Quốc hội thảo luận phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên

Thứ Hai, 03/04/2017 20:27  | Trà My

|

(CAO) Tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách diễn ra ngày 3-4, thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015, vấn đề được các đại biểu quan tâm là có nên thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi hay không.

Đồng thời có hay không việc tăng mức hình phạt với tội gây ô nhiễm môi trường vì đây là vấn đề đang gây nhức nhối trong dư luận.

Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi đối với tội cố ý gây thương tích, tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, qua thảo luận, một số ý kiến đồng tình với dự thảo do Chính phủ trình. Theo đó, người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng và nghiêm trọng đối với 3 tội danh trên.

Lý do là, trên thực tế, tội phạm có xu hướng ngày càng trẻ hóa nên cần có các biện pháp răn đe, giáo dục phòng ngừa. Song, đó phải là biện pháp tổng hợp, đồng bộ, chứ không thể cứ khi thấy xuất hiện tội phạm là đưa vào hình sự hóa.

Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, pháp luật phải nghiêm trị để răn đe, giáo dục ngay khi ở tuổi thanh, thiếu niên nhằm tạo ra môi trường xã hội lành mạnh.

Còn đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng, lý luận về việc không xử lý hình sự với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi là đi ngược lại với chính nguyên tắc áp dụng Bộ luật Hình sự được quy định tại Điều 91 của chính bộ luật này.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phân tích: “Trong điều 91 có quy định, việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc hội nghị

Trước tình hình tội phạm về môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp đang diễn ra nghiêm trọng trên diện rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người dân, nhiều đại biểu thống nhất cần tăng mức hình phạt để đảm bảo tính răn đe.

Dẫn chứng từ những hậu quả nặng nề về môi trường biển do công ty Fomosa gây ra, một số đại biểu cho rằng, kinh nghiệm của hầu hết các nước, quy định về xử lý nghiêm các loại tội phạm này không chỉ là định lượng đối với tội gây ô nhiễm môi trường mà còn căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi và quan trọng nhất là căn cứ vào hậu quả thực tế xảy ra để xử lý hình sự.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) đề nghị không quy định cụ thể về khối lượng thông số môi trường, khí thải, chất thải để xác định hành vi vi phạm vì có những vụ việc như của công ty Vedan hay Fomosa tiến hành xả ngầm thì không thể xác định được khối lượng, thể tích nước thải, chất thải: “Trong luật này chỉ cần đưa ra một nội dung đó là xả thải ra môi trường có thông số môi trường nguy hại vượt chuẩn kỹ thuật quốc tế về môi trường từ 3 đến 5 lần và các trường hợp sau như thế. Bỏ quy định từ 1 nghìn mét khối trên ngày đến 5 nghìn mét khối trên ngày, vì tôi cho rằng, đưa ra cái này chúng ta không xác định được”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang