS Đinh Tấn Phương chia sẻ kỹ thuật cấp cứu vỗ lưng, ấn ngực: Ảnh: NĐ

+ Thủ thuật Heimlich:

-> Trẻ tỉnh: Đứng sau lưng trẻ và vòng tay ôm lấy trẻ. Đặt 1 bàn tay làm thành nắm đấm ở vùng thượng vị, ngay dưới mũi ức; bàn tay kia đặt chồng lên. Ấn mạnh và nhanh theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên. Có thể lặp lại 5 lần.

-> Trẻ hôn mê, dùng thủ thuật Heimlich nằm: Người cấp cứu quỳ chân đối diện trẻ, đặt 1 bàn tay lên vùng thượng vị, ngay dưới mũi ức, đặt tiếp bàn tay thứ 2 lên bàn tay thứ nhất, ấn mạnh và nhanh vào bụng theo hướng từ trước ra sau và từ trên xuống. Có thể lặp lại 5 lần.

BS Đinh Tấn Phương chia sẻ kỹ thuật cấp cứu Heimlich. Ảnh: NĐ

Lưu ý: Nếu bệnh nhân đã ngưng thở phải thổi ngạt 2 cái chậm có hiệu quả hoặc bóp bóng qua mask trước và xen kẽ thổi ngạt khi làm thủ thuật Heimlich hoặc vỗ lưng ấn ngực cho đến khi bệnh nhân thở lại.

Trường hợp sơ cứu không hiệu quả, phải gọi ngay cấp cứu 115. Trong thời gian đưa trẻ đến bệnh viện, phải tiếp tục ấn ấn ngực cho trẻ.

Tuy nhiên, cách sơ cứu này đòi hỏi kỹ thuật phải khá tốt. Do đó, khuyến cáo nên đưa vào giảng dạy trong trường học từ bậc phổ thông để mọi người có thể ứng cứu kịp thời khi trẻ gặp sự cố. Vì thời gian vàng để cứu trẻ chỉ trong khoảng 4 phút đầu khi trẻ bị hóc, nên người thân, người gần trẻ nhất là sơ cứu tốt nhất để cứu trẻ. Nhiều trường hợp, trẻ không được sơ cứu đúng cách nên không qua khỏi, rất thương tâm

Bình luận (0)

Lên đầu trang