Tập huấn tuyên truyền về công tác giảm nghèo bền vững

Thứ Ba, 18/04/2017 16:22  | Ngọc Hà - Vĩ Đồng

|

(CA) Sáng 18-4, Bộ Thông tin và truyền thông (Bộ TT&TT) phối hợp với Bộ Lao động thương binh xã hội (Bộ LĐTB&XH), UBND tỉnh Gia Lai, Sở TT&TT, Sở LĐTB&XH tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị tập huấn công tác thông tin, tuyên truyền giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 khu vực phía Nam.

Đến dự và và điều hành Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ TT&TT, Bộ LĐTB&XH, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, lãnh đạo tỉnh Gia Lai, đại diện các ban, ngành chuyên trách, phóng viên, biên tập viên 85 cơ quan thông tấn, báo chí tại 26 tỉnh, thành.

Hội nghị tập trung phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo; trang bị những kiến thức cơ bản về thông tin truyền thông trong công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; giới thiệu về các gương điển hình, sáng kiến, mô hình giảm nghèo mới, cách làm mới, hiệu quả trong công tác giảm nghèo; trao đổi, thảo luận về công tác thông tin, tuyên truyền về công tác giảm nghèo.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng - Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 lưu ý các cơ quan báo chí cần thông tin, tuyên truyền một cách đồng bộ, có trọng tâm, đa dạng về phương thức, phù hợp với từng nhóm đối tượng, vùng miền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo ở vùng khó khăn; góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, dân tộc và nhóm dân cư; tạo cơ hội để đối tượng nghèo sống ổn định và đa dạng hóa việc làm, tăng thu nhập; tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho đối tượng nghèo…

Hàng ngàn tỷ đồng đến tay người nghèo

Tại Hội nghị tập huấn, đại diện các Bộ, ngành tổ chức nêu ra những điểm mới Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với các điểm đáng lưu ý như sau: Chương trình tập trung vào địa bàn khó khăn nhất, vùng sâu, vùng xa, dân tộc, miền núi, hải đảo; tích hợp các chương trình, dự án trước đây, như chương trình 30A, chương trình 135, xuất khẩu lao động, thông tin truyền thông; chuyển mạnh từ việc cấp phát, cho không sang hỗ trợ có điều kiện để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người nghèo trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh để từng bước vươn lên tháot nghèo; nhà nước không làm thay mà chỉ ban hành cơ chế hướng dẫn thực hiện.

Tổng kinh phí thực hiện chương trình là 48.397 tỷ đồng, dự kiến huy động từ các nguồn: ngân sách TW, ngân sách địa phương, vốn huy động hợp pháp khác. Đối tượng áp dụng: Hộ cận nghèo, hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi cả nước, ưu tiên hộ nghèo dân tộc thiểu số, phụ nữ thuộc hộ nghèo. Mục tiêu góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước; thực hiện quyền đảm bảo an sinh xã hội, nhu cầu sinh kế của người dân.

Ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh văn phòng quốc gia về giảm nghèo, khẳng định: Chương trình tạo ra một cơ chế chính sách mới, hướng đến hiệu quả áp dụng, thực hiện các chương trình đã đề ra, dựa trên những kết quả điều tra, tham khảo, rút kinh nghiệm từ thực tiễn các chương trình hành động vì người nghèo, cận nghèo… đã tổ chức trong suốt thời gian qua. Không tạo cơ chế xin – cho, không có chỗ cho sự ỷ lại, dựa dẫm; quy trách nhiệm cụ thể với cán bộ thực hiện; thồng nhất về tổ chức bộ máy chỉ đạo điều hành thực hiện chương trình từ TW đến cơ sở.

Tài liệu về Hội nghị tập huấn thể hiện chương trình, mục tiêu hành động, đối tượng thực hiện và thụ hưởng… cụ thể, rõ ràng, phương pháp vận dụng phong phú, kinh phí thực hiện lớn. Mong rằng, quần chúng nhân dân sẽ phát huy quyền làm chủ của mình, đồng hành, giám sát để chương trình khả thi, hiệu quả, tránh phát sinh những tiêu cực. Thực tế, nhiều năm qua, có khá nhiều chương trình hỗ trợ dân sinh, như xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ thiệt hại hạn hán, thiên tai, xây dựng các công trình vì lợi ích cộng đồng… không đúng đối tượng… Kết quả xử lý với người chịu trách nhiệm về hậu quả chưa nghiêm minh, khiến báo chí và người dân nhiều lúc, nhiều nơi chưa tâm phục, khẩu phục. Do đó, sự minh bạch, công khai là cần thiết. Đại diện Bộ TT&TT cũng đồng tình với ý kiến trên.

Dịp này, Bộ LĐTB&XH phát động Cuộc thi các tác phẩm báo chí liên quan đến lĩnh vực giảm nghèo trong công tác tổ chức triển khai thực hiện chương trình như nêu trên. Thời gian bài đăng tải được tính bắt đầu từ tháng 9-2016 đến tháng 9-2020.

Bình luận (0)

Lên đầu trang