Đà Nẵng:

Tổng cục Du lịch ‘đối thoại riêng’ với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng sau ‘tâm thư’ về Sơn Trà

Thứ Năm, 11/05/2017 22:08

|

(CAO) Chiều ngày 11-5, cuộc đối thoại giữa Tổng cục Du lịch với Hiệp hội du lịch TP. Đà Nẵng về Sơn Trà đã được diễn sau “tâm thư” của chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng xem xét lại “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà - TP Đà Nẵng”.

Họp kín, cấm báo chí?

Thời gian vừa qua, vấn đề bán đảo Sơn Trà đang phải đối mặt với bê tông hóa, bị các công trình xây dựng phục vụ du lịch không phép “băm nát” khiến người dân Đà Nẵng bức xúc, dư luận hết sức quan tâm…

Theo ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, người gửi “tâm thư” lên Thủ tướng Chính phủ, đề nghị xem xét lại “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch Quốc gia Sơn Trà- TP.Đà Nẵng” ngay trước giờ vào cuộc họp lúc 15 giờ 30 phút chiều ngày 11-5 cho biết: “Thật sự tôi rất lo lắng cho cuộc họp chiều nay. Bao nhiêu niềm mong đợi của các nhà khoa học tâm huyết, bạn bè trong nước, quốc tế và của hơn 10.720 chữ ký người dân gởi gắm hy vọng, mong giữ được Sơn Trà”.

Ông Huỳnh Tấn Vinh- Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng

Trước đó, ngay cả Bí Thư thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Anh vào ngày 28-4 vừa qua cũng có một bức “tâm thư” gây “bão dư luận” gửi Ban Tổ chức “Hội thảo Giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng”. Trong thư, ông đã tâm huyết mong nhận được những hiến kế để bảo vệ Sơn Trà, lá phổi xanh của TP.Đà Nẵng cũng như tìm nhiều phương cách vừa bảo tồn loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm Voọc chà vá chân nâu, ngăn chặn những lùm xùm công trình xây dựng sai phạm, không phép đã “băm nát” Sơn Trà trong thời gian qua…

Cũng không chỉ riêng ông Bí thư thành ủy Đà Nẵng, hay ông Chủ tịch Hiệp hội Du lịch, mà tất cả người dân Đà Nẵng, dù ở vị trí nào, lãnh đạo hay chỉ là một người dân bình thường nhất đều luôn yêu quý, trăn trở, mong muốn tìm biện pháp giữ lấy “lá phổi xanh” của thành phố.

Bê tông hóa Sơn Trà

Tuy nhiên, ngay chiều 11-5, trả lời báo chí về việc “cấm cửa”, chỉ họp kín. Mặc dù đã có rất đông phóng viên, các đơn vị truyền thông đóng trên địa bàn Đà Nẵng quan tâm, có mặt từ rất sớm tại trụ sở Văn phòng Bộ tại Đà Nẵng (số 1 An Nhơn, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) đề nghị tham dự, đưa tin về cuộc họp “nóng” này…

Ông Hà Văn Siêu- Tổng Cục phó Tổng Cục du lịch (thuộc Bộ VHTT&DL) người chủ trì buổi làm việc với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng lại cho rằng: “Đây là cuộc họp riêng giữa lãnh đạo Tổng cục và Hiệp hội du lịch. Thành phần cuộc họp sẽ chỉ có ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội và các Phó chủ tịch. Cuộc họp sẽ bàn về các kiến nghị của Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, nhưng thời gian cũng ngắn nên không mời báo chí”. Nếu sau này cần, tôi sẽ xin ý kiến Bộ trưởng và tổ chức họp báo?!”.

Khi Sơn Trà nguy cơ “mất dần hệ sinh thái”

Bán đảo Sơn Trà nằm về phía Đông Bắc TP.Đà Nẵng, phía Tây giáp vịnh Đà Nẵng thuộc vành đai biên giới biển Việt Nam, phía Đông Bắc và Đông Nam giáp biển Đông, phía Tây Nam giáp đất liền. Bán đảo Sơn Trà hội tụ đủ ba yếu tố về hệ sinh thái đặc biệt, vị trí quốc phòng an ninh trọng yếu và tiềm năm phát triển kinh tế…

Cuộc “đối thoại” giữa Tổng cục Du lịch với Hiệp hội du lịch TP. Đà Nẵng về Sơn Trà đã được diễn ra tại Đà Nẵng. Tuy nhiên “chỉ họp kín”, báo chí không được tham dự?!

Trong Mục 2 Điều 1 Quyết định 2163/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu rõ: Quy hoạch tổng thể du lịch quốc gia bán đảo Sơn Trà hướng tới mô hình khai thác hợp lý tài nguyên rừng và biển, bảo tồn đa dạng sinh học, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên rừng, biển và phòng chống thiên tai. Ngày 9-11-2016, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể Phát triển Khu du lịch Quốc gia (DLQG) Sơn Trà, TP.Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến 2030 theo Quyết định số: 2163/QĐ-TTg.

