Đà Nẵng:

“Tâm thư” xin nhận hiến kế bảo vệ Sơn Trà của Bí Thư Đà Nẵng nhận được “bão like” của dư luận

Thứ Sáu, 28/04/2017 14:54

|

(CAO) Trong thư gửi Ban Tổ chức “Hội thảo Giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng” vào ngày 28-4, Bí Thư thành ủy Đà Nẵng - Nguyễn Xuân Anh, đã tâm huyết mong nhận được nhiều “hiến kế” để bảo vệ Sơn Trà, lá phổi xanh của TP. Đà Nẵng.

Sơn Trà - Đà Nẵng hiện đang rất nóng dư luận trong cả nước về việc bảo tồn loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm Vooc chà vá chân nâu, cũng như những lùm xùm công trình xây dựng sai phạm, không phép thời gian vừa qua…

Được biết, hội thảo “Giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng” diễn ra vào sáng ngày 28-4 tại Tp. Đà Nẵng. Ngoài tham gia thảo luận, “hiến kế” của các giáo sư, chuyên gia khoa học đầu ngành về bảo vệ môi trường cùng các ngành chức năng, tổ chức bảo tồn, Hội thảo đã thu hút sự quan tâm rất lớn của các đơn vị truyền thông, báo chí và dư luận quan tâm Sơn Trà.

Hội thảo do Trung tâm con người thiên nhiên, nhóm nghiên cứu giảng dạy Môi trường & Tài nguyên sinh vật - ĐH Đà Nẵng, Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Viet) tổ chức. Nhằm mục tiêu chia sẻ thông tin, quan điểm, tăng cường hiểu biết về giá trị hệ sinh thái, đa dạng sinh học của bán đảo Sơn Trà; thảo luận các chính sách liên quan đến bảo tồn và phát triển tại bán đảo Sơn Trà; tạo diễn đàn tham vấn đa bên nhằm tìm kiếm các giải pháp, sáng kiến cho phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà…

Một điểm nhấn đặc biệt tại Hội thảo và hiện nhận được “bão like” từ cộng đồng mạng chính là lá thư đầy tâm huyết của Bí Thư thành ủy Nguyễn Xuân Anh.

Trong thư, ông Xuân Anh đã cho rằng: Ông rất quan tâm đặc biệt đến hội thảo “Giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng” này. Do bởi, trước hết ông là công dân, là người con của TP. Đà Nẵng. Dù ở vị trí nào, lãnh đạo hay chỉ là một người dân bình thường nhất thì ông Xuân Anh cũng như bao người Đà Nẵng khác luôn yêu quý, trăn trở, mong muốn tìm biện pháp giữ lấy “lá phổi xanh” của thành phố. Và vì không tham dự được hội thảo với lý do khách quan, Bí thư Xuân Anh đã gửi “tâm thư” tới Ban tổ chức với mong muốn hội thảo tổng hợp lại những ý kiến hay, tâm huyết, khoa học…để “hiến kế” bảo vệ bán đảo Sơn Trà. Trong thư, ông Xuân Anh viết: “Tôi lấy làm tiếc vì không thể tham dự buổi hội thảo có ý nghĩa nêu trên. Vì vậy, tôi đề nghị Ban tổ chức tổng hợp những ý kiến hay, những hiến kế tâm huyết, những tham luận có cơ sở khoa học, thiết thực và khả thi, gửi lãnh đạo thành phố Đà Nẵng để nghiên cứu, tiếp thu, cùng với các nhà khoa học và nhân dân thành phố có giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà”.

Và…hiện nay thành phố Đà Nẵng đang tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hài hòa, bền vững gắn với bảo tồn, gìn giữ cảnh quan môi trường tự nhiên. Vì vậy, ông rất hoan nghênh và đánh giá cao ý tưởng tổ chức cũng như chủ đề của hội thảo nhằm tìm kiếm các giải pháp hiệu quả khai thác các giá trị kinh tế, đồng thời bảo tồn nguyên vẹn hệ sinh thái, phát triển bền vững Sơn Trà, bán đảo có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, anh ninh, “lá phổi xanh” của thành phố Đà Nẵng và là “ngôi nhà xanh” của loài nữ hoàng linh trưởng trong sách đỏ Vọoc chà vá chân nâu quý hiếm.

