Hạt ô môi kẹt trong đường thở, cơ thể bé gái phồng lên như quả bóng hơi

Thứ Sáu, 15/04/2016 11:47

|

(CAO) Được mẹ cho ăn trái ô môi khi đang nằm võng, bé gái 3 tuổi bất cẩn nuốt luôn hạt ô môi. Hạt bị kẹt lại trong đường thở, bé gái phải nhập viện trong tình trạng cơ thể sưng phù.

Tai nạn xảy ra với bé D.N.T.V (3 tuổi, ngụ tại Cần Thơ).

Bác sĩ Nguyễn Thế Huy, Phó Trưởng Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, bé nhập viện ngày 11-4 trong tình trạng ho nhiều, sốt, mặt sưng tím tái, lưng và ngực cũng sưng.

“Cả người bé phồng lên như quả bóng bơm hơi, ấn tay nhẹ vô có tiếng lép bép”, bác sĩ Huy nói.

Ngay lập tức, bé được các bác sĩ tiến hành chụp Xquang phổi, phát hiện dị vật bít có kích cỡ 18mm “bít kín” hoàn toàn phế quản bên phải.

Chụp Xquang phổi phát hiện dị vật bít hoàn toàn phế quản bên phải.
Dị vật được lấy ra

Đặc biệt, ngay ngã 3 khí quản có vết rách gây ra tình trạng tràn khí trung thất và tràn khí dưới da vùng ngực hai bên rất nguy hiểm.

“Nếu tiến hành gây mê bé để cấp cứu khi đưa oxy vô thì càng nguy hiểm vì có vết rách”, bác sĩ Huy kể lại.

Sau quá trình hội chẩn, các bác sĩ quyết định dùng kìm bóp bể dị vật và gắp ra từng mảnh nhỏ. Riêng vết rách ở ngã 3 thì sẽ để tự lành tự nhiên.

Hiện tại, bệnh nhi đã hồi phục khá tốt, tràn khí đã có dấu hiệu giảm nhưng vẫn còn phải theo dõi trong 3 tuần nữa.

Mẹ của bé cho biết, trước đó có cho bé ăn trái ô môi (cây ô môi mọc hoang và được trồng ở nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, quả hình trụ dẹt dài 40–60cm, cong như lưỡi liềm, đường kính 3–4cm, bên trong trái có 50-60 ô, mỗi ô chứa một hạt dẹt màu vàng cứng, quanh hạt có cơm màu nâu đen, vị ngọt, mùi hắc) trong lúc bé đang nằm võng. Bất ngờ bé bị sặc, tím tái. Bé có nói với mẹ là lỡ nuốt hạt ô môi.

Trái ô môi

Ngay sau đó, người nhà đã đưa bé đến bệnh viện huyện. Tại đây, các bác sĩ khám rồi cho thuốc về uống.

Về nhà, tình trạng ho của bé ngày càng nặng. Đến ngày 10-4 mặt bé có biểu hiện sưng phù. Tình trạng sưng phù tăng nhanh một cách rõ rệt nên người nhà đưa bé đến bệnh viện Cần Thơ. Tại đây, các bác sĩ nghi bé mắc dị vật đường thở nên đã chuyển bé đến bệnh viện Nhi Đồng 1.

Qua trường hợp này, bác sĩ Huy khuyến cáo phụ huynh nên cẩn thận khi cho trẻ ăn uống hoặc cầm đồ chơi nhỏ, vì đồ chơi nhỏ trẻ dễ bỏ vào miệng ngậm và nuốt. Khi cho trẻ ăn không nên đặt trẻ vừa nằm vừa ăn.

Bác sĩ Huy kiểm tra lại tình trạng sức khỏe của bé

Phụ huynh cũng đừng để trẻ tự ăn những loại đậu, hạt dưa, hạt hướng dương... Cần chú ý khi cho trẻ ăn các loại quả nhỏ có hạt như chôm chôm, nhãn, vải và mãng cầu...

Trong trường hợp nghi ngờ trẻ mắc hóc dị vật (có biểu hiện tím tái, khó thở…), tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ em vì như thế sẽ đẩy dị vật vào sâu hơn. Nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Bình luận (0)

Lên đầu trang