Xử lý dứt điểm 12 dự án yếu kém của ngành Công Thương

Thứ Sáu, 21/04/2017 17:33  | Thanh Hoà

|

(CAO) Sáng 21-4, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủl àm việc với các bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải tập trung xử lý dứt điểm.

Cụ thể, 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả gồm: 4 dự án phân đạm (đạm Ninh Bình, phân đạm Hà Bắc, DAP Đình Vũ, DAP Lào Cai), 3 dự án sản xuất nhiên liệu sinh học (Dung Quất, Phú Thọ, Bình Phước), 2 dự án đầu tư sản xuất thép (dự án liên doanh giữa đối tác tuyển quặng mỏ Quý Sa và Nhà máy Gang thép Lào Cai, dự án mở rộng giai đoạn 2 của Nhà máy Gang thép Thái Nguyên), Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, bột giấy Phương Nam và đóng tàu Dung Quất.

Theo báo cáo, tổng số nhiệm vụ Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp liên quan đến xử lý 12 dự án yếu kém thuộc ngành Công Thương từ ngày 13-12-2016 đến ngày 14-4-2017 là 189 nhiệm vụ. Qua rà soát, đến nay, 120 nhiệm vụ đã hoàn thành; 54 nhiệm vụ chưa hoàn thành nhưng trong hạn và 15 nhiệm vụ đã quá hạn nhưng chưa hoàn thành.

Tại buổi làm việc, báo cáo về các nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cho biết, nguyên nhân do nhiều nội dung nhiệm vụ có tính chất phức tạp. Đặc biệt, là các nhiệm vụ làm rõ và xử lý dứt điểm các tranh chấp, vướng mắc liên quan đến các gói thầu thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (EPC) và công tác quyết toán dự án.

Ví dụ như việc lựa chọn đơn vị tư vấn độc lập đánh giá Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Giang thép Thái Nguyên có điểm vướng mắc: “Bộ không rõ việc lựa chọn nhà thầu được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu (kể cả với giá trị gói thầu trên 500 triệu đồng) hay áp dụng theo Điều 26 Luật Đấu thầu”. Ông Hưng cho biết đã xin ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Bộ sẽ hoàn thành nhiệm vụ này trước ngày 30-6.

Còn tại dự án Nhà máy Phân đạm Hà Bắc, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinachem Nguyễn Anh Dũng thông tin, Tập đoàn đã triển khai việc quyết toán từ năm 2016, song do khối lượng công việc lớn, nhiều vướng mắc nên đến nay chưa hoàn thành. Vướng mắc lớn nhất là hầu hết các nhà máy đã vận hành, bàn giao rồi nhưng hồ sơ thủ tục để quyết toán được hợp đồng EPC còn vướng. Tập đoàn xin lùi thời hạn đến hết tháng 9-2017.

Đề cập tới nhiều dự án đắp chiếu, tang thương nhất là có nhà máy đầu tư xong bán sắt vụn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho rằng, một số trường hợp cụ thể cần có cơ chế, chính sách tháo gỡ, xử lý các hợp đồng pháp lý có yếu tố nước ngoài, đưa các dự án vào hoạt động sớm.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc

Nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong xử lý dứt điểm những tồn tại tại các dự án thua lỗ ngàn tỷ, là không gia hạn thêm thời gian cho các nhiệm vụ đã giao, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ việc kéo dài quyết toán là không ổn, không quyết toán xong hợp đồng EPC, không thể triển khai các công việc tiếp theo.

Bộ trưởng cũng cho biết, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là quyết tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất về cơ chế, kể cả bảo hộ cho sản xuất trong nước, điều chỉnh thuế… để các nhà máy hoạt động trở lại. Nếu không hoạt động trở lại được, phải có phương án xử lý.

Bộ Công Thương đã có báo cáo từng phương án của từng nhà máy, có dự án đặt phương án phá sản, có dự án thì nêu phương án là bán. “Muốn thực hiện được, dứt khoát phải hoàn thành quyết toán… Phá sản cũng phải quyết toán được và phải có kiểm toán”, Bộ trưởng khẳng định rõ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang