Núp bóng cải tạo mặt bằng, khai thác khoáng sản trái phép

Thứ Sáu, 12/05/2017 15:25  | Hoàng Quân

|

(CAO) Được chính quyền địa phương hợp đồng “bằng miệng”, doanh nghiệp tiến hành cải tạo đất để đảm bảo mặt bằng cho dự án.

Tuy nhiên, đơn vị này đã đào múc hàng nghìn khối cát chở đi bán cho dự án đường giao thông. Từng bị đình chỉ nhưng doanh nghiệp tiếp tục sai phạm, ngang nhiên trộm khoáng sản đem bán.

Rầm rộ “cát tặc” trên dự án nông nghiệp

Nhận được phản ánh của người dân xã Trung Giang (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) phản ánh, bức xúc về việc trong vòng 1 tháng nay, hàng trăm lượt xe tải rầm rập qua lại trên các tuyến đường, chở cát để cung cấp cho dự án đường giao thông, làm vật liệu cho các công trình xây dựng.

Xe tải được múc đẩy cát để chở đi khỏi địa bàn phục vụ cho dự án làm nền đường giao thông

Phóng viên Báo CA TP.HCM chúng tôi nhiều lần tìm cách tiếp cận khu vực đồi cát (có rừng cây tràm) ở thôn Cang Gián (xã Trung Giang) và chứng kiến cả khu vực rộng lớn bị xẻ nát, đào bới nham nhở. Từ con đường 76 rẽ vào đồi cát là đến khu vực trồng dứa nguyên liệu.

Số cây dứa này do UBND xã Trung Giang triển khai cùng người dân địa phương tổ chức thực hiện theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo sinh kế về cây trồng vùng cát (cụ thể là trồng dứa) cho người dân bị ảnh ưởng bởi sự cố môi trường do Fomosa Hà Tĩnh gây nên, UBND tỉnh Quảng Trị ký kết hợp tác liên kết với Học viện nông nghiệp và Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư.

Với cả thảy 16 hộ dân ở xã trực tiếp tham gia trồng dứa, được hỗ trợ về giống, kỹ thuật, phân bón, chuyển giao quy trình kỹ thuật, cam kết thu mua sản phẩm,…

Chiếc xe máy múc được tài xế điều khiển rời khỏi hiện trường, giấu vào rừng cây tràm

Nắng chói chang trên vùng cát bao la. Những cây dứa non héo úa, sống dở chết dở và có nguy cơ chết sạch nếu không được tưới nước kịp thời. Xung quanh ruộng dứa là vành đai cát và khe cát. Cát được san lấp, đào bới sâu xuống dưới bằng máy múc rồi tập kết thành từng đống cao chờ cho xe tải chở đi. Từ xa chúng tôi thấy chiếc máy múc với cái cần, gàu múc như cánh tay khổng lồ ngoạm xuống đất rồi nâng lên đổ vào thùng xe tải.

Cả khu vực náo nhiệt bởi có gần chục chiếc xe tải ra vào. Khi thấy người lạ đem máy ảnh ra, các tài xế điều khiển xe tải liền nháo nhác, í ới rồi bốc điện thoại gọi cho ai đó. Một lát sau, cả khu vực như “bầy ong vỡ tổ”, các tài xế điều khiển xe chạy khỏi, không kịp chờ máy xúc đưa cát lên xe. Một số xe khác đã múc đầy cát chuẩn bị che bạt để di chuyển cũng vội vàng trút hết cát xuống rồi chạy xe không ra ngoài.

Chiếc máy múc cũng dừng xúc đất, di chuyển lên phía đồi tràm, tài xế tắt máy, đóng cửa đi trốn. Khi phóng viên tiến lại gần, tài xế liền hùng hổ trèo lên ca bin, nổ máy quay đầu rồi quơ cái ngoàm khổng lồ về phía người chụp ảnh, quay phim. Khi đồng nghiệp chúng tôi tiến đến lên tiếng, lái xe múc mới điều khiển máy rời khỏi hiện trường, khuất xa dần trong cánh rừng tràm.

Cát từ cải tạo mặt bằng dự án được vận chuyển đến thi công dự án đường giao thông

Được biết, việc khai thác cát và chở ra khỏi địa bàn được thực hiện trong mấy ngày nay. Trong sáng 10-5, hoạt động này diễn ra bình thường. Chiều 10-5, đoàn công tác do ông Hà Sỹ Đồng – phó Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu về kiểm tra thực tế dự án trồng dứa thì doanh nghiệp này “án binh bất động”, sau đó thì cho người, máy móc, xe tải đến hoạt động rất rầm rộ. Đại diện doanh nghiệp thừa nhận đã khai thác, vận chuyển được khoảng hơn 1.000 khối cát ra khỏi địa bàn.

Chiều 11-5, ông Trương Chí Trung – Chủ tịch UBND huyện Gio Linh bày tỏ bất ngờ và cho biết sẽ chỉ đạo địa phương, cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra lại. Đúng như lời hứa ấy, khoảng gần 30 phút sau, lãnh đạo, cán bộ phòng Tài nguyên môi trường huyện Gio Linh và Công an xã Trung Giang về hiện trường xác minh sự việc.