Theo số liệu, với tổng hòa của hệ sinh thái rừng gắn liền biển với những loài đặc hữu và rạn san hô, bán đảo Sơn Trà thuộc quận Sơn Trà là nơi duy nhất ở Việt Nam hội tụ những giá trị sinh thái ngay tại một quận nội thành thuộc thành phố lớn cấp Trung ương. Sự thuận tiện trong việc thưởng thức những giá trị sinh thái mà không tách biệt với cuộc sống tiện nghi hiện đại khiến cho Bán đảo Sơn Trà trở thành một điểm đến lý tưởng đối với khách du lịch. Ngoài ra, là một phần của Vùng sinh thái Trường Sơn – một trong 200 vùng sinh thái tiêu biểu toàn cầu (WWF,2010), bán đảo Sơn Trà là nơi trú ngụ của nhiều loài sinh vật độc đáo với 985 loài thực vật bậc cao, gần 380 loài thú thuộc nguồn gen quý, hiếm cần ưu tiên bảo tồn. Khu vực biển xung quanh bán đảo Sơn Trà còn có hệ sinh thái san hô và cỏ biển quan trọng với 191 loài san hô cứng tạo rạn, 72 loài rong biển và 03 loài cỏ biển. Đặc biệt và duy nhất hơn, không chỉ ở Việt Nam và cả trên thế giới, bởi “ngay trong lòng thành phố” chúng ta có thể quan sát, tiếp cận cảnh loài Voọc Chà Vá Chân Nâu – loài đẹp nhất, quý hiếm nhất trong các loài linh trưởng trên thế giới. Đây chính là loài đặc hữu của khu vực Đông Dương, ở Việt Nam chỉ còn lại khoảng 1.500 cá thể, trong đó, bán đảo Sơn Trà có khoảng 300 cá thể...

Tuy nhiên, sự bùng nổ của du lịch lại đang đặt áp lực và đe dọa sự bền vững của hệ sinh thái Bán đảo Sơn Trà. Đến nay, diện tích rừng ưu tiên bảo tồn đa dạng sinh học tại Sơn Trà đã giảm đi gần một nửa. Đặc biệt, cuối năm 2016, Bán đảo Sơn Trà được quy hoạch thành khu du lịch cấp quốc gia với diện tích ưu tiên tập trung phục vụ du lịch lên tới 1.056ha và phát triển ở độ cao dưới 200m so với mực nước biển vốn là một phần sinh cảnh sống của loài Vooc chà vá chân nâu cùng nhiều loài động, thực vật khác. Sơn Trà hiện đang nóng dư luận khi phải đứng trước sự đe dọa nghiêm trọng của “bê tông hóa”, điển hình là dự án Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa do công ty Cổ phần Biển Tiên Sa làm chủ đầu tư xây không phép 40 móng biệt thự, khiến một góc Sơn Trà “lở loét” đến nao lòng mà các các phương tiện truyền thông và dư luận phản ánh vừa qua.

Theo KTS Hoàng Sừ, nguyên Viện trưởng Viện quy hoạch xây dựng Đà Nẵng: Điều đáng nói ở đây là sự “băm nát” Sơn Trà không phải do hành động phá rừng trái pháp luật, coi thường kỷ cương phép nước mà ở chỗ do các doanh nghiệp được thành phố giao đất, cấp phép đầu tư một cách hợp pháp.

“Tìm hiểu lịch sử biến đổi về quy mô của rừng cấm Sơn Trà mới thấy quá trình lấy đất rừng Sơn Trà cho xây dựng các khu du lịch diễn ra thật đáng lo ngại. Vấn đề nóng bỏng trong dư luận cộng đồng hôm nay là để phát triển kinh tế, Đà Nẵng có thực sự cần thiết phải biến 40% bán đảo Sơn Trà từ đất rừng chuyển đổi thành đất phi nông nghiệp, thành các khu đô thị, resort, khách sạn…đồng nghĩa với rừng xanh biến thành rừng bê tông?. Vì vậy phải khẳng định việc phục hồi lại diện tích cần thiết cho khu bảo tồn hết sức quan trọng và cấp bách”, KTS Hoàng Sừ cho biết.

Bình luận (0)

Lên đầu trang