Sau thị sát của Bộ trưởng, tạm ngưng hoạt động 2 phòng khám có bác sĩ Trung Quốc

Thứ Bảy, 13/05/2017 07:03  | Ngô Đồng

|

(CAO) Thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, Thanh tra Sở Y tế vừa ra thông báo xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 phòng khám có yếu tố nước ngoài, trong đó tạm ngưng hoạt động của 2 phòng khám để chấn chỉnh điều kiện hoạt động.

Vào gần cuối tháng 4 vừa qua, Đoàn Bộ Y tế phối hợp cùng với Sở Y tế TP.HCM đã tiến hành thanh kiểm tra 3 phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài. Tại đậy, đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm của các phòng khám này. 

Đoàn Bộ Y tế phối hợp cùng với Sở Y tế TP.HCM đã tiến hành thanh kiểm tra các phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài

Cụ thể như tại phòng khám Đa khoa Raffles Medical (167A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3) bị xử phạt gần 16 triệu đồng với các sai phạm lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.

Tại phòng khám Mayo (35B - 35C đường 3/2, phường 11, quận 10), thanh tra Sở đã quyết định xử phạt hành chính 36 triệu đồng với những vi phạm như biển hiệu phòng khám ghi không đúng so với nội dung ghi trong Giấy phép hoạt động; Không bảo đảm các điều kiện về nhân lực trong quá trình hoạt động; Người phiên dịch chưa được công nhận đủ trình độ phiên dịch dịch sang tiếng Việt; Quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.

Còn tại phòng khám Nguyễn Trãi (277 Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) bị phạt hơn 42 triệu đồng với các vi phạm như lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật; Lập sổ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật; Không bảo đảm các điều kiện về nhân lực trong quá trình hoạt động; Không bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất trong quá trình hoạt động; Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quá phạm vi chuyên môn được ghi trong Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Phòng khám Nguyễn Trãi (277 Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) bị phạt hơn 42 triệu đồng với các vi phạm

Ngoài việc xử phạt hành chính, Thanh tra Sở buộc 3 phòng khám trên tháo gỡ, xóa quảng cáo mà nội dung quảng cáo chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc nội dung quá phạm vi chuyên môn được ghi trong Giấy phép hoạt động.

Ngoài ra, Sở Y tế TP.HCM có thông báo về việc tạm ngưng hoạt động của Phòng khám đa Mayo và phòng khám Nguyễn Trãi để khắc phục các điều kiện để hoạt động. Sau khi khắc phục, các đơn vị có văn bản gửi Sở Y tế để được xem xét thẩm định để được tiếp tục hoạt động.

Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện TP có 197 phòng khám đa khoa tư nhân, trong đó có 21 phòng khám đa khoa liên quan đến yếu tố nước ngoài gồm: 12 phòng khám đa khoa đăng ký hành nghề với quốc tịch Trung Quốc và 9 phòng khám còn lại đăng ký hành nghề với các quốc tịch như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Pháp...

Trong 4 tháng đầu năm 2017, Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra đột xuất 34 cơ sở và đều phát hiện vi phạm, phạt hành chính với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng. Cụ thể ở phòng khám đa khoa, kiểm tra 11 cơ sở thì có 10 cơ sở vi phạm hành chính và 1 cơ sở bị đình chỉ hoạt động; phòng khám có yếu tố nước ngoài kiểm tra 7 phòng khám thì có 6 cơ sở vi phạm trong đó đình chỉ hoạt động một cơ sở.

Còn trong năm 2016, qua kiểm tra 143 phòng khám đa khoa, thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã phát hiện 24 cơ sở vi phạm hành chính và 4 cơ sở bị tước giấy phép hoạt động. Riêng kiểm tra 14 phòng khám có yếu tố nước ngoài thì phát hiện 100% cơ sở vi phạm, trong đó có 2 cơ sở bị tước giấy phép hoạt động.

Theo Sở Y tế TP.HCM, thách thức lớn nhất trong việc quản lý các phòng khám tư nhân đặc biệt là các phòng khám có yếu tố nước ngoài là một số hành vi sai phạm chưa có điều khoản áp dụng xử phạt như kê toa trong điều trị ngoại trú; cung cấp dịch vụ vượt quá danh mục kỹ thuật,...

Đặc biệt, có một số phòng khám đa khoa liên quan yếu tố nước ngoài có hiện tượng đối phó với đoàn thanh tra như: gắn các thiết bị theo dõi, báo động từ xa; trì hoãn, kéo dài thời gian để bác sĩ và nhân viên tìm cách đối phó; lập hồ sơ sổ sách sơ sài, ghi bằng ngôn ngữ khác không phải bằng tiếng Việt để gây khó khăn cho các cơ quan thanh, kiểm tra trong việc xử lý vi phạm.

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu Sở Y tế TP.HCM cần chấn chỉnh ngay, kịp thời không thể để tình trạng này tồn tại gây thiệt hại cho người bệnh. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, để công tác này hiệu quả hơn, cần phối hớp với các bộ phận như công an khu vực, phòng y tế… liên tục kiểm tra các phòng khám này.

Bộ trưởng Kim Tiến đột xuất kiểm tra các phòng khám bị tố 'vẽ bệnh để móc túi'

Bình luận (0)

Lên đầu trang