Lúc này, toàn bộ xe tải, máy móc đã chạy khỏi hiện trường. Theo dấu vết bánh xe, chúng tôi đi theo trong rừng cây tràm được khoảng vài trăm mét thì phát hiện chiếc máy múc đất đậu lấp sau những cây tràm to lớn, gần với khu vực khai thác mỏ titan của Công ty Thống Nhất. Lãnh đạo Công an huyện Gio Linh cho biết sẽ triển khai lực lượng xác minh làm rõ.

Doanh nghiệp sai phạm có lỗi của chính quyền địa phương

Việc khai cải tạo mặt bằng cho dự án (trên diện tích 5ha), khai thác cát rồi chở ra khỏi địa bàn được thực hiện bởi Doanh nghiệp tư nhân Lương Lệ (đóng tại thôn Thủy Bạn, xã Trung Giang).

Quá trình theo dõi đoàn xe và xác minh từ các tài xế cho thấy, cát được chở đưa đến phục vụ san lấp, làm mặt bằng cho tuyến đường nối từ Quốc lộ 1A (đoạn thuộc xã Trung Sơn, huyện Gio Linh) đến Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn (huyện Cam Lộ) do Công ty cổ phần Thành An (trụ sở xã Gio Châu, huyện Gio Linh) thi công, Ban quản lý giao thông 6 – Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư.

Xe dán lô gô của doanh nghiệp Bình Minh (đóng tại thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) tham gia chở cát lậu

Ông Trần Xuân Tưởng – Chủ tịch UBND xã Trung Giang cho biết: “Doanh nghiệp Lương Lễ được xã mời thực hiện cải tạo mặt bằng cho dự án theo hình thức xã hội hóa (có hỗ trợ 25 triệu đồng). Cách đây 20 ngày, xã phát hiện doanh nghiệp này khai thác cát trái phép, chở ra khỏi địa bàn nên cùng cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý, lập biên bản và buộc đình chỉ. Trong thời gian này đang chờ làm thủ tục cấp phép để doanh nghiệp cải tạo mặt bằng”.

Sau khi ghi nhận thực tế tại hiện trường, ông Nguyễn Đăng Anh – Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện Gio Linh trao đổi: “Theo báo cáo của xã thì xã không có kinh phí nên hợp đồng với một đơn vị theo hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên với chức năng chuyên môn, về quản lý lĩnh vực, chúng tôi yêu cầu làm gì thì phải có phương án rõ ràng, phải có quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì mới được san lấp mặt bằng, hạ thấp độ cao, đúng theo quyết định 27 ngày 20-7-2014 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc quản lý, khai thác đất làm vật liệu san lấp công trình.

Trước đây doanh nghiệp Lương Lệ đã bị đình chỉ hoạt động tại khu vực trên và chúng tôi đã yêu cầu tập kết cát sang một bên sau đó chờ hướng xử lý, khi nào đủ giấy phép mới được tiếp tục thực hiện. Mấy ngày nay họ làm lại có thể do yêu cầu tiến độ của dự án. Tuy nhiên, qua thực tế chúng tôi phát hiện sai phạm vì khai thác cát đưa ra ngoài trong vùng dự án nên lập biên bản hiện trường, báo cáo Chủ tịch huyện xin ý kiến chỉ đạo để có hướng xử lý sau đó gửi thông tin kết quả xử lý đến báo chí”.

Xe tải đổ lại cát tại hiện trường

Lẽ ra sau khi doanh nghiệp Lương Lệ bị đình chỉ, để phục vụ cho dự án và đảm bảo đúng tiến độ thì UBND xã, UBND huyện và các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm hướng dẫn cho doanh nghiệp thực hiện các thủ tục xin cấp phép cải tạo đất để phục vụ dự án. Đáng tiếc việc này đã không được thực hiện và doanh nghiệp tiếp tục tái phạm với quy mô lớn, mức độ nghiêm trọng hơn trước.

Bà Dương Thị Xuân – phó Chủ tịch UBND xã Trung Giang xác nhận: “Toàn bộ chi phí cho dự án, xã chỉ nhận được 25 triệu đồng từ Phòng Nông nghiệp huyện Gio Linh đưa về sau đó đưa cho doanh nghiệp Lương Lệ để thực hiện cải tạo mặt bằng cho dự án. Xã chỉ “hợp đồng” bằng miệng, không có văn bản nào. Chúng tôi thừa nhận có sai tuy nhiên do áp lực phải giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ nên có sự nóng vội. Khi đào lên, cát nhiều nếu để tập kết thành đống cao như vậy thì lỡ gió Lào sẽ san lấp cây giống đã trồng”.

Clip núp bóng cải tạo mặt bằng, khai thác khoáng sản trái phép:

Bình luận (0)

Lên đầu trang