Quy hoạch do Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Tổng cục Du lịch nghiên cứu, xây dựng. Theo đó, mục tiêu phát triển là đến 2030 Khu DLQG Sơn Trà thành trung tâm Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, đặc sắc của Duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước, là một điểm đến quan trọng trên tuyến du lịch đường bộ và đường biển quốc gia..

Chỉ tiêu đến năm 2025 đón 3,5 triệu lượt du khách (khách lưu trú 180.000 lượt); đến năm 2030 đón 4,6 triệu lượt du khách (khách lưu trú 300.000 lượt); hình thành các Trung tâm, cụm Dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp quy mô đến năm 2030 có khoảng 1.600 phòng khách sạn... Theo dự báo đến năm 2020, Sơn Trà có thể đón được 450 ngàn lượt khách và đến năm 2030 sẽ đón được 1,4 triệu lượt khách và khách lưu trú đạt khoảng 20% vào năm 2020 và trên 25% vào năm 2030...

Cũng theo dự báo chỉ số phát sinh chất thải rắn từ hoạt động du lịch sẽ là 1,2kg/người/ngày vào năm 2020 và khoảng 1,4kg chất thải rắn/người/ngày vào 2030… Vậy, câu hỏi đặt ra rằng với 30 dự án du lịch và quy hoạch 16.000 phòng ở bán đảo Sơn Trà, hạ tầng xử lý chất thải sẽ được xử lý như thế nào trong khi đây là Khu bảo tồn thiên nhiên không có hệ thống hạ tầng cấp thoát nước như ở đô thị để kết nối?.

Được biết, Sơn Trà, từng là một trong 10 khu rừng cấm của Việt Nam từ năm 1977. Đến năm 1992 được đổi thành tên Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà với tổng diện tích 4.439 ha. Tuy nhiên, theo Quyết định 6758/QĐ-UBNDngày 20/08/2008 của Ủy ban Nhân dân TP.Đà Nẵng về việc phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2008-2020 thì diện tích rừng ưu tiên bảo vệ hay rừng đặc dụng Sơn Trà chỉ còn 2.591,1 ha bao gồm rừng tự nhiên, rừng trồng, đất trống và đồi núi trọc. Như vậy, theo Quyết định này rừng đa dạng sinh học tại tại Bán đảo Sơn Trà đã giảm tới 1.847,9 ha hay tương đương 41% so với diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà được công nhận năm 1992.

Tính riêng ở bán đảo Sơn Trà, đến 2016, TP.Đà Nẵng đã cấp phép đầu tư và giao đất rừng cho 14 doanh nghiệp xây dựng các khu du lịch, biệt thự, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp… với tổng diện tích khoảng 1.225,45 ha, chiếm gần 30% tổng diện tích toàn khu bảo tồn. Phần lớn các dự án này được cấp phép đầu tư từ những năm 2000 -2010.

TP.Đà Nẵng đứng thứ hai cả nước về chuyển đổi rừng đặc dụng sang làm du lịch và dịch vụ. Với 1.086 ha rừng đặc dụng bị chuyển đổi trong giai đoạn 2006 – 2013, riêng Đà Nẵng chiếm tới 20% tổng diện tích rừng đặc dụng của cả nước bị chuyển đổi… Đáng lưu ý rằng, toàn bộ 1.086 ha rừng đặc dụng và 140 ha rừng sản xuất bị chuyển đổi này phải thực hiện trồng rừng thay thế.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra rằng Đà Nẵng là một thành phố với tốc độ đô thị hóa nhanh và diện tích cây xanh bình quân trên đầu người chỉ bằng 1/10 quy chuẩn xây dựng của Việt Nam thì liệu Đà Nẵng còn có đất cho việc trồng rừng thay thế?!. Rừng có thể trồng ở nơi khác nhưng chức năng lưu trữ các giá trị đa dạng sinh học đặc biệt và là bức bình phong chắn gió bão cho Đà Nẵng thì không thể di chuyển theo…

Với tốc độ đang bị thu hẹp diện tích khu bảo tồn thiên nhiên hay rừng đặc dụng Sơn Trà nhường chỗ cho các dự án du lịch phát triển như hiện nay. Thì liệu, ngôi nhà xanh, sự đa dạng sinh học gồm: 985 loại thực vật bậc cao (có 22 loại thực vật quý hiếm), trong đó quần thể loài Voọc Chà vá chân nâu không chỉ là loài động vật trong sách đỏ, cần được bảo vệ vô điều kiện của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới, là biểu tượng bảo tồn của Sơn Trà sẽ như thế nào!?...

Bình luận (0)

Lên đầu trang