(CAO) Đợt công bố đầu tiên về việc đưa chỉ số môi trường lên các bảng thông tin giao thông điện tử vào chiều 10-4 cho thấy, có 20 khu vực ở TP HCM đang bị ô nhiễm không khí, tiếng ồn hoặc thiếu hụt lượng oxy trong nước.
Chiều 10-4, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM) đã phối hợp với Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn (Sở Giao thông Vận tải TP HCM) cùng ký kết Quy chế phối hợp về cung cấp thông tin kết quả quan trắc môi trường lên bảng thông tin giao thông điện tử.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, mục đích của việc đưa kết quả quan trắc môi trường lên bảng thông tin giao thông điện tử nhằm cung cấp thông tin về chất lượng môi trường (chất lượng môi trường không khí, nước sông, kênh rạch) đến cộng đồng một cách nhanh chóng trên hệ thống bảng điện tử của thành phố góp phần đẩy mạnh hiệu quả bảo vệ môi trường.
Các thông tin về môi trường tại TP HCM sẽ được thông báo trên 48 bảng điện tử trên những tuyến đường thuộc các quận 1, 3, 5, 6, 10, 12, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Ảnh: Nguyên Huy.
Theo quy chế, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường sẽ cung cấp các thông tin về kết quả quan trắc về môi trường vào ngày 25 hàng tháng với 5 thông số đối với chất lượng môi trường không khí bao gồm: NO2, CO, bụi tổng, bụi PM10 và tiếng ồn và 4 thông số đối với chất lượng môi trường nước bao gồm: pH, DO, BOD5, COD.
Bên cạnh đó, Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn sẽ tiếp nhận thông tin về kết quả quan trắc môi trường từ Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường để biên tập các nội dung thông tin và trình Sở Giao thông vận tải phê duyệt. Sau khi Sở Giao thông vận tải chấp thuận thì Trung tâm thực hiện đăng các thông tin về môi trường lên bảng thông tin giao thông điện tử trong khung giờ cao điểm và thấp điểm (30 giây/tin) trong vòng 15 ngày của tháng tiếp theo.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên & Môi trường và Sở Giao thông Vận tải TP HCM cùng thực hiện nghi thức khởi động chương trình - Ảnh: Nguyên Huy.
Trong đợt công bố đầu tiên vào chiều 10-4 cho thấy, 20 khu vực có thông số môi trường vượt quá quy định cho phép. Cụ thể, các khu vực bị ô nhiễm không khí, tiếng ồn bao gồm: ngã tư An Sương, vòng xoay Điện Biên Phủ, Hàng Xanh, ngã sáu Gò Vấp,… Các trạm quan trắc môi trường cũng ghi nhận tình trạng thiếu oxy trong nước ở các khu vực cầu Bình Điền, Nhị Thiên Đường, cầu chữ Y, Ông Buông, Chà Và, Tham Lương, cầu Mống, An Lộc, Bình Lợi, Bến Bạch Đằng, Phú Định, cầu An Lộc, cầu Binh Lợi, Bến Bạch Đằng…
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, thông tin về chỉ số môi trường được lấy từ 12 trạm quan trắc tự động hoạt động khắp các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu dân cư và rất nhiều trạm đặt trên hệ thống sông Sài Gòn. Thông tin từ các trạm sẽ được đấu nối và truyền trực tiếp về Trung tâm Quan trắc phân tích môi trường thuộc Sở TN-MT. Tại đây, cán bộ phụ trách sẽ tổng hợp và đưa ra những con số cơ bản cho Trung tâm Quản lý hầm sông Sài Gòn, Sở Giao thông Vận tải.
Chỉ số môi trường được lấy từ 12 trạm quan trắc tự động hoạt động khắp các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu dân cư và rất nhiều trạm đặt trên hệ thống sông Sài Gòn.- Ảnh: Nguyên Huy.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho biết dự án này đã được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM quan tâm từ nhiều năm và vừa được sự chấp thuận của Uỷ ban nhân dân TP tại công văn số 1017/UBND-ĐT ngày 02-03-2017.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM phát biểu tại buổi ký kết - Ảnh: Nguyên Huy.
“Hôm nay, chúng tôi sẽ chính thức công khai chỉ số môi trường lên 48 bảng điện tử trên những tuyến đường thuộc các quận 1, 3, 5, 6, 10, 12, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Ngoài ra, thông tin còn đăng tải trên trang web của Sở Tài nguyên & Môi trường. Tần suất công bố 1 lần/tháng,khi điều kiện cơ sở vật chất bảo đảm thì sẽ tăng tần suất công bố lên” – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho hay.