(CAO) Sáng 4-4-2017, Thường trực Hội đồng nhân dân TP.HCM tổ chức Phiên họp giải trình về công tác Phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên địa bàn thành phố dưới sự chủ trì của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.
Qua công tác giám sát, đại biểu Trương Lâm Danh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP chất vấn hiện TP có 237 cơ sở vừa là nhà ở, vừa là nhà kinh doanh. Loại hình này cơ quan PCCC không quản lý mà do địa phương quản lý. Như vậy, công tác PCCC ở đây như thế nào? Theo ông Danh, những cơ sở này đa phần chỉ có 1 cửa chính, nhiều nơi không có cửa thoát hiểm, cửa chính lại là cửa cuốn, rất nguy hiểm khi có cháy nổ xảy ra vì lúc đó nguồn điện điều khiển cửa bị ngắt. Phương tiện chữa cháy chỉ có nhiều nhất là 2 bình chữa cháy/hộ. Nguy hiểm hơn nữa là nhiều hộ tuy có bình chữa cháy nhưng lại không biết sử dụng.
Còn đại biểu Lê Minh Đức, Phó Ban Pháp chế băn khoăn: “Chúng tôi đi giám sát thấy chợ Tân Bình hiện không đảm bảo đủ điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy. Nếu có cháy nổ xảy ra thì hậu quả khôn lường. Tại sao không kiến nghị thành phố mạnh dạn di dời và xây mới chợ?”. Ông Đức cũng đặt vấn đề trước thực trạng các nhà cao tầng, chung cư mọc lên rất nhiều đòi hỏi phải có phương pháp kết nối, xử lý nhanh khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Ông Đức đề nghị lãnh đạo CS PCCC TP giải trình rõ hơn về nội dung này.
Báo cáo tại phiên giải trình, Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP cho biết, hiện nay trên địa bàn TP có hơn 1.000 nhà cao từ 5 tầng trở lên, trong đó có 605 nhà cao tầng trên 10 tầng; có trên 1.500 cơ sở kinh doanh xăng, dầu và khí đốt hóa lỏng… Cảnh sát PCCC TP,trực tiếp quản lý theo qui định của pháp luật trên 28.000 cơ sở. Đây là những đối tượng mà khi cháy, nổ không chỉ gây thiệt hại về người và tài sản mà còn ảnh hưởng lớn đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, môi trường đầu tư và sự phát triển kinh tế xã hội của TP.
Liên quan tới vấn đề này, trong năm 2016 liên tiếp xảy ra các vụ cháy nổ ở các chung cư cao tầng, khiến người dân bất an, lo lắng. Thực tế ghi nhận của lực lượng CS PCCC là không ít chủ đầu tư cũng như Ban quản lý chung cư lại không quan tâm đến vấn đề PCCC, thậm chí có chung cư chưa được nghiệm thu PCCC nhưng vẫn đưa dân vào ở.
Đại biểu chất vấn
Đơn cử như vụ cháy tại chung cư Hoàng Quân vào đêm 15-7-2016 (xã An phú Tây, huyện Bình Chánh), mặc dù vụ cháy trên không gây thiệt hại về người nhưng qua đó khiến cơ quan quản lý Nhà nước phải “giật mình” khi biết chung cư này vẫn chưa được nghiệm thu PCCC nhưng chủ đầu tư vẫn liều mình đưa dân vào ở.
Tương tự, chung cư Bắc Bình đường Ung Văn Khiêm (P.25, Q.Bình Thạnh) do Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng Số 8 làm chủ đầu tư, được đưa vào sử dụng 4 năm nay. Thế nhưng, hệ thống PCCC của tòa nhà vẫn chưa được nghiệm thu. Lo sợ vấn đề cháy nổ, cư dân nhiều lần kiến nghị vấn đề này lên cấp trên nhưng chủ đầu tư vẫn chây ì, xem thường tính mạng của người dân.
Riêng chợ Tân Bình, Đại tá Trần Thanh Châu, Phó giám đốc CS PCCC TP giải trình, ngoài những tiểu thương kinh doanh trong chợ, khu vực xung quanh chợ cũng có trên 100 hộ dân vừa ở và kinh doanh rất khó khăn trong công tác PCCC. Chợ này được xây từ năm trước năm 1975 với gần 3.000 hộ kinh doanh, buôn bán các mặt hàng bông, vải, sởi… đa số vi phạm về công tác PCCC.
Đại tá Lê Tấn Bửu giải trình
“Chợ chưa được thẩm duyệt về công tác PCCC, hệ thống điện, công tác PCCC rất có nguy cơ cao về cháy nổ, vì vậy trong năm 2016, CS PCCC tham mưu cho Q.Tân Bình về kế hoạch, công tác phòng chống cháy nổ, tuy nhiên công tác này vẫn chưa được quan tâm nên trong tháng 10-2016 xảy ra cháy tại một kho hàng, rất may chưa để lại hậu quả nghiêm trọng”, Đại tá Châu nói.
Đại biểu Phan Thị Hồng Xuân (Q.Gò Vấp) lo lắng với thông tin phương tiện chữa cháy chỉ chữa tới tầng 20, những tầng còn lại thì sao? Đại tá Bửu khẳng định lực lượng CS PCCC TP đủ khả năng tiếp cận ở những tầng cao nhất để chữa cháy chứ không phải chỉ tầng 20. Ông Bửu cho rằng để công tác chữa cháy hiệu quả, ngoài lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, các nhà cao tầng phải đảm bảo chấp hành các quy định về phòng cháy: có hệ thống thang dành riêng cho PCCC, có nguồn nước, có bình chữa cháy… Đặc biệt phải có lực lượng tại chỗ nhanh chóng vào cuộc và phối hợp hiệu quả.
Kiểm tra công tác PCCC
Kết luận tại phiên giải trình, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm đánh giá công tác PCCC trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Đó là trách nhiệm của cộng đồng xã hội mà chủ lực là lực lượng CS PCCC TP.
Tuy nhiên, công tác PCCC vẫn có diễn biến phức tạp, đó là trong quí I- 2017 lại tăng về số vụ cháy và số người chết. Nguyên nhân có nhiều, nhưng chủ yếu là do sử dụng điện không an toàn. Vậy giải pháp của ngành điện ở đâu? Quan trọng là ngành điện phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến cáo, hướng dẫn để người dân có ý thức trách nhiệm cao hơn trong công tác PCCC. Ngành điện nên thay đổi cách kiểm tra, hướng dẫn bằng cách chăm sóc khách hàng thì sẽ hiệu quả hơn. Trước kiến nghị của CSPCCC về việc phối với các đơn vị để chữa cháy, bà Tâm đề nghị UBND TP chỉ đạo khắc phục triệt để và chỉ ra những đơn vị nào chưa phối hợp tốt trong công tác PCCC.